Việc phát triển kinh tế, nâng cao hơn nữa đời sống người dân luôn được các địa phương coi trọng, trong đó có việc khai thác hiệu quả đất vườn, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa tạo cảnh quan môi trường nông thôn.
Hà Nam hiện có khoảng 2000ha vườn nhưng việc khai thác hiệu quả đất vườn còn không ít hạn chế dù người dân đã tích cực cải tạo vườn.
Kinh tế nông thôn giới thiệu cách làm của thị xã Duy Tiên (Hà Nam) để bạn đọc tham khảo.
Từ kế hoạch định hướng...
Thị xã Duy Tiên xác định, cùng với phát triển đô thị, nông nghiệp cần có sự thay đổi về chất nhằm hướng đến tạo vùng sản xuất cho giá trị hàng hóa cao gắn với xây dựng và bảo vệ cảnh quan, môi trường. Mô hình xây dựng vườn nông thôn mới kiểu mẫu đang được nhiều xã ở Duy Tiên lựa chọn phát triển, từng bước hình thành những vùng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, bền vững.
Để đạt được mục tiêu đề ra, từ đầu năm 2019, huyện Duy Tiên (trước đây) đã xây dựng kế hoạch xây dựng mô hình vườn nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, trong giai đoạn 2019-2020 xây dựng 15 mô hình, gồm: xã Mộc Bắc 10 mô hình, Trác Văn 5 mô hình.
Tại các xã, xây dựng những vườn cây ăn quả dựa trên thế mạnh của từng vùng như nhãn, cây có múi. Những khu vườn nông thôn mới kiểu mẫu được đề ra các tiêu chí cơ bản, như: diện tích vườn đạt từ 300 m2 trở lên, trồng chuyên một loại cây ăn quả theo đúng kỹ thuật có áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, xây dựng hệ thống thoát nước, bảo đảm vệ sinh môi trường…
Theo ông Phạm Văn Thập, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Duy Tiên, tuy mới ở giai đoạn đầu nhưng các mô hình vườn nông thôn mới kiểu mẫu đang là hướng đi đúng trong phát triển kinh tế vườn. Các khu vườn kiểu mẫu không những tạo cảnh quan ngay từ trong mỗi hộ gia đình mà còn làm đẹp cho khu dân cư nông thôn.
Nói về xây dựng mô hình vườn nông thôn mới kiểu mẫu, ông Bạch Văn Huy, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật (Sở NN & PTNT - Hà Nam) cho biết: Xây dựng vườn kiểu mẫu là xu hướng tất yếu để phát huy hiệu quả đất vườn và tạo cảnh quan môi trường trong xây dựng NTM. Tuy nhiên, việc xây dựng phải có tiêu chuẩn cụ thể ở các địa phương từ diện tích, thiết kế, vấn đề bảo vệ môi trường, lựa chọn cây trồng phù hợp, gắn kết cả vùng tạo ra sản phẩm hàng hóa đến tạo cảnh quan, môi trường sinh thái bền vững.
...Đến kết quả bước đầu
Khu vườn của gia đình chị Bùi Thị Vính (thôn Văn Bút, xã Trác Văn, thị xã Duy Tiên) rộng 500m2 đã được quy hoạch lại khang trang. Hàng chục cây bưởi Diễn trồng theo hàng, luống thẳng tắp đã bước sang năm thứ 2.
Những khoảng đất trống trong vườn cây ăn quả được chị Vính trồng các loại rau xanh phục vụ nhu cầu của gia đình. Khu vườn được chị đầu tư xây dựng rãnh thoát nước, lối đi sạch sẽ.
Chị Vính còn sáng tạo làm các tấm lát bằng xi măng cát hình lá khoai nước đặt trên lối đi vào vườn, xung quanh trồng hoa sam, hoa mười giờ trông rất đẹp mắt. Đặc biệt, chị còn lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước cho khu vườn; dành một phần nhỏ đất sát sân nhà trồng hoa hồng, tạo thêm vẻ đẹp cho khu nhà.
Được biết, khu vườn của gia đình chị Vính trước đây chủ yếu là trồng cây tạp, hiệu quả kinh tế thấp, nhiều khi rau xanh cũng phải đi mua từ bên ngoài. Từ đầu năm 2019, chị đầu tư cải tạo khu vườn, đem lại hiệu quả và tạo cảnh quan đẹp cho chính gia đình.
“Khu vườn tuy không lớn nhưng khi được áp dụng cách làm mới, được đầu tư bài bản trong quá trình sản xuất. Chỉ khoảng 4-5 năm nữa, khi cây bưởi Diễn khép tán cho quả ổn định, sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao”, chị Vính chia sẻ.
Trác Văn hiện có nhiều khu vườn nhà đã được người dân cải tạo trồng chuyên canh nhiều loại cây ăn quả như:
bưởi Diễn, cam, ổi. Riêng cây bưởi Diễn rất phù hợp với đất vườn nơi đây. Đã có những khu vườn trồng bưởi Diễn hơn 10 năm tuổi cho giá trị bình quân từ 10-20 triệu đồng/năm, cá biệt có những vườn lớn được chăm sóc bài bản đạt 50-80 triệu đồng/năm (tùy diện tích).
Ông Trần Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Trác Văn cho biết: Xã coi trọng khai thác, phát huy thế mạnh của đất vườn. Đây cũng là cách nâng cao uy tín, thương hiệu cho sản phẩm rau, cây trái trên đất vườn. Hiện nay, vùng đất Trác Văn đã nổi tiếng với nhiều loại nông sản đặc trưng, như bưởi, cam, ổi, rau hữu cơ…
Không chỉ ở Trác Văn, mà tại nhiều địa phương trong tỉnh cũng có nhiều hộ dân biết sử dụng, phát huy tốt đất vườn. Theo đó, người dân đã quy hoạch, áp dụng khoa học kỹ thuật trong làm vườn tạo ra các sản phẩm bảo đảm chất lượng, giá trị.
Như khu vườn có diện tích 8 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) của bác Trần Khắc Năm, xã Hòa Hậu (Lý Nhân) được trồng chuyên canh chuối ngự Đại Hoàng theo hàng, luống thẳng tắp, thuận lợi cho quá trình chăm sóc. Cây chuối ngự được áp dụng phương pháp trồng mới giãn cách, mỗi gốc chuối chỉ để một cây mẹ cho buồng và một mầm con tạo lứa mới. Ngay chế độ chăm sóc cho cây chuối ngự cũng được bác Năm thực hiện theo từng giai đoạn, chủ yếu dùng phân hữu cơ, hạn chế tối đa phân hóa học, nhất là đạm. Với cách trồng mới, sản phẩm chuối ngự tại vườn luôn bảo đảm chất lượng, mẫu mã đẹp.
Bác Trần Khắc Năm cho biết: Chuối ngự Đại Hoàng là loại cây đặc sản của địa phương đã có từ xa xưa. Tuy nhiên, để cây chuối ngự thực sự cho hiệu quả, thì người làm vườn phải biết nắm bắt kỹ thuật trong quá trình trồng, chăm sóc. Nếu trồng theo kiểu quảng canh, xen lẫn nhiều loại cây thì nguồn thu chỉ mang tính tận dụng, thiếu hiệu quả. Với khu vườn chuối ngự được trồng, chăm sóc bài bản đã cho giá trị bình quân 7-9 triệu đồng/sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2)/năm, không thua kém các loại cây ăn quả khác đang được coi là thu nhập cao hiện nay như ổi, bưởi, cam…
Mạnh Hùng Báo Hà Nam/kinhtenongthon.vnNhững tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã