Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác thăm HTX chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hợp Lực
Đoàn công tác đã khảo sát HTX chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hợp Lực, HTX Dịch vụ thương mại Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) và HTX Hoàng Châu (Kỳ Anh). Đây đều là những HTX mới được thành lập, quy mô xã viên nhỏ nhưng hiệu quả hoạt động khá cao. Đơn cử HTX Hợp Lực được thành lập vào năm 2012, khi thành lập HTX chỉ có 750 triệu đồng vốn là đóng góp của 7 xã viên nhưng hiện nay đã đạt 2,5 tỷ đồng. HTX đã đầu tư 7 ha để chăn nuôi cá, bò, gà, lợn. Khi mới thành lập HTX nuôi 1.200 lợn thịt, sau đó chuyển sang nuôi lợn nái với quy mô 350 con, 1 năm ước đạt 7000 con heo con. Điểm nổi bật của HTX này là rất năng động trong việc cung ứng các yếu tố đầu vào (HTX đã liên kết với các Công ty giống ngoại tỉnh như Đồng Nai, Vinh, các trại giống Trung ương để cung cấp giống, thức ăn, dịch vụ khác). Ngoài ra HTX ký kết với các thương lái, lò mổ để bao tiêu các sản phẩm cung ứng trong tỉnh và ngoại tỉnh. Hằng năm HTX đã tổ chức cho cán bộ HTX, các thành viên được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý HTX, trình độ, cách tiếp cận thị trường, kỷ năng maketting,… và đã cử mấy đoàn cho các thành viên đi tham quan các mô hình chăn nuôi tại Đồng Nai, Đà Nẵng, Nghệ An,… để về áp dụng vào điều kiện thực tế của HTX, giúp HTX phát triển và hoạt động bền vững. Thu nhập của thành viên HTX là 150 triệu đồng/năm; lương của lao động: 7 triệu đồng/người/tháng.
Tại HTX Cẩm Thành, bà Nguyễn Thị Nhâm Giám đốc HTX cho biết, HTX được thành lập từ năm 2007 với 30 thành viên tham gia góp vốn. HTX hoạt động chủ yếu là dịch vụ phân bón, sản xuất gạch, lúa gạo. Hằng năm HTX cung ứng 100 tấn vật tư phân bón phục vụ cho bà con nhân dân trong xã. HTX đã đầu tư máy gạch tập lô để sản xuất phục vụ cho nhân dân trong và ngoài xã, đạt 200.000 viên/năm. Năm 2014 HTX đã tiên phong trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như thuê ruộng sản xuất vùng lúa chất lượng cao, dùng máy cấy Kubota (Nhật Bản) cấy thí điểm để từng bước vận động các hộ dân tham gia HTX. Qua 2 vụ sản xuất HTX đã thuyết phục, vận động được 50 hộ liên kết sản xuất trên cánh đồng cùng một loại giống với diện tích 30 ha.
Cho đến nay HTX đã ký hợp đồng với 3 thôn có 620 hộ tham gia sản xuất mô hình liên kết theo chuỗi với diện tích 94 ha được HTX cung ứng đầu vào, thu mua sản phẩm. HTX còn ký hợp đồng với HTX Nông nghiệp Thủy Thanh - Thừa thiên Huế đưa máy gặt đập liên hoàn về gặt cho nông dân với diện tích 100 ha, giá 135.000 đồng/sào. Nhờ hoạt động liên kết nên sản phẩm của các hộ dân sản xuất được HTX thu mua cao hơn so với thị trường. Mỗi năm HTX thu mua trên 300 tấn thóc xuất bán cho Công ty Thức ăn gia súc ở Hà Nội, còn lúa chất lượng cao chế biến gạo, đóng gói đưa ra thị trường tiêu thụ. Sản phẩm gạo RVT được bình chọn sản phẩm tiêu biểu do UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận. Ngoài ra HTX còn cung ứng thức ăn chăn nuôi cho bà con trả chậm và hướng dẫn chị em phụ nữ chăn nuôi gia trại có sự liên kết. Kết quả đã giúp chị em thành lập một tổ chăn nuôi 10 hộ hoạt động rất hiệu quả, sau 3 tháng đã xuất bán dược 300 con lợn, HTX còn cung ứng con giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm cho 40 hộ. Hiện thu nhập bình quân của thành viên và người lao động đạt 1,8 triệu đồng/tháng và HTX đang phấn đấu đạt 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng vào năm 2016.
Mặc dù đã đạt những kết quả bước đầu trong việc liên kết với bà con sản xuất lúa chất lượng cao, tuy nhiên theo Chủ nhiệm HTX Nguyễn Thị Nhâm, một trong những khó khăn mà HTX đang gặp phải là giá cả thị trường không ổn định, khó cạnh tranh, việc tiêu thụ vẫn còn nhỏ lẻ. Đặc biệt là vốn vay. Các HTX đều kiến nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ kết nối thị trường nhằm tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện về cơ chế cho HTX được vay vốn theo nhu cầu với lãi suất ưu đãi…
Đánh giá cao những giải pháp mà lãnh đạo chính quyền tỉnh Hà Tĩnh trong việc quan tâm hỗ trợ để các mô hình HTX phát triển, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm, tháo gỡ khó khăn để các HTX dễ tiếp cận nguồn vốn vay.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, MTTQ đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng NN-PTNT và và một số ngân hàng thương mại về chính sách cho vay ưu đãi với nông nghiệp. Theo đó, sắp tới sẽ có chương trình cho vay vốn ưu đãi đối với 500 HTX kiểu mới trong cả nước, mục tiêu là để trong vòng 3 năm, các HTX này bứt phá trong sản xuất kinh doanh. Như vậy, HTX sẽ được tháo gỡ về vốn cũng như vấn đề đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị tỉnh Hà Tĩnh chậm nhất trước 15-6 lên danh sách các HTX tiêu biểu trên địa bàn cần vay vốn để có chính sách hỗ trợ theo hướng địa phương hỗ trợ một phần, còn lại Trung ương sẽ lo.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã