Học tập đạo đức HCM

“Chảo lửa” giữa miền Trung (Bài 1): Quay quắt trên ruộng đồng

Chủ nhật - 14/06/2015 21:30
Hà Tĩnh đang trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 3 thập kỷ qua. Nền nhiệt độ liên tục giữ mức 39oC đến trên 42oC, cộng với gió lào thổi mạnh đã khiến ao hồ, sông suối đến đồng ruộng gần như khô kiệt. Sản xuất hè thu không thể thực hiện theo kế hoạch. Lần đầu tiên sau hàng chục năm, Hà Tĩnh phải chấp nhận gần 1.000 ha lúa không thể gieo cấy vì thiếu nước và xâm nhập mặn...


Hồ, đập “tụt dốc” lịch sử...

Hương Sơn đang là “điểm nóng” của hạn hán. Gần 2 tháng chỉ có một cơn mưa không đáng kể khiến huyện miền núi này nóng như lòng chảo. Con sông Ngàn Phố nhiều đoạn trơ đáy, những cánh đồng trải dài khô kiệt. Hiện nay, mực nước của các hồ đập trên địa bàn đã “chạm” mức nước chết, trữ lượng còn lại chỉ đạt 25-30% thiết kế.

“Chảo lửa” giữa miền Trung (Bài 1): Quay quắt trên ruộng đồng

Dưới cái nắng 39-40 độ C, hơn 100 ha chè của Xí nghiệp chè Tây Sơn bị cháy lá

Ông Phan Xuân Đức - Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “54/90 hồ không còn khả năng tưới. Nắng hạn gay gắt buộc huyện phải dành số nước còn lại phục vụ dân sinh. Sản xuất hè thu chỉ còn trông chờ các xã phụ thuộc nguồn nước từ trạm bơm, tuy nhiên, thời điểm này, 6/22 trạm đã bị “treo”. Nếu nắng nóng kéo dài, chắc chắn số trạm bơm ngừng hoạt động còn tăng và việc bơm tưới dưỡng lúa sẽ hết sức cam go”.

Bãi ngô, nương chè đều bị nắng thiêu rụi, cháy rũ tận gốc, nhìn đến xót lòng. Chị Nguyễn Thị Hoa (xóm Tân Thủy, Sơn Tây) nhìn đồng ngô lo lắng: “Chưa bao giờ nắng hạn như năm nay. Suốt cả tháng, nhiệt độ ở đây lúc nào cũng trên 400C kèm theo gió lào cứ giết dần cây trồng. Ngô chưa kịp ra bắp đã chết cháy, muốn cắt cho trâu ăn cũng không được. Đồng ruộng thì không còn nước, đất cứng như đá, làm sao mà cày xới để gieo cấy được. Mùa này thiếu đói đến nơi rồi!”.

Có mặt tại xã Sơn Kim 2, chỉ mới 10h sáng nhưng nhiệt độ ngoài trời đã báo 410C. Gió lào thốc lên từng đợt bỏng rát càng làm cho không khí thêm oi nồng. Đã nhiều ngày trôi qua, 2 nguồn nước chính là Khe Vang và Sông Chè cạn khô, thiếu nước tưới, hàng trăm ha chè bị “bà lửa” thiêu rụi. Chị Nguyễn Thị Hương (thôn Làng Chè) cho biết: “Nhà tôi làm 14 sào thì đã héo 7 sào. Nếu nắng như thế này, 5-7 ngày nữa thì cháy gốc mất. Nuôi cây chè phải mất 2-3 năm, có thu hoạch ổn định phải mất 6-7 năm. Nếu cháy gốc thì nông dân chúng tôi mất trắng!”.

“Chảo lửa” giữa miền Trung (Bài 1): Quay quắt trên ruộng đồng

Những cánh đồng ngô ở Hương Sơn bị nắng nóng thiêu rụi

Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Xí nghiệp Chè Tây Sơn thì trong 2 tháng đại hạn (tháng 5, 6) đã làm thiệt hại 8 -10 tỷ đồng. Mặc dù đã sử dụng loại giống chống hạn, canh tác thâm canh, nhưng 104/320 ha vẫn bị cháy lá, ngọn, không thể cho thu hoạch. Quay quắt trong nắng hạn, người dân nơi đây phải góp công sức, tiền của để đào giếng, mong tìm được nguồn nước cứu chè!

Gần 30% hồ chứa trên toàn tỉnh bị cạn là hậu quả của đợt nắng nóng gần 60 ngày. Trong số này, tập trung nhiều nhất vẫn là ở Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang. Ngoại trừ các hồ đập có dung tích lớn (10 triệu m3 trở lên), còn lại đều rơi vào cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, có thể “chết” bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, nhiều diện tích thuộc các vùng cao, vùng xa, vùng cuối kênh hệ thống Kẻ Gỗ, sông Rác cũng nan giải không kém vì thiếu nước. Đây được xem là trận hạn lịch sử trong vòng 30 năm qua. Gần 1.000 ha sản xuất hè thu đành “bất lực” trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên.

Ông Ngô Đức Hợi - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: “Bên cạnh các giải pháp công trình thì các địa phương phải có giải pháp chuyển đổi diện tích cao cưỡng, không chủ động tưới sang cây trồng cạn. Cùng với đó, vận hành, điều tiết, phân phối nước hợp lý, tiết kiệm; ưu tiên ép nước về cuối kênh để chống hạn”.

“Chảo lửa” giữa miền Trung (Bài 1): Quay quắt trên ruộng đồng

Con sông Ngàn Phố đoạn qua cầu Hà Tân (Sơn Tây) cạn trơ

Nước mặn “lăm le” nơi cửa sông

Vào đêm 28/5, tại Trạm cống Trung Lương do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh quản lý, độ mặn qua cống đo được là 3,6%o, cao nhất trong lịch sử, vượt độ mặn cho phép 2,8 lần (1,28%o). Từ đó đến nay, cống Trung Lương, nơi điều tiết nước tạo nguồn cho hệ thống sông Nghèn để phục vụ tưới cho cả vùng sản xuất thuộc các huyện Lộc Hà, Can Lộc và Bắc Thạch Hà đành phải đóng chặt. Mỗi ngày, may ra, cống chỉ mở được khoảng 1-2 tiếng đồng hồ với lưu lượng cao nhất 10m3/s. Sự điều tiết “nhỏ giọt” này đã làm hàng chục trạm bơm vùng tưới “trơ máng”, tê liệt hoàn toàn. 2-3 ngày gần đây, độ mặn có giảm cống Trung Lương có thể mở 4-6 tiếng/ngày.

“Chảo lửa” giữa miền Trung (Bài 1): Quay quắt trên ruộng đồng

Bà con xã Sơn Kim 2 đào giếng lấy nước chống hạn

Ông Trần Quốc Hùng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh cho biết: “Đã 2 tuần lễ, cống Trung Lương phải đóng, kỷ lục trong vòng nửa thế kỷ qua. Bên cạnh đó, mực nước sông La liên tục xuống thấp, mực nước tại bể hút trạm bơm Linh Cảm đã có thời điểm xuống đến cao trình -1,2m/-0,4TK nên không đủ nước cho 6 máy bơm hoạt động. Trước tình hình này, công ty chủ trương bơm tối đa có thể, có thời điểm mở bơm vài chục phút, chúng tôi vẫn tận dụng nhằm bơm nước tạo nguồn cho hệ thống sông Nghèn. Đồng thời, “tăng bo” thêm 6 máy bơm dã chiến”.

Trong khi đó, một số trạm bơm lấy nước trực tiếp trên sông Lam như: Trạm bơm I Nghi Xuân, các trạm của xã Xuân Hồng, Xuân Lam (Nghi Xuân) đến nay vẫn ngừng hoạt động do nguồn nước nhiễm mặn cao (trên 1,28%o). Cuộc chiến chống hạn đang ở giai đoạn cam go nhất, UBND tỉnh quyết định hoãn tất cả các cuộc họp không cấp thiết để tập trung cho công tác chống hạn, cứu cây trồng và đảm bảo dân sinh. Theo đó, tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp và đơn vị thi công phá dỡ quai sanh cống Đức Xá (đang thi công dang dở), đảm bảo thông dòng nhằm ứng cứu kịp thời nguồn nước cho vùng sông Nghèn nhằm tăng mực nước sông, đẩy nước về cống Đò Điệm để bơm tưới. Đối với những vùng khác, các địa phương, đơn vị quản lý chủ động kinh phí; điều chuyển nguồn nước, tổ chức ép nước về vùng cuối kênh.
(Còn nữa...)

Nguyễn Oanh – Tiến Dũng

Theo baohatinh.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập278
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại821,083
  • Tổng lượt truy cập90,884,476
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây