Vụ Xuân năm 2018, huyện Đức Thọ gieo cấy trên 6.500 ha lúa, cơ cấu các loại giống chủ lực gồm: P6, HT1, VTNA2, Nhị ưu 838, Xi 23, Nếp N98, N87. Do bà con tiến hành xuống giống sớm nên đến nay, hầu hết diện tích lúa đã bước vào giai đoạn đẻ nhánh và phát triển thân cây. Tuy nhiên, một số diện tích lúa P6 đã bị nhiễm đạo ôn lá (khoảng 2-3%).
Tại huyện Hương Sơn, tổng diện tích gieo cấy vụ Xuân 2018 của huyện đạt trên 4.200 ha lúa với các loại giống chủ lực như: Bắc thơm 7, P6, N98, N87, VTNA2, Nhị ưu 838, BTE-1, TH3-3, TH3-5 và một số nhóm giống đặc thù khác. Đến thời điểm này, các diện tích lúa vụ xuân của Hương Sơn cũng đã bắt đầu đẻ nhánh. Hiện tại, chưa phát hiện sâu bệnh gây hại.
Qua kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đánh giá cao tinh thần chủ động của địa phương và bà con nông dân trong việc tuân thủ cơ cấu giống, lịch thời vụ, thực hiện tốt quy trình theo dõi, chăm bón lúa… Theo đó, đề nghị các địa phương và ngành Nông nghiệp tiếp tục bám sát đồng ruộng, theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa để triển khai các giải pháp chăm bón hợp lý. Đặc biệt chủ động làm tốt công tác dự báo về tình hình sâu bệnh, nhất là đối với các đối tượng dịch hại như đạo ôn và lùn sọc đen. Đối với huyện Đức Thọ, cần khẩn trương bao vây xử lý kịp thời các diện tích lúa đã bị nhiễm đạo ôn, hạn chế lây lan trên diện rộng.
Tiếp đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đã đi kiểm tra sản xuất ngô lấy hạt và trồng cỏ phục vụ chăn nuôi tại xã Sơn Lễ; đi thăm một số vườn Cam bù ở xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn.
Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên năng suất và chất lượng cam của Hương Sơn tăng cao, nhất là đối với cây Cam bù. Đến thời điểm này, nhiều hộ trồng cam vẫn giữ được một khối lượng lớn quả, bán được giá cao hơn nhiều so với chính vụ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận cách làm hay của chính quyền và người dân xã Sơn Trường; mong bà con tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình này trong các vụ tới, nhằm nâng cao giá trị kinh tế của cây cam bù./.
Tiến Thành
http://www.hatinhtv.vn