Ông Lê Văn Thắng, Chi Cục trưởng Chi cục PTNT Hưng Yên cho biết: Hiện tại trên địa bàn có khoảng 30 cơ sở vừa và nhỏ chuyên chế biến hạt sen các loại, tập trung tại các xã Hồng Nam, Liên Phương, Quảng Châu, Tân Hưng, Phương Chiểu của thành phố Hưng Yên.
Bình quân mỗi năm các cơ sở này sản xuất và cung ứng ra thị trường được trên 10.000 tấn hạt sen trần, doanh thu ước đạt 1.000 - 1.500 tỷ đồng (tùy từng năm). Sản phẩm, một phần được bán cho người tiêu dùng trong nước, số còn lại xuất khẩu sang Hàn Quốc và Trung Quốc. Hạt sen trần ở đây cũng đã được UBND tỉnh Hưng Yên công nhận đạt OCOP 4 sao năm 2020. Qua đó đã giúp tạo việc làm, thu nhập thường xuyên cho hàng chục nghìn lao động nông nhàn tại chỗ.
“Sản phẩm hạt sen trần gần như chỉ Hưng Yên duy trì được sản xuất số lượng lớn. Trước đây xã Đình Bảng, Từ Sơn (Bắc Ninh) từng mở nghề chế biến hạt sen, vì không kịp thời đổi mới công nghệ, nên giá trị ngày công lao động thấp đã phải chuyển đổi sang ngành nghề khác. Cũng có một số hộ ở tỉnh Hà Nam sang Hưng Yên học nghề về sản xuất, nhưng qui mô còn rất nhỏ lẻ, sản lượng làm ra cũng không đáng kể”, ông Thắng cho biết thêm.
Cơ sở chế biến hạt sen Tuấn Đạt ở xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) chế biến được chừng 500kg hạt sen trần mỗi ngày, trị giá khoảng 70 triệu đồng, chưa trừ các khoản chi phí đầu vào như, điện nước, khấu hao máy móc, thuê mượn hơn 100 lao động và mua nguyên liệu cho chế biến. Theo ông Đạt, trong qui trình chế biến hạt sen thành phẩm, chỉ còn khâu cắt đầu thông tâm phải làm thủ công cần nhiều người sản xuất nhất, trong số thuê mượn hơn 100 nhân công chỉ có 2 - 3 lao động trực tiếp đứng máy, còn lại đều được giao việc về làm tại nhà.
Bà Trịnh Thị Uy ở thôn Nễ Châu đã ngoài 70 tuổi vẫn nhận hạt sen trắng thô về cắt đầu thông tâm ở nhà, mỗi ngày cũng làm được 3 - 4kg hạt tương đương có hơn 30.000 đồng bỏ túi. “Thu nhập rất thấp nhưng nhàn nhã và cũng chỉ làm tranh thủ vào những lúc rảnh rỗi hoặc kết hợp trông nom con cháu. Do đặc thù công việc không phân biệt tuổi tác, sức khỏe, bọn trẻ có việc làm nên cũng ngoan hơn, con trai không mải chơi điện tử, bé gái đua nhau làm tích lũy vốn riêng. Nên hầu hết các hộ dân mấy xã quanh đây đều nhận hạt sen về làm thêm tại nhà”, bà Uy vui vẻ nói.
Hạt sen trần (sen trắng bóng) được chế biến trên các dây truyền điện máy tuần tự như, mua gom tập kết hạt sen đen (hạt sen già phơi khô), đưa vào hệ thống máy chặt hạt, rồi chuyển số hạt đã chặt sang máy sàng để tách riêng các hạt sen còn nguyên màu đỏ với các hạt vỡ, hạt mảnh (hạt hoặc mảnh hạt có lớp màng màu đỏ bao ngoài), sau dùng máy trà sen đỏ tạo ra hạt sen trắng thô giao cho các hộ nhỏ lẻ cắt đầu thông tâm (cắt hớt 2 dầu hạt và rút lõi sen xanh ra ngoài), hạt sen trắng sau thông tâm được đưa lên máy sấy tới khô kiệt, chuyển qua máy chọn sen (loại bỏ hết sen thối, sen kẹ), còn phải đưa hạt sen trắng thô vào máy đánh bóng cho trắng đẹp hơn, cuối cùng chọn phân ra thành 3 loại hạt (I; II; III), rồi mới đóng bao xuất khẩu hoặc cân bán cho các đại lý kinh doanh sen trong toàn quốc.
Ông Trịnh Văn Hùng (90 tuổi) ở thành phố Hưng Yên, kể: Nghề chế biến hạt sen có ở đây chắc phải được 200 năm, bởi lúc còn nhỏ tuổi tôi đã được bố mẹ truyền lại, các cụ tứ đại của gia đình từng sống bằng nghề chế biến hạt sen bán cho thương lái người Trung Quốc. Nhưng khi đó mới chỉ dừng ở khâu sản xuất hạt sen đỏ dùng trong các thang thuốc Bắc, gặp những năm thương lái không mua, không còn tiền đong gạo, các cụ phải ngâm hạt sen đỏ trong nước ấm cho mềm bớt, rồi trà sát trong rổ rá loại bỏ lớp màng đỏ bên ngoài, sau cắt hớt 2 đầu hạt để dễ thông tâm lấy lại hạt sen trắng đem rang giòn hoặc luộc chín ăn cho đỡ đói. Có thể coi nghề chế biến hạt sen bắt đầu được hình thành từ đấy.
Nhưng phải tới những năm 80 của thế kỷ trước, Nhà nước xóa bỏ quan liêu bao cấp, chuyển sang hạch toán kinh tế theo cơ chế thị trường, hạt sen trần mới thực sự trở thành sản phấm có giá trị hàng hóa. Tuy nhiên vẫn là sản xuất thủ công nhỏ lẻ. Những người làm nghề phải nhặt từng hạt sen đen đặt kê lên thớt gỗ cao chắc chắn, dùng dao rựa sắc chặt tách bỏ đi phần vỏ cững, các khâu chế biến tiếp sau cũng vẫn giống cách làm cổ xưa. Có khác là hạt sen đỏ được trà kỹ cho trắng hơn, có phơi sấy tới khô kiệt thành phẩm trước khi cho người tiêu dùng. Việc làm tỷ mẩm, qua nhiều công đoạn sản xuất cầu kỳ và rất tốn lao động, nhưng sản lượng làm ra mỗi năm chỉ được hơn 100 tấn sen trần các loại.
Từ sau năm 2010 trở lại đây, cùng với đà phát triển của đất nước, được ngành nông nghiệp và PTNT Hưng Yên hỗ trợ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, việc chế biến hạt sen đã từng bước thực hiện trên các dây chuyền điện máy theo qui trình đã nêu ở phần đầu. Nhờ đó năng suất lao động đã tăng hơn 100 lần, sản lượng tạo ra cũng tăng theo gấp bội. Cũng nhờ có dây truyền chế biến sen tự động đã tạo ra sự phân công lại các lao động làm nghề, những hộ có thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng, có khả năng tổ chức sản xuất kinh doanh tốt, đứng ra liên kết các hộ sản xuất nhỏ lẻ thành mô hình doanh nghiệp hoặc HTX chuyên chế biến hạt sen, phân chia lợi nhuận theo cổ đông góp vốn, hoặc chi trả ngày công theo sản phẩm nhận khoán.
Điển hình trong các số nêu trên có hộ ông Hà Văn Lai ở xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên), năm 1985 vẫn còn phải chặt hạt sen thuê cho các cơ sở chế biến nhỏ lẻ trên địa bàn. Nhờ dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đầu tư đổi mới qui trình công nghệ sản xuất, nay đã trở thành Doanh nghiệp chế biến hạt sen Lai Hoài lớn nhất nước. Bình quân mỗi ngày doanh nghiệp này đã sản xuất, cung ứng ra thị trường trong nước và xuất khẩu 3.000 - 4.000kg hạt sen trần các loại, doanh thu ước đạt 400-550 triệu đồng/ngày, giúp hơn 1.000 lao động ở địa phương có việc làm tại công ty hoặc tại nhà.
Bà Hoàng Thị Ngọc, cán bộ Phòng Kế hoạch - Tài chính và Thông tin Nông nghiệp Hưng Yên cho biết: Tại các hội chợ xúc tiến thương mại nông sản trên Hà Nội, hạt sen OCOP 4 sao rất được người nước ngoài ưa chuộng mua dùng vì ngon sạch và bổ dưỡng, có thể coi là sản phẩm hữu cơ. Bởi nguyên liệu đưa vào chế biến được khai thác từ các đầm hồ tự nhiên (không bón phân thâm canh), luôn đảm bảo VSATTP. Tục ngữ Việt Nam cũng nêu rõ về độ an toàn của nguyên liệu làm hạt sen trần qua câu “…, Gần bùn mà chẳng hôi tanh tanh mùi bùi bùn”. Đồng thời trong quá trình chế biến cũng không cần dùng phụ gia hay chất bảo quản, sản phẩm được sấy khô trong điều kiện nhiệt độ cao. Đây là những thuận lợi rất cơ bản cho xuất khẩu hạt sen sang các thị trường Mỹ và châu Âu, giúp gia tăng giá trị kinh tế, tăng hiệu quả sản xuất.
Ở thị trường trong nước, hạt sen đang là món ăn không thể thiếu các ngày lễ hội, cưới hỏi, tết nhất, tuần rằm mùng một… Với rất nhiều cách chế biến đa dạng, ngon lành và hấp dẫn như, bánh nướng nhân sen, mứt sen trần, xôi nấu hạt sen, sen ninh mọc, ninh chân giò lợn, sen tần chim câu, cháo/ súp hạt sen. Đặc biệt là chè sen long nhãn là món ăn đặc sản cổ truyền của người Phố Hiến.
Hạt sen đỏ còn là vị thuốc quí trong các thang thuốc Nam, thuốc Bắc giúp an thần, dưỡng não. Tâm sen sau phơi khô hãm trong nước nóng uống như nước trà chữa mất ngủ rất hiệu nghiệm. Món ăn chứa hạt sen trần có tác dụng dưỡng thai, làm đẹp da, chống lão hóa, tốt cho trẻ nhỏ.
Các phụ phẩm từ quá trình chế biến hạt sen cũng không bỏ đi thứ gì, vỏ đen của hạt dùng làm chất đốt, hỗn hợp bột màng đỏ bao hạt dành bón cây trồng, bột sen thải loại do trà bóng, dùng cho chăn nuôi gia súc, gia cầm, các mảnh sen vỡ và tâm sen bán cho hiệu thuốc đông y.
“Sản lượng sen đen trong toàn quốc không thể đủ cung cấp cho chế biến ở Hưng Yên. Nên phải nhập khẩu thêm hàng chục nghìn tấn hạt sen đen từ Campuchia cho sản xuất đảm bảo các đơn hàng nội địa và xuất khẩu”, ông Lê Văn Thắng, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hưng Yên, thông tin.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã