Học tập đạo đức HCM

Về nông dân, từ những nhận thức bất cập

Chủ nhật - 03/01/2021 05:57
Thực tế nước ta cho biết rằng, trong những điều kiện cụ thể, nhất là khi ở 'bước đường cùng', nông dân Việt Nam vẫn có nhiều sáng tạo để vượt hoàn cảnh.
Nông dân thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) thu hoạch lúa vụ Đông Xuân. Ảnh: Nguyệt Nhi/VnExpress.

Nông dân thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) thu hoạch lúa vụ Đông Xuân. Ảnh: Nguyệt Nhi/VnExpress.

Nông dân thường bị coi là giai cấp thụ động và không có năng lực tự giải phóng; nhưng từ đó cho rằng họ cũng không thể tự giải quyết vấn đề, không thể “tự cứu mình” thì cũng cần được xem lại.

Thực tế nước ta cho biết rằng, trong những điều kiện cụ thể, nhất là khi ở “bước đường cùng”, nông dân Việt Nam vẫn có nhiều sáng tạo để vượt hoàn cảnh.

Họ không hoàn toàn là một giai cấp thụ động! Trong những năm 70 đầu 80, nông dân ở nhiều địa phương đã là người đầu tiên “xé rào”, “khoán chui”. Về sau này những hành động ấy được nhìn nhận là tiên phong cho Đổi mới.

Nhìn từ thực tế đổi mới, nông dân bắt đầu từ “khoán chui”, sau đó một thời gian là “dồn điền, đổi thửa”  bây giờ là “dịch chuyển cơ cấu” và họ còn có thể có thêm nhiều sáng kiến có tính chất gợi ý cho chủ trương mới nữa.

Điều đó có nghĩa là, nông dân nước ta hiện nay vẫn có tính chủ động ở mức độ nhất định. Tất cả có một điểm chung là nếu tạo điều kiện “để cho nông dân suy nghĩ trên luống cày của mình” (Lê nin) thì sẽ tạo nhiều cơ hội hơn cho các sáng kiến. Điều kiện ấy chính là xác nhận vai trò tự chủ, chủ thể của nông dân.      

Tính chất tư hữu của nông dân đôi khi còn được xem xét một chiều, giáo điều. Chẳng hạn nhận thức một thời về “cái đại dương mênh mông sản xuất nhỏ hàng ngày hàng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản” đã làm “nản lòng” nhiều người khi tìm kiếm giải pháp phát triển nông nghiệp. Thực tế của đổi mới xác nhận rằng, kinh tế tư nhân, sở hữu tư hữu là do trình độ của sản xuất hiện nay quy định chứ không phải do người ta thích cá thể, tư hữu.

Theo đó, thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế nông hộ của đa số nông dân hiện nay đã được nhìn nhận là bộ phận có vai trò quan trọng”, chứ không phải là yếu tố chống phá, phủ định.

Sản xuất nhỏ, sở hữu nhỏ của nông dân, đôi khi chỉ được nhìn theo cách phiến diện là lạc hậu, thậm chí chỉ thấy mặt tiêu cực là tự phát hoặc không phù hợp với xu thế xã hội hóa.

Trong một thế giới chuyển biến rất nhanh hiện nay, sở hữu lớn, quy mô lớn của một doanh nghiệp hay tập đoàn tương đối khó chuyển hướng sản xuất kinh doanh. Chúng vận động chậm chạp như những con “khủng long” vì quá nặng nề, to lớn.

Trái lại quy mô sở hữu nhỏ, sản xuất nhỏ của nông dân đôi khi lại là những lợi thế khi chuyển hướng. “Nhỏ là đẹp” - hiện có một triết lý kinh doanh như vậy. Tính linh hoạt của quy mô sản xuất nhỏ là lợi thế cần được nhìn nhận trong kinh tế thị trường hiện đại. Nó không cần nhiều lắm những điều kiện, mà chỉ cần cơ hội; và khi nắm bắt được nhu cầu của thị trường thì nó chuyển dịch hướng sản xuất rất nhanh.

Nông dân Việt Nam vẫn tồn tại và phát triển được trong cơ chế thị trường, dù ai đó có than phiền “nay trồng, mai chặt” thì họ vẫn tự xoay sở được, thâm canh được trên “mảnh đất của mình” và tiếp tục tìm kiếm cơ hội.

Dĩ nhiên, ai cũng muốn phát triển bền vững và tăng dần quy mô, trình độ kinh doanh cho các hộ nông dân. Nhưng thực tế của kinh tế thị trường cũng xác nhận tính linh hoạt, khả năng ứng phó của họ. Tất cả vẫn trên “mảnh đất nhỏ” ấy của nông dân

Hiện nay vẫn còn tư duy rằng những gì bất cập tiêu cực trong đời sống là gán luôn cho nó tính từ “nông dân” hoặc “kiểu nông dân” mà không phân định rõ: Đó là tình cảm yêu quý tư liệu sản xuất của người nông dân vốn sống bằng lao động của mình hay sự quyến luyến với sở hữu nhỏ? Là tính độc lập, tự chủ về kinh tế hay chủ nghĩa cá nhân?

Là tinh thần thực tế hay chủ nghĩa kinh nghiệm? Là biểu hiện của cuộc sống giản dị hay là biểu hiện của thiếu khát vọng phát triển? Là tình cảm ruột thịt quê hương hay tính làng xã, dòng tộc?...
 

Phương thức sản xuất nhỏ đã bị thời đại vượt qua, nhưng những kinh nghiệm, những “tri thức bản địa” của nông dân (theo cách diễn đạt của UNDP) không hoàn toàn bị bỏ qua.       

“Đô thị hóa” mới chỉ diễn ra ở những ngôi nhà nông thôn một cách tự phát theo kiểu: “Mái bằng, mái bằng lại mái bằng. Tôi đi như cá lạc trong đăng. Mười năm trở lại làng quê cũ; cả làng là một cục xi măng” (thơ Trần Văn Đăng - Bút Tre). Mà, cái nông dân cần nhất là một đổi mớí tổng thể cả về điều kiện sống và lối sống...

Nông dân hiện đang bị tách rời tương đối khỏi nông nghiệp và nông thôn. Nhiều nghịch lý đã diễn ra từ những sự tách rời ấy. Nông dân mà không còn “yêu đất”, bỏ ruộng vì ruộng đất manh mún không đủ nuôi người.

Họ sẵn sàng từ bỏ nông nghiệp, nông thôn để lên thành thị kiếm việc vì thu nhập khá hơn, ổn định hơn. Khoán hộ chỉ xóa đói giảm nghèo, chứ không thể tiến lên làm giàu được, vì nó mở rộng quyền cho nông dân nhưng không mở rộng được ruộng đất cho họ.

Khó có thể phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, hiện đại và bền vững nếu chỉ dựa trên hiện trạng gần 10 triệu hộ nông dân với 76 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ, phân tán. Tích tụ ruộng đất là yêu cầu tự nhiên của nền nông nghiệp lớn hiện nay.   

Nông nghiệp quyết định một vấn đề chiến lược hàng đầu của xã hội là an ninh lương thực quốc gia nhưng chưa được đầu tư xứng đáng.

Mặc dù nông nghiệp cung cấp sinh kế cho 9,53 triệu hộ dân nông thôn và 68,2% số dân (khoảng 60 triệu người), giải quyết gần 50% lao động, hàng năm đóng góp 18 - 22% GDP cho nền kinh tế và 23 - 35% giá trị xuất khẩu; 10 năm gần đây nhất nông nghiệp luôn có thặng dư xuất khẩu (lấy năm 2019 làm ví dụ, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đạt 41,3 tỷ USD, cao hơn xuất khẩu dầu khí 7 lần). Nhưng nông nghiệp lại được đầu tư ít nhất, hiện chỉ chiếm gần 6% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội, hoặc 14% ngân sách nhà nước - đó là nghịch lý.

Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa trong nông nghiệp đang là lĩnh vực chậm nhất, ít nhất. Là thị trường trong nước lớn nhất với nhiều tiềm năng nhưng hiện nay chỉ có 7.000 doanh nghiệp làm nông nghiệp/ 650.000 doanh nghiệp cả nước, tỷ lệ gần 12% tổng số.

Dư địa và nhu cầu ứng dụng khoa học công nghệ lớn nhất, nhưng hiện nay việc áp dụng KH&CN các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, quốc tế trong nông nghiệp là lĩnh vực thấp nhất, với chỉ 5% doanh nghiệp nông nghiệp được chứng nhận VietGAP và tương đương.

Là lĩnh vực kinh tế xã hội cần công nghiệp hóa nhất nhưng các tỷ lệ công nghiệp hóa đều thấp nhất. Điển hình là mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp của Việt Nam; hiện nay mới đạt mức là 1,6 mã lực (HP)/ha canh tác; thấp hơn nhiều so với Thái Lan (4 HP/ha), Trung Quốc (8 HP/ha), Hàn Quốc (10 HP/ha).      

Nông dân là một trong những người đi đầu trong đổi mới, có nhiều đóng góp quan trọng cho đổi mới, nhưng họ được thụ hưởng không tương xứng, nếu không nói là ít nhất khi so sánh với các giai tầng khác. Cơ sở hạ tầng xã hội của vùng nông thôn kém xa so với đô thị. Việc bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội hiện nay bất cập nhất là ở nông thôn, đặc biệt là vùng miền núi, vùng sâu vùng xa.         

Công bằng về cơ hội phát triển với nông dân - cụ thể là những gì - vẫn là điều mà chủ trương và chính sách cần quan tâm. Nông dân phải được chuẩn bị cho bước phát triển mới về cơ cấu, trình độ nhân lực và góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng quốc gia.

Quy luật của công nghiệp hóa là sẽ có một quá trình chuyển dịch nhân lực từ nông nghiệp sản xuất nhỏ sang nông nghiệp sản xuất lớn, từ nông nghiệp sang công nghiệp và nhiều nông dân sẽ trở thành công nhân.

Theo đó “nông dân được đào tạo ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực; nông nghiệp hướng tới sản xuất lớn, nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại...” là nhận thức mới phản ánh sự chủ động để đẩy mạnh Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa.

https://nongnghiep.vn/ve-nong-dan-tu-nhung-nhan-thuc-bat-cap-d279810.html

Theo Nguyễn An Ninh/nongnghiep

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập126
  • Hôm nay0
  • Tháng hiện tại1,110,336
  • Tổng lượt truy cập91,180,491
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây