Chung lo cùng nhân dân
Trước sự cố môi trường nghiêm trọng xảy ra, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 09/5/2016 hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các tỉnh bị ảnh hưởng. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 1338 ngày 25/6/2016 điều chỉnh một số nội dung của với Quyết định 772/QĐ-TTg, ngày 9/5/2011. Theo đó, tăng thời gian hỗ trợ gạo từ 1,5 tháng lên 6 tháng; bổ sung đối tượng hỗ trợ hỗ trợ là hộ gia đình làm nghề muối và kéo dài thời gian thu mua, tạm trữ hải sản.
Đối với tỉnh Hà Tĩnh: Ngay sau khi có thông tin về sự cố, Hà Tĩnh đã phối hợp với các bộ, ngành chức năng, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong nước, chuyên gia nước ngoài tập trung xác định rõ nguyên nhân; tiến hành thu thập tài liệu chứng cứ; rà soát, thống kê và đề xuất các chính sách hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng; hỗ trợ các hộ nuôi trồng hải sản bị thiệt hại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ gạo cho các hộ bị ảnh hưởng, tiền cho các chủ tàu dưới 90CV, hỗ trợ thu mua muối cho người dân, hỗ trợ tiền điện cho các kho đông lạnh dự trữ hải sản...; hướng dẫn các địa phương thu gom, xử lý hải sản chết, bảo đảm vệ sinh môi trường; hướng dẫn người dân tiếp tục nuôi trồng, khai thác và sử dụng hải sản an toàn; huy động tổng lực các trạm quan trắc môi trường biển thuộc Hệ thống quan trắc môi trường quốc gia để thực hiện quan trắc môi trường biển ven bờ, gần bờ và xa bờ từ Nghi Xuân đến Kỳ Anh với tần suất, mật độ được tăng cường, công bố thông tin hàng ngày về chất lượng môi trường nước biển ven bờ phục vụ dân sinh. Tổ chức giám sát chất lượng môi trường 24 giờ trong ngày tại vị trí xả thải của Công ty Formosa, lắp đặt camera, trạm quan trắc tự động và kết nối, truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh; Tiến hành lấy mẫu thực phẩm để cập nhật kết quả kiểm nghiệm công bố hàng ngày cho nhân dân; Cùng với đoàn kiểm tra của các bộ, ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường tại Khu Kinh tế Vũng Áng; kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài hỗ trợ ngư dân, tổ chức các đoàn thăm hỏi, động viên nhân dân bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống…
Với tinh thần tất cả vì người dân, luôn song hành cùng nhân dân để khắc phục những khó khăn, tính đến ngày 02/7/2016, Hà Tĩnh đã hỗ trợ 1.505,418 tấn gạo cho 17.068 hộ với 66.967 nhân khẩu; hỗ trợ gần 700 triệu đồng cho các đối tượng nuôi trồng bị thiệt hại; hỗ trợ trên 100 triệu đồng để hình thành 25 cửa hàng bán hải sản an toàn; hỗ trợ tiền cho 3.852 chủ tàu, thuyền với số tiền trên 20 tỷ đồng. Vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ 10.328 hộ gia đình với số tiền trên 10 tỷ đồng, 30 tấn gạo, chỉ đạo việc thả nuôi 6.893 ha hải sản. Vận động số lượng tàu cá trên địa bàn ra khơi đánh bắt, khai thác hải sản đảm bảo hàng ngày đạt từ 54% đến 65%, tương đương 120 tấn/ngày... góp phần chung tay, góp sức ổn định đời sống của nhân dân, đảm bảo ổn định chính trị, phát triển kinh tế, củng cố an ninh trật tự trên địa bàn. Ngày 01/7/2016, ngay sau khi Chính phủ công bố nguyên nhân sự cố môi trường, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1822/QĐ/UBND về việc quy định tạm thời một số chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và khôi phục sản xuất cho nhân dân. Theo đó, hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho các thành viên thuộc gia đình bị ảnh hưởng sự cố môi trường (thời hạn từ 01/7/2016 - 30/6/2017); Hỗ trợ đóng mới tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khai thác hải sản; Hỗ trợ kinh phí đào tạo cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng; Hỗ trợ 100% kinh phí mua máy thông tin liên lạc cho các tàu khi đóng mới tàu dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khai thác hải sản; Hỗ trợ xây dựng mới cơ sở sản xuất nước đá phục vụ khai thác thủy sản; Hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ; Hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho hộ nghèo và hộ cận nghèo để chuyển đổi ngành nghề…
Nguyên nhân được xác định và trách nhiệm của thủ phạm
Khi mới xảy ra hiện tượng, các bộ, ngành, các nhà khoa học xác định có thể do hai nguyên nhân, do tác động của các độc tố hóa học từ hoạt động của con người thải ra trên đất liền, trên biển hoặc do hiện tượng dị thường của tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa, còn gọi là thủy triều đỏ như đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới.
Dưới sự chủ trì của Bộ Khoa học và Công nghệ với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan đã thành lập Hội đồng với hơn 100 chuyên gia thuộc 30 viện nghiên cứu, trường đại học để vào cuộc xác định nguyên nhân. Sau hơn hai tháng nghiên cứu, các nhà khoa học đã khẳng định, hải sản chết hàng loạt tại bốn tỉnh miền Trung là do trong quá trình thi công và vận hành thử nghiệm của Công ty Formosa Hà Tĩnh đã thải ra chất hấp thu kim loại trực tiếp có trọng lượng lớn hơn nước biển di chuyển theo dòng hải lưu có nhu cầu oxy và gây độc tố dẫn đến làm hải sản chết hàng loạt, nhất là các loại hải sản ở tầng đáy.
Sở dĩ đến nay Chính phủ Việt Nam mới chính thức công bố kết quả, vì đây là sự cố nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam, liên quan đến nhiều địa phương, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng nên phải tiến hành khoa học, khách quan, đảm bảo các quy trình; được các nhà khoa học, tư vấn trong và ngoài nước phản biện; thu thập đầy đủ chứng cứ, đảm bảo tính pháp lý của Việt Nam cũng như pháp lý quốc tế; được đối tượng gây ra nguyên nhân thừa nhận.
Công ty Formosa Hà Tĩnh là một công ty con của Tập đoàn Formosa, có trụ sở chính tại Đài Loan. Dự án được đầu tư vào Hà Tĩnh giai đoạn một là 10 tỷ đô la Mỹ. Khi hoàn thành đưa vào sản xuất, Công ty Formosa Hà Tĩnh sẽ là công ty luyện gang thép lớn nhất Đông Nam á. Kể từ khi dự án đi vào hoạt động đến nay, bước đầu đã góp phần quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, đóng góp trên 70% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2011 - 2016; là động lực để Hà Tĩnh tiếp tục thu hút các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài.
Sau khi các ngành chức năng và các nhà khoa học đặt nghi vấn nguyên nhân gây ra hải sản chết hàng loạt bắt đầu từ dự án Formosa, chúng ta đã nhận được sự ủng hộ lớn của chính quyền Đài Loan và dư luận quốc tế. Khi các bộ, ngành Trung ương đưa ra kết luận, Tập đoàn Formosa đã nhận trách nhiệm. Ngày 28/6/2016, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã ký văn bản cam kết và đại diện Lãnh đạo Công ty Formosa Hà Tĩnh đã cúi đầu xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, đặc biệt là nhân dân 4 tỉnh miền Trung, đồng thời đưa ra các cam kết:
1. Công khai xin lỗi Chính phủ, nhân dân Việt Nam vì đã để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng.
2. Thực hiện việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 04 tỉnh miền Trung Việt Nam với số tiền tương đương 11.500 tỷ đồng Việt Nam (500 triệu USD).
3. Khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hoàn thiện công nghệ sản xuất, đảm bảo xử lý triệt để các chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam và của tỉnh Hà Tĩnh để không tái diễn sự cố môi trường như đã xảy ra.
4. Công ty Formosa Hà Tĩnh sẽ phối hợp với các bộ, ngành của Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung bảo đảm phòng, chống ô nhiễm, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự để lấy lại niềm tin với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
5. Thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết nói trên, không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước; nếu vi phạm thì sẽ chịu các chế tài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Từ sự cố môi trường, rút ra kinh nghiệm trong việc thu hút đầu tư và bảo vệ môi trường
Sự cố môi trường xảy ra tại 4 tỉnh miền Trung là bài học lớn trong việc phát triển kinh tế nhưng chưa gắn kết chặt chẽ với công tác bảo vệ môi trường. Sự cố giúp chúng ta nhìn nhận, đánh giá, xem xét đầy đủ, toàn diện hơn, đồng thời có các biện pháp quản lý chặt chẽ ngay từ khâu thi công, vận hành thử nghiệm, nhất là về công tác bảo vệ môi trường đối với toàn bộ Dự án của Công ty Fomosa Hà Tĩnh, cũng như đối với các công trình, dự án khác.
Trong quá trình giải quyết vụ việc, Chính phủ và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh luôn thể hiện nhất quán quan điểm kiên quyết bảo vệ môi trường, song cũng phải giữ được môi trường đầu tư. Đây cũng là cơ hội để chúng ta xem xét, đánh giá lại căn cơ các vấn đề về công nghệ, bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường, từ đó đem lại cuộc sống ổn định và phát triển bền vững cho người dân.
Chúng ta cần lắm sự đồng hành, chia sẻ…!
Ngay sau khi sự cố môi trường xảy ra, các thế lực thù địch đã cấu kết với một số đối tượng cực đoan, chống đối lợi dụng mạng lưới truyền thông, nhất là mạng xã hội để thực hiện mưu đồ chính trị, tuyên truyền, phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương; lôi kéo một số người dân thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại an ninh kinh tế, chính trị của đất nước. Một bộ phận cộng đồng mạng do thiếu thông tin và ảnh hưởng của “hội chứng đám đông” đã gián tiếp cổ vũ, tiếp tay cho các hành vi sai trái.
Từ sự xuyên tạc, tạo dựng những thông tin xấu đó đã làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân hoang mang, lo lắng, hoài nghi, bức xúc… Trước tình hình đó, để ổn định đời sống, phát triển sản xuất, khắc phục môi trường, hệ thống chính trị các cấp tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung định hướng để cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn tỉnh chung tay, góp sức đảm bảo ổn định chính trị, phát triển kinh tế, củng cố an ninh trật tự trên địa bàn.
Theo đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội phải thường xuyên chia sẻ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đề xuất các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn, từng bước chuyển đổi ngành nghề, khôi phục và phát triển du lịch, dịch vụ, phục hồi thị trường hải sản. Làm tốt công tác giám sát, bảo vệ môi trường đối với tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân đề cao nhận thức đầy đủ, tuân thủ pháp luật, thể hiện chính kiến của mình với ý thức xây dựng, tránh bị kích động. Nêu cao tinh thần cảnh giác trước những thông tin bịa đặt trên mạng truyền thông, có thái độ, hành động đúng đắn trong việc sử dụng các trang mạng xã hội và tuyệt đối không tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật...
Tiếp tục thực hiện tốt công tác thống kê các đối tượng bị ảnh hưởng. Tăng cường các lực lượng chức năng để nắm chắc tình hình, đảm bảo quốc phòng - an ninh, không để xảy ra tình trạng bị động, bất ngờ.
Việc tái thiết môi trường, phát triển hải sản ổn định, bền vững ở vùng biển miền Trung và cả nước là vấn đề sống còn của ngành kinh tế và an ninh biển. Để khắc phục sự cố đòi hỏi phải có thời gian, nguồn lực và sự sẻ chia đầy trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, không được chủ quan, vội vàng… Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hãy phát huy cao tinh thần, trách nhiệm, sát cánh cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tiếp tục ổn định và phát triển bền vững.
Hoàng Thảo Linh
http://hatinh.dcs.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã