Rau quả là một trong những ngành hàng nông sản chủ lực bị giảm kim ngạch xuất khẩu nhiều nhất trong năm 2020. Đến hết tháng 11, xuất khẩu rau quả chỉ đạt xấp xỉ 3 tỷ USD, giảm tới 12,2% so với cùng kỳ 2019.
Xuất khẩu rau quả giảm mạnh, chủ yếu do tác động tiêu cực từ thị trường Trung Quốc. Dịch Covid-19 khiến cho nhu cầu tiêu thụ rau quả nhập khẩu giảm ở Trung Quốc.
Bên cạnh đó, những vướng mắc về đăng ký vùng trồng, quản lý cơ sở đóng gói, kiểm tra kiểm soát và truy xuất nguồn gốc trong rau quả xuất khẩu của Việt Nam… cũng tác động không nhỏ tới xuất khẩu rau quả qua biên giới phía Bắc.
Kết quả là trong 10 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm tới 26,6% khi chỉ đạt 1,551 tỷ USD.
Giảm mạnh ở Trung Quốc, nhưng trong năm 2020, xuất khẩu rau quả lại tăng trưởng rất tích cực từ nhiều thị trường khác, đặc biệt là thị trường Thái Lan. 10 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu rau quả sang Thái Lan đạt 133 triệu USD, tăng tới 175% so với cùng kỳ 2019. Với kết quả như trên, Thái Lan đã trở thành thị trường lớn thứ 3 của rau quả Việt Nam.
Nhiều thị trường quan trọng khác cũng có sự tăng trưởng đáng ghi nhận trong năm 2020. 10 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu rau quả sang Mỹ tăng 9,7%; sang Hàn Quốc tăng 14,6%; sang Nhật Bản tăng 6,9%; sang Đài Loan tăng 37,3%; sang Úc tăng 40,5%; sang Nga tăng 70,2%…
Tuy sự tăng trưởng của những thị trường này chưa bù được sự sụt giảm mạnh của thị trường Trung Quốc, nhưng đã giúp cho xuất khẩu rau quả trong cả năm 2020 không bị sụt giảm quá sâu và giảm đi đáng kể sự phụ thuộc vào thị trường láng giềng.
Bằng chứng là nếu như trong 10 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chiếm tới 67,9% tổng giá trị xuất khẩu rau quả, thì trong 10 tháng đầu năm 2020 chỉ còn chiếm 56,8%.
Kết quả xuất khẩu trong năm 2020 còn cho thấy nhiều loại rau quả Việt Nam đang đầy tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường quan trọng.
Chẳng hạn, Nhật Bản đang nhập khẩu ngày càng nhiều chuối từ Việt Nam. 9 tháng đầu năm 2020, chuối Việt Nam nhập vào Nhật Bản đạt 3,35 nghìn tấn, trị giá 4,3 triệu USD, tăng 92,6% về lượng và tăng 100,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Hay tại Hàn Quốc, trái xoài Việt Nam đang thâm nhập ngày càng mạnh. 10 tháng đầu năm 2020, xoài Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc đạt 952 tấn, trị giá 3,3 triệu USD, tăng 64,3% về lượng và 68% về giá trị.
11 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu nhân điều của nước ta đạt 464 ngàn tấn, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2019. Về lượng, ngành điều đã vượt kỷ lục của cả năm 2019 (455 ngàn tấn). Nhưng về giá trị, thì lại chỉ đạt 2,9 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho rằng, 2020 là một năm cực kỳ khó khăn, nhưng ngành điều vẫn phát triển ổn định, xuất khẩu tăng trên 10% về lượng và chỉ giảm nhẹ về giá trị, là một nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp điều.
Xuất khẩu điều tăng mạnh về lượng nhưng lại giảm nhẹ về giá trị, là do giá nhân điều xuất khẩu trong năm qua giảm mạnh. Theo Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng đầu năm 2020, giá hạt điều xuất khẩu ước đạt bình quân là 6.276 USD/tấn, giảm tới 13,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Dầu vậy, giá nhân điều xuất khẩu đang có xu hướng được cải thiện. Trong tháng 11/2020, giá nhân điều xuất khẩu đạt bình quân hơn 6.100 USD/tấn, tăng so với mức xấp xỉ 6.000 USD/tấn của tháng 10.
Ông Vũ Thái Sơn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Long Sơn, cho biết, nhiều nhà nhập khẩu đã nhận định rằng thị trường nhân điều thế giới năm 2021 sẽ tốt hơn 2020. Các nhà nhập khẩu hy vọng rằng Covid-19 sẽ được khống chế trong năm 2021 nhờ có vacxin, qua đó giúp cho kinh tế thế giới được phục hồi, tiêu thụ nhân điều được cải thiện.
Đầu năm 2020, xuất khẩu cao su giảm mạnh cả về lượng lẫn giá trị. Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cao su của Việt Nam chỉ đạt 270,36 nghìn tấn, trị giá 385,56 triệu USD, giảm 34,7% về lượng và giảm 30,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Dịch bệnh Covid-19 đã làm cho chuỗi cung ứng cao su toàn cầu bị xáo trộn, tiêu thụ cao su thiên nhiên gặp khó khăn lớn do nhu cầu về săm lốp xe giảm mạnh…, đã khiến cho xuất khẩu cao su Việt Nam gặp sụt giảm như trên.
Từ tháng 5/2020 trở đi, nhờ dịch bệnh dần được kiểm soát ở nhiều thị trường quan trọng, ngành công nghiệp ô tô ở nhiều nước phục hồi sản xuất, xuất khẩu cao su khả quan hơn.
Liên tiếp từ tháng 5 đến tháng 8/2020, tháng nào xuất khẩu cao su cũng tăng cả về lượng lẫn giá trị so với tháng trước. Còn so với cùng kỳ 2019, có những tháng tăng trưởng rất mạnh, như tháng 9/2020 tăng tới 36,8% về lượng và tăng 34,7% về trị giá so với tháng 9/2019.
Nhờ vậy, trong 11 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cao su đạt hơn 1,5 triệu tấn, trị giá hơn 2 tỷ USD, tăng nhẹ về lượng (tăng 1,5%) và chỉ còn giảm nhẹ về giá trị (giảm 0,1%).
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu vẫn còn phức tạp và xuất khẩu những tháng đầu năm từng giảm rất mạnh cả về lượng lẫn giá trị, thì kết quả xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm 2020 đã ghi nhận những nỗ lực lớn của cả ngành cao su.
Nhiều năm qua, tuy đã được coi là một trong những mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, nhưng xuất khẩu nhóm hàng mây, tre, cói và thảm ít được nhắc tới.
Trong bối cảnh ấy, xuất khẩu mây, tre, cói và thảm vẫn âm thầm vươn lên. Mấy năm qua, năm nào xuất khẩu nhóm hàng này cũng vượt qua những cột mốc quan trọng. Năm 2018, xuất khẩu mây, tre, cói và thảm lần đầu tiên vượt mốc 300 triệu USD khi đạt 348 triệu USD. Năm 2019, lần đầu tiên xuất khẩu nhóm hàng này vượt mốc 400 triệu USD (đạt 483 triệu USD).
Năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, xuất khẩu mây, tre, cói và thảm vẫn liên tục tăng trưởng ở mức cao. 11 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu mây, tre, cói và thảm đã đạt 542 triệu USD, tăng tới 25,4% so với cùng kỳ 2019. Với giá trị xuất khẩu như trên, đây là lần đầu tiên xuất khẩu nhóm hàng này vượt mốc 500 triệu USD và đã vượt xa kỷ lục của cả năm 2019.
Mỹ đang là thị trường quan trọng nhất của mây, tre, cói và thảm Việt Nam. 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu nhóm hàng này sang Mỹ đạt trên 155,23 triệu USD, tăng mạnh tới 60,7% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 37% trong tổng kim ngạch xuất khẩu mây, tre, cói và thảm của cả nước.
Xuất khẩu cà phê Arabica tăng mạnh
Do Covid-19 và các yếu tố mùa vụ, thị trường, 2020 là một năm đầy thăng trầm trong xuất khẩu cà phê Việt Nam. 11 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê giảm cả về lượng và giá trị, khi đạt hơn 1,4 triệu tấn và gần 2,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, với cà phê Arabica, lại là một năm rất thành công. Tính đến hết tháng 10, xuất khẩu cà phê Arabica đạt xấp xỉ 57 nghìn tấn, trị giá 131,42 triệu USD, tăng 18,1% về lượng và tăng 36,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá trị xuất khẩu cà phê Arbica tăng rất mạnh là nhờ giá xuất khẩu tăng cao.
Trong 10 tháng năm 2020, giá xuất khẩu cà phê Arabica đạt mức bình quân 2.307 USD/tấn, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân cà phê Arabica sang tất cả các thị trường chính tăng mạnh, gồm: Hoa Kỳ, Bỉ, Đức, Nhật Bản, Ailen, Hà Lan, Malaysia, Nga, Tây Ban Nha.
Theo Sơn Trang/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/vuot-moc-ky-vong-2021-d280165.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã