Xã Tân Minh, huyện Thường Tín là một trong những vùng rau gia vị lớn nhất của Hà Nội với diện tích 200ha. Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo chiều sâu và phát triển bền vững, thân thiện môi trường, xã Tân Minh đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, qua đó giảm tối đa lượng thuốc BVTV và nâng cao giá trị, thương hiệu rau gia vị Tân Minh.
Chúng tôi về vùng rau gia vị Tân Minh giữa lúc bà con nông dân đang làm cỏ, từ xa đã nghe thấy tiếng đài radio, tiếng loa nhạc vui nhộn đúng không khí của ngày mùa.
Trao đổi với chúng tôi, bà con nông dân xã Tân Minh chia sẻ, đã từ rất lâu rồi người dân ở vùng rau gia vị này không còn sử dụng thuốc trừ cỏ trên cánh đồng, kể cả dùng thuốc để diệt cỏ ở bờ ruộng hay ven đường. Thay vào đó, toàn bộ việc làm cỏ tại các ruộng rau đều được bà con nhổ thủ công bằng tay.
Chính bởi công việc nhổ cỏ mất thời gian và rất lâu, nên hầu hết khi đi ra đồng nông dân đều mang theo bên mình một chiếc đài radio hay một bộ loa mini để vừa nghe đài, vừa nghe nhạc trong quá trình làm cỏ.
Bà Mai Thị Minh, cụm 8, xã Tân Minh, Tổ trưởng Tổ 5 áp dụng mô hình PGS chia sẻ, nhờ sự tư vấn, hỗ trợ, giảng dạy của cán bộ HTX và cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Thường Tín, giờ đây bà không phun thuốc theo kinh nghiệm, cảm tính hay theo thói quen nữa.
Thay vào đó, trong quá trình kiểm tra đồng ruộng nhận thấy mật độ sâu bệnh gây hại phải ở mức cần sử dụng thuốc mới tiến hành phun. Trong đó, các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học luôn được ưu tiên sử dụng, độ an toàn cao và thời gian cách li ngắn.
Bên cạnh đó, đi qua các thửa ruộng rau tại xã Tân Minh chúng tôi dễ dàng nhìn thấy treo rất nhiều loại bẫy bả sinh học để dụ bắt côn trùng, sâu hại như bẫy bả chua ngọt, bẫy sắc mầu, bẫy pheromone,…
Nhờ áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp khoa học, kỹ thuật mới trong canh tác rau gia vị, bà Minh cho biết chi phí sản xuất rau của 5 nhóm PGS tại Tân Minh giảm mạnh, trong khi đó năng suất, chất lượng rau lại tăng, hiệu quả kinh tế rất ổn định, thu nhập cao gấp 5, 6 lần trồng lúa.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Giám đốc HTX Tân Minh cho biết, từ năm 2017 đến nay, năm nào HTX cũng được Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến các tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác nông nghiệp.
Trong đó, các mô hình IPM, PGS, an toàn thực phẩm thực sự mang lại hiệu quả tích cực trên đồng ruộng và thu nhập của người dân. Hiện HTX Tân Minh được chia ra làm 5 nhóm PGS để cùng giám sát, quản lý chéo việc ghi chép nhật ký và chấp hành các quy trình canh tác đúng.
Theo ông Thắng, HTX Tân Minh chủ yếu trồng các loại rau gia vị như húng quế, húng Láng, kinh giới, tía tô. So với các loại rau họ cải thập tự, bản thân rau gia vị cũng ít sâu bệnh hại hơn. Tuy nhiên, ông Thắng không khẳng định, không vì thế mà việc chấp hành phương pháp "1 phải 5 giảm" trong canh tác rau an toàn bị lơ là.
Bằng chứng là năm 2019, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội lấy ngẫu nhiên 25 mẫu rau, chỉ có duy nhất một mẫu vượt dư lượng cho phép. Nhờ áp dụng hệ thống PGS, ngay sau đó HTX và cơ quan chuyên môn đã truy xuất được tới hộ gia đình có mẫu rau trên và tìm ra nguyên nhân là do hai ruộng rau cạnh nhau nên hộ bên cạnh phun đã để thuốc bay sang.
Theo Nguyên Huân/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã