Học tập đạo đức HCM

Bộ đội biên phòng làm “bà đỡ” nông thôn mới

Thứ tư - 22/07/2015 23:21
Việc xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Hà Tĩnh đã gặt hái được nhiều thành công, nếu không muốn nói là đã có “thương hiệu” gắn liền với nhiều cách làm sáng tạo. Nhưng chuyện "liều lĩnh” nhận lấy vào mình các xã thuần nông nghèo “rớt mùng tơi”, sơ khai chỉ đạt được dăm tiêu chí để phấn đấu đi lên nông thôn mới, chỉ Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đủ dũng cảm...
 

Khí thế làm việc “nóng” hơn thời tiết

Ngoài trời 41 độ -  số liệu giới chuyên môn đo được tại Hà Tĩnh trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm của mùa hè 2015. Nắng đến mức giếng nước khô cạn, đồng ruộng nứt nẻ, mặt đường chảy nhựa...

Vậy mà, ở xã biên giới Hương Vĩnh (Hương Khê, Hà Tĩnh), nơi được mệnh danh là “chảo lửa”, những người lính Biên phòng trong “vai” phụ hồ, thợ nề vẫn trụ lại trên giàn giáo, đương đầu với nắng gió để khẩn trương hoàn thành  Nhà văn hóa ở thôn Ngọc Mỹ.

Hơn 10 bộ đội Biên phòng cùng 8 người dân hăng say làm việc tại ngôi nhà văn hóa này, mặc sự khắc nghiệt của thời tiết. “Mấy anh em Biên phòng làm việc hiệu quả lắm! Phụ hồ, xây, đập đá việc chi cũng làm được. Mới mấy hôm mà đã thành hình nhà văn hóa rồi” - ông Trần Bá Hạnh, trưởng thôn Ngọc Mỹ phấn khởi nói.

Anh Trần Bá Hùng, người dân ở thôn Ngọc Mỹ cùng góp ngày công xây nhà văn hóa thôn theo điều động của địa phương, vén áo lau khuôn mặt đẫm mồ hôi, tu ừng ực ly nước chè xanh mà vẫn chưa đã cơn khát, vui vẻ nói: “Bình thường đi làm công trình, nắng như ri là thợ được nghỉ giải lao suốt. Nhưng phục mấy anh Biên phòng, tham công tiếc việc như làm cho bản thân ấy. Họ không chuyên mà xây rất khéo, lại nhanh. Thấy vậy chúng tôi cũng phải gắng làm cho bằng anh bằng em, không họ lại đặt cho biệt danh “thợ nghỉ” thì ngại lắm”.

Nhà văn hóa thôn Hạ Vàng do Biên phòng Hà Tĩnh hỗ trợ xây dựng khang trang 

Cách Nhà văn hóa thôn Ngọc Mỹ không xa, lính Biên phòng cùng với người dân đang khẩn trương đổ mái cho một nhà văn hóa khác. Người trộn hồ, người xúc hồ, rồi vận chuyển thủ công lên mái để đổ trần. Công đoạn này tốn nhiều công sức, nên nhiều chiến sĩ Biên phòng được tăng cường để hoàn thành trong buổi sáng.

Trung tá Nguyễn Khắc Mạnh, cán bộ ở Đồn biên phòng Hương Quang giám sát công trình này. Biết nắng nóng ảnh hưởng nhiều đến năng suất làm việc, nên trung tá Mạnh thường xuyên động viên mọi người, và chuẩn bị nước giải khát rất chu đáo. “Anh em chiến sĩ đã quen với vất vả, khổ luyện rồi, thành ra cũng không có vấn đề gì. Chúng tôi cảm thấy phấn khởi, tự hào khi chung tay, góp sức, đổ những giọt mồ hôi cùng với bà con xây dựng vùng quê này đi lên nông thôn mới”.

Trực tiếp có mặt động viên anh em chiến sĩ và bà con làm việc, trung tá Nguyễn Văn Sâm - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bản Giàng (đóng ở xã Hương Vĩnh) - cho biết, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh đã nhận đỡ đầu xã Hương Vĩnh trong xây dựng NTM từ đầu năm 2015. Từ khi nhận trách nhiệm, Chỉ huy trưởng Võ Trọng Hải đã trực tiếp về xã phối hợp với địa phương khảo sát tất cả các tiêu chí đã đạt, chưa đạt.

Sau đó chỉ đạo cụ thể cái gì phải làm trước, cái gì làm sau, rồi cử cán bộ chuyên môn của Biên phòng thiết kế và trực tiếp bỏ công sức kết hợp với địa phương triển khai, chứ không thuê ngoài một ngày công nào. “Thời điểm này, tại xã Hương Vĩnh có khoảng 30 cán bộ, chiến sĩ biên phòng được điều động trực tiếp cùng bà con nhân dân xây dựng, tu sửa các hội quán thôn. Thời gian tới, khi chúng tôi triển khai làm giao thông nông thôn, dự kiến sẽ phải huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tham gia" - trung tá Sâm nói.

Có Biên phòng, tự tin về đích

Ông Dương Văn Kỷ - Chủ tịch xã Hương Vĩnh liệt kê cho chúng tôi một loạt khó khăn của địa phương: Toàn xã Hương Vĩnh có 1.315 hộ, trong đó có 6,48% hộ nghèo, hơn 7% hộ cận nghèo. Xã chỉ mới đạt được 6 tiêu chí NTM. “Chừng đó thì chưa đâu vào đâu. Vì để lên được NTM phải đạt được 19 tiêu chí. Nhưng theo kế hoạch, đến năm 2016 xã sẽ về đích” – ông Kỷ nói không chớp mắt, và chúng tôi đinh ninh rằng ông đã có sự nhầm lẫn. Mới có 6 tiêu chí, mà 1 năm sau “nhảy” lên 19 tiêu chí thì khó tin quá – chúng tôi chất vấn.

Ông Kỷ từ tốn rót nước mời khách, cười nói  “Có Biên phòng giúp đỡ, nên chúng tôi tự tin sẽ đúng kế hoạch”. Toàn xã Hương Vĩnh có 11 hội quán thôn xuống cấp phải tu sửa và xây mới. “Các chú thấy đó, nắng nóng trên 40 độ rứa mà các anh em Biên phòng vẫn phơi mình làm việc rất chăm chỉ, rất quyết tâm. Con đường NTM chẳng bao lâu nữa sẽ thành hiện thực thôi” – ông Kỷ khẳng định thêm lần nữa.

Thực tế, trước khi có sự giúp đỡ của Biên phòng Hà Tĩnh, Hương Vĩnh chỉ dám nhỏ nhẹ “hứa” sẽ hoàn thành việc xây dựng NTM đến năm 2020. Nhưng khi được “tiếp lửa” với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Biên phòng, sự dốc sức của anh em chiến sĩ trực tiếp ở các công trình, Hương Vĩnh mới tự tin và quyết tâm như vậy.

Tại xã Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn) cũng là địa phương Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh nhận đỡ đầu xây dựng NTM. Đây là xã biên giới đặc biệt khó khăn. Ông Cao Kỉ Vị - Chủ tịch xã cho biết, địa phương có 23km đường biên giới, 92% diện tích là đất rừng với 1.308 hộ dân. Cuối năm 2014, xã có gần 8% hộ nghèo và 18% hộ cận nghèo. Hiện tại, xã mới đạt 7 tiêu chí NTM...

Theo ông Vị, “khó khăn thì rất lớn, nhưng cũng may có Biên phòng đồng hành, nhận đỡ đầu từ năm nay và đang đặt ra quyết tâm sẽ đưa xã về đích vào cuối năm 2016”. Ông Vị cho biết thêm, đối với xã Sơn Kim 2, vai trò của Biên phòng in đậm từ lâu trong việc đảm bảo an ninh, xóa đói giảm nghèo, khắc phục thiên tai… chứ không chỉ xây dựng NTM. “Với sự nâng đỡ của Biên phòng, cùng với sự quyết tâm của chính quyền, nhân dân, tôi tin chắc Sơn Kim 2 sẽ về đích đúng kế hoạch", - ông Vị tự tin.

Cách đây 2 năm, “hàng xóm” của xã Sơn Kim 2 là Sơn Kim 1 đã trở thành niềm tự hào của tỉnh Hà Tĩnh, khi vinh dự là xã miền núi biên giới đầu tiên trong cả nước về đích NTM. Ông Nguyễn Sỹ Luận - Chủ tịch xã nhắc lại giọng đầy phấn khởi: “Nhờ có Biên phòng tỉnh đỡ đầu, xã chúng tôi đã về đích NTM trước thời hạn vào năm 2014. Trong bốn năm đỡ đầu NTM, Biên phòng đã hỗ trợ cho xã hơn 4 tỉ đồng, ngoài ra còn góp ngày công làm giao thông nông thôn, hội quán. Biên phòng đã giúp chính quyền, nhân dân chúng tôi cả vật chất lẫn tinh thần” - ông Luận chia sẻ.

Ông Trần Huy Oánh - Phó giám đốc Sở NNPTNT - Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh ghi nhận: “Những người lính cụ Hồ vốn đã rất gần gũi, đầy tình thương, trách nhiệm với nhân dân. Nay lại trực tiếp chung tay cùng bà con làm NTM thì quá ý nghĩa.
Theo: laodong.com.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập322
  • Hôm nay45,426
  • Tháng hiện tại750,539
  • Tổng lượt truy cập90,813,932
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây