Thực trạng buồn
Có thể khẳng định, chăn nuôi gia súc trên địa bàn Hà Tĩnh những năm gần đây phát triển khá nhanh, chiếm 42% giá trị sản phẩm ngành chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp. Hiện toàn tỉnh có khoảng 300 nghìn con trâu, bò, 400 nghìn con lợn và hơn 5,2 triệu con gia cầm... Tuy nhiên, phát triển chăn nuôi còn thiếu bền vững do dịch bệnh nguy hiểm thường xuyên xẩy ra, thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi.
Người chăn nuôi cần chú trọng công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh để đàn gia súc phát triển an toàn |
Ông Nguyễn Khắc Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh đưa ra những con số khá “buồn” về tình hình dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) gia súc, dịch tai xanh ở lợn và cúm gia cầm trong thời gian qua. Chỉ tính từ năm 2008 - 2013, bình quân có 40 ổ dịch và 700 con gia súc mắc bệnh LMLM mỗi năm. Riêng về dịch lợn tai xanh, thiệt hại nặng nề vào các năm 2008, 2010, 2011 và 2013 buộc phải tiêu hủy gần 35.000 con, gây thiệt hại gần 100 tỷ đồng. Dịch cúm gia cầm cũng xẩy ra khá thường xuyên, từ năm 2008 đến nay, bình quân có 13 ổ dịch xẩy ra và 19.000 con gia cầm mắc bệnh mỗi năm. Dịch bệnh gia súc, gia cầm chủ yếu xẩy ra ở các huyện: Thạch Hà, Kỳ Anh, Can Lộc và Cẩm Xuyên.
Hà Tĩnh hiện có hơn 200 ngàn hộ tham gia chăn nuôi, chủ yếu ở vùng nông thôn và chiếm 65% sản lượng chăn nuôi của tỉnh. Đây là hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ tại các vùng có mật độ chăn nuôi cao, điều kiện về cơ sở hạ tầng và môi trường chăn nuôi không đảm bảo nên thường xuyên xẩy ra dịch bệnh. Trong khi đó, người dân còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Một số người dân “bán tống, bán tháo” khi phát hiện gia súc mắc bệnh, thậm chí vứt xác gia cầm chết ra ngoài đường, xuống kênh mương, ao hồ nên dịch lây lan rộng, rất khó kiểm soát. Mặt khác, dịch bệnh gia súc, gia cầm thường phát và lây lan nhanh tại các địa phương tổ chức tiêm phòng định kỳ chậm, tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp (bình quân hàng năm đối với bệnh LMLM trâu bò đạt 69%, dịch tả lợn đạt 44%, cúm gia cầm đạt 82% so với diện phải tiêm). Các loại dịch bệnh nguy hiểm trên còn xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là nơi có ổ dịch cũ và đang tiềm ẩn làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất và tâm lý đầu tư phát triển chăn nuôi. Trong đó, có vai trò trách nhiệm của một số chính quyền địa phương về quản lý đàn vật nuôi, phát hiện, khai báo dịch còn chậm; thiếu quyết liệt khi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong công tác phòng, chống còn thiếu chặt chẽ, nhất là việc kiểm soát gia súc, gia cầm xuất, nhập vào địa bàn các huyện.
An toàn cho chăn nuôi
Giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh, thúc đẩy chăn nuôi phát triển an toàn, bền vững là mục tiêu đặt ra của tỉnh nhằm đưa giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 47% vào năm 2015 trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Ông Trần Hữu Duyệt - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho rằng: Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi về phòng chống dịch bệnh có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền phải được tổ chức thường xuyên, sâu rộng; hình thức phong phú, đa dạng, dễ hiểu như: in các loại sổ tay, phát tờ rơi, phổ biến đến tận người dân về các triệu chứng khi gia súc, gia cầm bị bệnh, đồng thời hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, chữa trị và xử lý kịp thời khi dịch bệnh xẩy ra.
Theo ông Trần Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, dịch bệnh nguy hiểm thường xẩy ra chủ yếu ở phương thức chăn nuôi gia trại, nhỏ lẻ, do đó, cần chú trọng công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh. Căn cứ tình hình dịch tễ của từng địa phương để chính quyền các cấp xây dựng chiến lược tiêm phòng đảm bảo hiệu quả nhất. Ngoài tiêm phòng định kỳ thì phải thường xuyên tiêm phòng bổ sung cho đàn mới phát sinh, nhằm đảm bảo 100% gia súc, gia cầm có kháng thể bảo hộ chống các loại dịch bệnh nguy hiểm. Người chăn nuôi phải thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại, hệ thống kênh cấp thoát nước theo định kỳ và trước, sau mỗi đợt thả nuôi. Công tác giám sát dịch bệnh đến tận cơ sở, sớm phát hiện, báo cáo kịp thời, chẩn đoán chính xác và xử lý nhanh gọn.
Với hệ thống giao thông phát triển, hàng năm, lượng gia súc, gia cầm lưu thông qua địa bàn tỉnh rất lớn. Vì vậy, các địa phương cần phối hợp với cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn, nhất là giống gia súc, gia cầm đưa về phải được nuôi cách ly, theo dõi đúng quy định; từng bước củng cố hệ thống thú y từ tỉnh đến cơ sở để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Mặt khác, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ trong hệ thống thú y từ tỉnh đến cơ sở cũng như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, dụng cụ đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.
“BCĐ phòng, chống dịch gia súc, gia cầm tỉnh sẽ xây dựng đường dây nóng (đặt tại Chi cục Thú y) để tiếp nhận thông tin, báo cáo về dịch bệnh 24/24h hàng ngày. Khen thưởng “nóng” cho người dân khai báo chính xác, kịp thời ca bệnh đầu tiên của các ổ dịch và các đối tượng mua, bán gia súc, gia cầm, thủy sản bị dịch bệnh trái quy định” - ông Hùng cho biết thêm.
Hữu Trung
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã