Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện các đề án thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu diễn ra sáng 30/12 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, đến giờ phút này có thể khẳng định chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xuất phát, khởi đầu từ Nghị quyết của Đảng và Quyết định của Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã thực sự trở thành chương trình tiêu biểu của dân, do dân và vì dân.
Trong hơn 10 năm qua, chương trình xây dựng nông thôn mới đã huy động, thu hút được trên 3 triệu tỷ đồng đầu từ vào khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cũng trong những năm qua, từ chương trình xây dựng nông thôn mới, Việt Nam đã hình thành được một bộ khung thiết chế cho khu vực nông thôn từ sản xuất, đến văn hóa, kinh tế, xã hội.
Đến nay, đã có 62% số xã, 173 huyện, 12 tỉnh trên địa bàn cả nước đạt chuẩn nông thôn mới theo 19 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn từ lúc bắt tay vào xây dựng nông thôn mới ở mức 10,4 triệu đồng/người/năm nay đã tăng gấp 4 lần, đạt 43 triệu đồng/người/năm.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, xét tổng thể trên mọi tiêu chí, đến nay chương trình xây dựng nông thôn mới của chúng ta đã khẳng định, chứng minh là một chủ trương đúng đắn, thành công, dấu ấn lớn trong giai chuyển mình, phát triển của đất nước hiện nay.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, xây dựng nông thôn mới là một quá trình, dòng chảy liên tục, chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc. Không phải cứ đạt 19 tiêu chí xong rồi là thôi không làm nữa, bởi việc chúng ta dừng lại không đi tiếp cũng chính là thụt lùi rồi.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ, bề dầy hàng nghìn năm văn hiến của Việt Nam hình thành cho mỗi làng, mỗi xã, mỗi huyện, mỗi tỉnh đều có những đặc điểm riêng, lợi thế, thế mạnh khác nhau nên việc xây dựng thí điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu chính là để khơi dậy, thúc đẩy phát triển những thế mạnh khác biệt đó.
Sau hai năm triển khai thí điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu tại 4 huyện, bao gồm: Hải Hậu (Nam Định), Nam Đàn (Nghệ An), Đơn Dương (Lâm Đồng) và Xuân Lộc (Đồng Nai), đến nay Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường vui mừng cho biết, kết quả đạt được vượt sự mong đợi khi các địa phương đều hình thành và phê duyệt được cho mình một bộ khung kế hoạch phát triển cho giai đoạn sắp tới dựa trên lợi thế của chính mình.
Trong đó, huyện Nam Đàn chọn mục tiêu phát triển văn hóa gắn với du lịch; Huyện Hải Hậu phát triển huyện nông thôn mới sang, xanh, sạch, đẹp để phát triển bền vững; Huyện Đơn Dương ứng dựng công nghệ cao vào nông nghiệp theo hướng thông minh và huyện Xuân Lộc phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giao Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương sau hội nghị này cần phối hợp với 4 tỉnh thí điểm và một số địa phương khác có mô hình làm hay, cách làm sáng tạo tiến hành tổng kết, rà soát lại đúc rút lại kinh nghiệm trong hai năm triển khai xem nội dung nào đã làm tốt, tiêu chí nào chưa phù hợp cần phải sửa để có một báo cáo tổng thể, chi tiết hơn cho giai đoạn tiếp theo, nhất là khi bộ máy Chính phủ mới được kiện toàn sau Đại hội Đảng XXIII sắp tới.
Đặc biệt, trong giai đoạn tới cần phải nâng cấp lên thành kinh tế nông thôn, kinh tế nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới chứ không chỉ ở lại ở sản xuất nông nghiệp đơn thuần. Đặc biệt, đề án huyện nông thôn mới kiểu mẫu phải phát huy được tối đa, bền vững hơn nữa lợi thế, thế mạnh đặc thù của từng địa phương.
“Tối lấy đơn cử như tỉnh Ninh Thuận nổi tiếng khô hạn cát trắng, nhưng đây cũng chính là lợi thế để phát triển nông nghiệp sa mạc, như trồng nho, trồng cây chà là gắn với phát triển chăn nuôi lạc đà, chăn nuôi cừu gắn với du lịch cưỡi lạc đà sẽ rất khác biệt. Hay như những vùng trũng không cấy lúa, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu phải định hướng gắn với phát triển thủy sản nước ngọt, nước lợ, nước mặn có khi đem lại thu nhập gấp hàng chục hàng tram lần so với trồng lúa.” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn tiếp theo, nhất thiết phải có sự tham gia của doanh nghiệp, HTX trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn. Bởi phải có doanh nghiệp, có HTX mới có thể đồng bộ, kết nối, hoàn thiện được các chuỗi sản xuất theo hướng bền vững nâng cao giá trị và nâng cao thu nhập hơn nữa cho người dân nông thôn.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Nông thôn mới Trung ương, sau hai năm thực hiện Đề án thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Nam Đàn có 4/23 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Hải Hậu có 13/34 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Đơn Dương có 4/8 xã đạt nông thôn mới nâng cao và và 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Xuân Lộc có 9/14 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, là huyện duy nhất vượt mục tiêu về xã nông thôn mới nâng cao và ddatj mục tiêu về xã nông thôn mới kiểu mẫu trong 4 huyện thí điểm.
Về thu nhập, năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của 4 huyện thí điểm nông thôn mới kiểu mẫu cao hơn đáng kể so với thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của cả nước, trong đó Hải Hậu đạt 58,3 triệu đồng/người, Đơn Dương 66,7 triệu đồng/người, Xuân Lộc 61,6 triệu đồng/người. Không chỉ thu nhập tăng, tỉ lệ giảm nghèo tại 4 huyện thí điểm tiếp tục giảm nhanh, trong đó cao nhất là Nam Đàn cũng chỉ còn 1,46%, Hải Hậu 0,05%, Đơn Dương 0,99% và Xuân Lộc chính thức không còn hộ nghèo từ năm 2018.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, với định hướng ứng dụng công nghệ cao thông minh trong phát triển nông nghiệp, huyện Đơn Dương ưu tiên đầu tư, nâng cấp để nhựa hóa, bê tông hóa 100% đường trục xã, liên xã, đường huyện, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, giao thương hàng hóa và hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Kết quả là trên 76% số km kênh mương được kiên cố hóa, trên 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động. Cùng với đó là xây dựng nhiều vùng sản xuất tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện, đáp ứng chỉ tiêu về quy mô tối thiểu đới với vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do tỉnh ban hành.
Còn theo chia sẻ của lãnh đạo tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn hiện đã hình thành được một số mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm nông thôn như: mô hình vườn thực nghiệm sinh thái tại xã Nam Giang, mô hình sinh thái, trải nghiệm Nam Nghĩa, trang trại hóa gắn với du lịch trải nghiệm tại xã Kim Liên, làng nghề tương Nam Đàn, mô hình trang trại sinh thái đạp Cửa Ông,… Bên cạnh đó, huyện cũng đã ban hành quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn huyện Nam Đàn, tổ chức liên hoan tiếng hát lang Sen, các câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm gắn với mô hình trải nghiệm văn hóa phi vật thể của địa phương.
“Nông thôn mới kiểu mẫu là phải đặc biệt chú trọng tới yếu tố môi trường. Môi trường ở đây bao gồm môi trường sống, môi trường tự nhiên, môi trường sản xuất phát triển và đặc biệt là môi trường xã hội phải bình đẳng, bền vững để không ai bị bỏ lại phía sau. Đây mới là sức mạnh của nông thôn mới, sức mạnh trường tồn của đất nước.” Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường.
Theo Nguyên Huân- Phạm Hạnh/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/xay-dung-nong-thon-moi-chi-co-bat-dau-khong-co-ket-thuc-d280754.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã