Nông dân thị xã Sơn Tây phát triển trang trại trồng gấc đem lại hiệu quả kinh tế cao
Đổi thay rõ rệt
Thị xã Sơn Tây có 6 xã thực hiện xây dựng NTM. Đến hết năm 2018, thị xã đã hoàn thành xây dựng NTM ở cả 6/6 xã. Đến nay, thị xã đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Theo Bí thư Thị ủy Sơn Tây Phạm Thị Thanh Mai, để đạt được kết quả này, thị xã Sơn Tây đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cộng với quyết tâm chính trị của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân…
Nổi bật trong bức tranh xây dựng NTM ở Sơn Tây đó là đầu tư cho hạ tầng ở các xã xây dựng NTM với mục tiêu thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Từ năm 2010 đến nay, thị xã đã bố trí gần 367,3 tỷ đồng cho 156 dự án về phát triển giao thông nông thôn dài 221,53km. Trong đó, đường trục xã, liên xã đã nhựa hóa, bê tông hơn 58km, đạt 100% theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải; đường trục thôn, liên thôn đã nhựa hóa, bê tông hóa 129,2km, đạt 100%; đường ngõ xóm có 124,24/126,74km được bê tông hóa; đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận lợi, bảo đảm vận chuyển hàng hóa quanh năm đạt 100% chuẩn theo quy định, trong đó, gần 68km được bê tông hóa. Theo ông Đỗ Hữu Canh, thôn Nghĩa Sơn, xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây), các tuyến đường trên địa bàn được quan tâm đầu tư, không chỉ tạo ra diện mạo mới, môi trường xanh, sạch, đẹp mà người dân đã ý thức được việc giữ gìn môi trường nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường là trách nhiệm tự giác, thường xuyên của mỗi cá nhân, mỗi gia đình.
Song song đầu tư cơ sở hạ tầng, để bảo đảm các vùng sản xuất, phục vụ phát triển nông nghiệp, thị xã quy hoạch các vùng trồng trọt, chăn nuôi, phát triển trang trại, gia trại, vùng trồng rau an toàn, cây ăn quả… Đồng thời, tập trung cho công tác dồn điền, đổi thửa, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đáng chú ý, từ năm 2016 đến nay, thị xã Sơn Tây đã tổ chức xét duyệt 78 dự án xin chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với diện tích 45ha. Như vậy, diện tích chuyển đổi các mô hình sản xuất sau dồn điền đổi thửa trên địa bàn 6 xã xây dựng NTM của thị xã từ năm 2010 đến nay là 94,9ha. Hiện, thị xã có 21 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó, có 18 hợp tác xã hoạt động lĩnh vực nông nghiệp, 3 hợp tác xã hoạt động lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại. Các hợp tác xã đều hoạt động có hiệu quả và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn. Để các hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển thuận lợi, thị xã đã quan tâm, tạo điều kiện xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực bảo đảm bền vững. Đơn cử, Tổ hợp tác nuôi ong mật Kim Sơn thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Kim Sơn đã liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm mật ong; Hợp tác xã Chăn nuôi và Thương mại Đào Phương, xã Đường Lâm với sản phẩm gà Mía…
Tại thời điểm đánh giá, thu nhập bình quân đầu người 6/6 xã của thị xã Sơn Tây đều đạt chuẩn theo quy định. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của thị xã năm 2019 đạt 46,6 triệu đồng/người/năm, tăng 29,9 triệu đồng/người/năm so với năm 2010. Có thể thấy, chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo ở vùng quê nông thôn ở Sơn Tây.
Hướng đến những mục tiêu mới
Được công nhận hoàn thành xây dựng NTM sẽ là bước tạo đà vững chắc cho cấp ủy, chính quyền các cấp của thị xã Sơn Tây tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, tiến tới xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đặc biệt là phát huy quyền, vai trò chủ thể của người dân trong các phong trào xây dựng NTM, huy động tối đa các nguồn lực trong nhân dân với sự hỗ trợ hiệu quả của Nhà nước để phục vụ lợi ích người dân, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh cho biết, xác định chương trình xây dựng NTM là không có điểm dừng, với kết quả đạt được, thị xã đã có kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, năm 2020, sẽ phấn đấu có một xã đạt chuẩn NTM nâng cao; giai đoạn 2021-2025 có thêm từ 2 xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao.
Để đạt được các mục tiêu trên, thị xã Sơn Tây tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có chất lượng, hiệu quả cao và bền vững, gắn với đẩy mạnh xây dựng NTM nâng cao. Tiếp tục duy trì, xây dựng và phát triển chương trình NTM nâng cao ở các xã. Tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao và sản xuất trồng trọt, chăn nuôi trong các vùng, khu chuyên canh tập trung nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và bảo đảm môi trường sinh thái; hướng dẫn nông dân thực hiện liên kết tạo thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Đầu tư nâng cấp các công trình y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, vui chơi, giải trí… để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, học tập, hưởng thụ của người dân. “Chúng tôi sẽ đẩy mạnh các phong trào thi đua xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp để thực hiện mục tiêu xây dựng NTM đó là: Sản xuất phát triển, diện mạo nông thôn sạch đẹp, cuộc sống người dân sung túc..., góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống, văn hóa cho người dân trên địa bàn”, ông Nguyễn Huy Khánh nhấn mạnh.
Theo Thanh Bình/hanoi.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã