Tại Tiền Giang, kinh tế tập thể (KTTT), nhất là hợp tác xã (HTX) những năm gần đây đã có sự chuyển biến rõ rệt. Người dân tham gia HTX ngày càng nhiều.
Ông Lê Minh Khánh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang cho biết, sau Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, đã có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hiệu quả hoạt động cũng như nâng cao vai trò của khu vực KTTT trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nghị quyết đã tác động rất lớn đến quá trình đổi mới, phát triển KTTT mà nòng cốt là HTX. Các chỉ tiêu về giá trị kinh tế, thu nộp ngân sách, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động, tốc độ tăng trưởng hàng năm ngày càng cao. KTTT dần khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị cơ sở và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trong 5 năm qua, khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX đã có những chuyển biến tích cực. HTX từng bước hoạt động đúng bản chất, ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ cho thành viên, nhất là HTX nông nghiệp.
Thông qua HTX, các hộ thành viên có điều kiện tham gia và được hỗ trợ của Nhà nước các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Nhờ đó, thu nhập người lao động, thành viên, hộ thành viên được cải thiện, góp phần giải quyết công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
Cụ thể, doanh thu năm 2020 của các HTX nông nghiệp, thuỷ sản ước đạt 287 tỷ đồng, tăng 314,83% so với năm 2015. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX đạt 46,8 triệu đồng/người/năm, tăng 30% so với năm 2015.
Hiện nay, các HTX đã từng bước tổ chức lại sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tham gia mô hình cánh đồng lớn, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình tiên tiến, HTX kiểu mới. Do vậy, chất lượng nguồn nhân lực của HTX được nâng lên qua các lớp đào tạo, tập huấn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động.
Ông Trần Tuấn Khải, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Phước tại ấp Mỹ Lộc, xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước cho biết: Trong 2 năm qua, HTX đã từng bước tranh thủ sự ủng hộ từ chính quyền các cấp và thành viên xây dựng hệ thống quản lý, liên doanh, liên kết với các công ty, doanh nghiệp nhằm hỗ trợ cho thành viên từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi cho HTX ngày càng phát triển.
HTX hiện là 1 trong 20 nhà cung cấp nông sản gồm khóm trái nguyên vỏ, khoai mỡ, chanh... cho Công ty Cổ phần thương mại Bách Hóa Xanh khoảng 3 tấn/ngày, cung cấp khóm gọt cho Công ty Thuận Phong. HTX còn phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Tân Phước huyện thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp nhà màng trong canh tác dưa lưới tại huyện Tân Phước”. Hiện dự án đang tiến hành thi công xây dựng nhà lưới.
Bên cạnh đó, HTX còn ký hợp đồng với Công ty Green Feed, Anova Feed cung ứng thức ăn chăn nuôi cho các thành viên với giá ưu đãi, thành viên sẽ nhận được ưu đãi trên mỗi bao thức ăn đã mua trực tiếp bằng cách chiết khấu 3%/bao. HTX còn nhận bơm tát cho ô bao thược tại ấp Mỹ Thành, xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước trong 5 năm với tổng diện tích gần 431.000 ha.
HTX Tân Phước còn triển khai dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn huyện Tân Phước”, cung ứng giống bò sinh sản cho 16 hộ thuộc 3 xã: Tân Hòa Tây, Tân Hòa Đông và Hưng Thạnh...
Theo Minh Đảm - Hoàng Vũ/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã