Chiều 25/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp ổn định sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi với sự tham gia của nhiều đơn vị sản xuất, giết mổ, chế biến…
Theo Cục Chăn nuôi, 9 tháng qua, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng trên 4,7 triệu tấn, trên 12 tỷ quả trứng và gần 900 ngàn tấn sữa; giá trị sản xuất của lĩnh vực chăn nuôi ước tính tăng 4,2%.
Tuy nhiên, do dịch Covid-19 khiến nhiều tỉnh thành trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến nhu cầu sử dụng thực phẩm giảm rõ rệt từ 30-50% ở Hà Nội và TP.HCM.
Đối với TP.HCM có nhu cầu thực phẩm hàng ngày cần khoảng 1.600 tấn thịt các loại trong đó thịt lợn chiếm 65-70%, 2,2-2,5 triệu quả trứng, do giãn cách xã hội nên nhu cầu giảm chỉ còn 50-55% so với khi chưa có dịch.
Còn với Hà Nội, nhu cầu thịt mỗi ngày cần trên 1.000 tấn, trên 4 triệu quả trứng và 5.200 tấn thực phẩm chế biến nhưng trong thời gian giãn cách xã hội nhu cầu giảm khoảng 40-50%.
Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 làm đứt gẫy hàng loạt các chuỗi sản xuất, cung ứng đối với ngành chăn nuôi, làm giá nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi tăng 16-36%, trong khi đó giá sản phẩm đầu ra rất thấp (có giai đoạn ngắn có loại vật nuôi chỉ bán được 25-30% giá thành, như gà công nghiệp trắng).
Tuy nhiên, giá lợn thịt xuất chuồng và gà xuất chuồng dự kiến sẽ tăng trở lại trong khoảng 2 tuần tới, khi kiểm soát tốt được dịch bệnh Covid-19.
Về ý kiến cho rằng do thịt nhập khẩu khiến thịt trong nước bị giảm giá, đại diện Cục Thú y khẳng định: “Do tỷ trọng thịt lợn nhập khẩu chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (3,6%) so với tổng sản lượng thịt lợn trong nước nên có thể khẳng định nguồn nhập khẩu không phải là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng giá lợn hơi xuống thấp thời gian qua”.
Cụ thể, theo báo cáo của Cục Thú y, trong 8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 214,4 nghìn tấn thịt các loại, bao gồm: 112,7 nghìn tấn thịt lợn, chiếm 3,6% tổng sản lượng thịt lợn, giảm 50% so với năm 2020; 41,4 nghìn tấn thịt trâu bò và 60,3 nghìn tấn thịt gia cầm.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, trước hết, tồn đọng sản phẩm là ngoài mong muốn và không thể dự đoán được nhưng đây là hiện tượng bình thường trong sản xuất, phân phối.
Do đó, giải pháp tiên quyết là phòng chống Covid-19 tốt và phương pháp tốt nhất là tiêm vacxin, theo Thứ trưởng, cần đề nghị Chính phủ, UBND các địa phương phân bổ vacxin cho nhân lực trong ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, ông cho rằng vấn đề kết nối cung cầu cần tiếp tục được đẩy mạnh, điều này sẽ giải quyết được các vấn đề do thực tiễn đưa ra trong bối cảnh hiện nay.
“Khi Tổ Công tác 970 kết nối cung cầu các tỉnh phía Nam rất tích cực và có hiệu ứng rất rõ nét. Bộ NN-PTNT sẽ chủ động cùng với Bộ Công thương để tiếp tục tiến hành kết nối cung cầu”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT khẳng định.
Về chế biến, Thứ trưởng đánh giá Đông Nam bộ đang là khu vực có tiềm năng phát triển chăn nuôi và chế biến rất lớn nhưng tốc độ phát triển còn chậm. “Nhà nước hỗ trợ hạ tầng, còn đầu tư cho chế biến thì phải có doanh nghiệp. Nhưng ít nhất các tỉnh phải có đầu tư đến chân công trình, đó là tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển và phải gắn với với vùng nguyên liệu”, Thứ trưởng khẳng định.
Đối với chính sách đất đai, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá đây là vấn đề cấp bách và lâu dài. “Muốn làm quy mô, công nghệ, chuỗi thì cũng cần vài trăm hecta. Bộ rất song hành cùng doanh nghiệp về vấn đề này để có môi trường đầu tư tốt nhất”, ông Phùng Đức Tiến nói.
Với những nỗ lực trên, Thứ trưởng khẳng định trong vòng 2 đến 3 năm nữa sẽ có rất nhiều chuỗi chăn nuôi có quy mô, tỷ suất hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn. “Phải kết nối lại thì mới thành sức mạnh”, ông nhấn mạnh thêm.
Ngoài ra, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng lưu ý các đơn vị chức năng của Bộ như Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cần có thông tin, dự báo kịp thời, có sự công khai, minh bạch về giá cả, về thị trường với doanh nghiệp và người chăn nuôi.
“Bên cạnh đó, cũng đề nghị các doanh nghiệp thức ăn, thuốc thú y, vacxin cần giữ giá ở mức hợp lý”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT lưu ý thêm.
Theo Tùng Đinh - Quang Dũng/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/xay-dung-chuoi-lien-ket-ben-vung-cho-nganh-chan-nuoi-d306032.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã