“Bài ca... 7 tấn”!
Vấn đề chuyển đổi cơ cấu trong vụ xuân, bỏ hẳn trà xuân sớm đã không còn mới mẻ trong mấy năm trở lại đây. Bắt đầu từ Đức Thọ, Can Lộc rồi đến Cẩm Xuyên đã tạo nên những chuyến “lội ngược dòng”, là những “phát súng” đầu tiên cho cuộc cách mạng “thay máu” nền sản xuất lúa Hà Tĩnh. Năng suất lúa liên tục xác lập những kỷ lục mới.
Nông dân xã Thạch Ngọc (Thạch Hà) phấn khởi thu hoạch mùa bội thu. Ảnh: Nguyễn Oanh |
Kết quả nổi bật của vụ xuân năm nay chính là sự đồng đều về năng suất và thể loại giống trên đồng ruộng. Nếu như năm 2012, những cánh đồng 6-7 tấn/ha chỉ đếm được trên đầu ngón tay và tất nhiên nó chỉ xuất hiện ở những vùng đất thuận lợi, có truyền thống về thâm canh lúa, thì năm nay, sự thành công này đã được chia đều cho tất cả, thậm chí một số loại giống đột phá đến gần 8 tấn/ha như: BTE1. Ông Phan Quốc Cường - Chủ tịch UBND xã Đức Dũng (Đức Thọ) cho biết: “Vụ xuân 2013 xã cơ cấu 60 ha giống lúa VTNA2. Cánh đồng đồng nhất một giống, một thời vụ và một quy trình kỹ thuật này đã cho năng suất 67 tạ/ha, cao nhất trong các giống tại địa phương”. Không chỉ tại Đức Thọ, chỉ số năng suất này cũng vào loại cao nhất tỉnh đối với giống lúa VTNA2.
Vào những ngày cận kề thu hoạch, bức họa đồng quê được khắc họa rõ nét hơn bởi những màu lúa chín đặc trưng của HT1, PC6, TH3-3, VTNA2, RVT. Điều đặc biệt là, chẳng còn cảnh đồng ruộng “lổm nhổm” nơi thu hoạch nơi mới bước vào chắc xanh như trước đây, cơ cấu cùng một trà giống đã góp phần tạo nên sự đồng nhất cho thời vụ, vừa kịp cho mùa sản xuất cận kề, vừa là cơ hội cho cơ giới hóa phát triển. Ông Mai Khắc Tám - Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Khánh Lộc (Can Lộc) cho biết: “3 năm trở lại đây, xã cơ cấu 100% xuân muộn, năng suất bình quân xấp xỉ 5 tấn/ha. Riêng vụ xuân năm nay đạt cao nhất với 6 tấn/ha. Kỳ thu hoạch, lúa chín đồng đều, chúng tôi chỉ đưa máy vào khoảng 1 tuần là hoàn tất”.
Theo tính toán, vụ xuân này, toàn tỉnh có trên 5.500 ha chuyển đổi từ trà xuân sớm (chủ đạo là giống lúa IR1820) sang xuân muộn. Theo đó, cùng với chính sách chuyển đổi cơ cấu giống của tỉnh và sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đồng ruộng Hà Tĩnh từ 90% diện tích xuân sớm thì đến nay tỷ lệ đó chỉ còn hơn 1%. Xuân muộn chiếm gần 80%, còn lại là xuân trung.
Giống chất lượng - “đột phá” vụ xuân
Có thể nói, bộ giống chủ lực của tỉnh với các giống VTNA2, RVT, TH3-3 và HT1 chính là trục xoay của cuộc cách mạng chuyển đổi cơ cấu. Việc xác định bộ giống lúa chủ lực đã vạch ra định hướng rõ ràng cho nền sản xuất lúa hiện đại, chất lượng và có giá trị hàng hóa. Cẩm Xuyên, Can Lộc, Lộc Hà là những huyện đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu giống với tỷ lệ trên 60% diện tích. Nhiều vùng tiên phong tiếp tục “chinh phục” giống lúa mới, trong đó “nhóm” về đặc tính chất lượng gạo ngon, mang tính thương phẩm cao và được người tiêu dùng ưa chuộng ghi danh hàng loạt cái tên như: DT 68, BTE1, Gia Lộc 102, TBR 45…
Bà con nông dân xã Sơn Tân (Hương Sơn) cấy lúa hè thu. Ảnh: Bắc Hạnh |
Lúa chất lượng luôn gắn với nền sản xuất hàng hóa. Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An là doanh nghiệp “đầu quân” trong việc bao tiêu sản phẩm tại Hà Tĩnh. Đến nay, giống lúa VTNA2 đã trải rộng trên 3.013 ha của nhiều địa phương trong tỉnh. Thông qua hợp đồng kinh tế, sản phẩm đã tìm được đầu ra khá ổn định, giá cả hợp lý, tạo tâm lý yên tâm cho người sản xuất. Cách làm này là xu thế chung cho việc tìm thương hiệu riêng trên sản phẩm gạo của các nhà cung ứng, chẳng hạn: Gia Lộc 102 của Công ty CP Vật tư nông nghiệp Hà Tĩnh, TBR 45 của Công ty Giống cây trồng Thái Bình, gạo hữu cơ Quế Lâm của Tập đoàn Quế Lâm… Tín hiệu vui này không chỉ làm phong phú thêm loại giống lúa mà còn tăng cao sức cạnh tranh của cây lúa trên thị trường, từ đó tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích.
Đôi điều rút ra
Tất nhiên, sự thuận lợi và thành công chưa thể đến với mọi địa phương trong tỉnh. Một phần người nông dân chưa bắt kịp với ứng dụng tiến bộ KHKT về quy trình thâm canh lúa hiện đại nhưng nguyên nhân quan trọng nhất đó là độ thích ứng giống lúa với chất đất và điều kiện tự nhiên của từng vùng. Đó là lý do khiến cho kết quả chưa tương xứng với tiềm năng năng suất và mức đầu tư.
Cuộc chinh phục nào cũng là “con dao hai lưỡi”. Cánh đồng BC 15 tại Song Lộc, Tùng Lộc (Can Lộc) là bài học lớn cho việc ứng dụng giống mới vào sản xuất. Vốn dĩ BC 15 là giống tiềm năng năng suất, chất lượng gạo khá, song đây lại là loại mẫn cảm với nhiệt độ thấp, dễ bị đạo ôn, vì vậy, không phù hợp lắm với thời tiết ở Hà Tĩnh.
Điều quan trọng là khi nút thắt về nhận thức của người nông dân được tháo mở, có nghĩa quyết sách thay đổi bộ giống già cỗi IR 1820 đã đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Sản xuất lúa gạo hàng hóa là đích đến trong tương lai không xa của nông dân Hà Tĩnh.
Ông Phan Văn Cường - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Can Lộc: Giống IR 1820 không còn chỗ đứng Bước vào vụ xuân 2013, mặc dù huyện đã khuyến cáo và chỉ đạo chặt chẽ việc bỏ giống cũ thoái hóa IR 1820 nhưng một số nơi vẫn tồn tại vài diện tích nhỏ. Tập trung chủ yếu tại các xã Quang Lộc, Song Lộc và Tùng Lộc. Tư tưởng bảo thủ này đã nhận được hậu quả nặng nề khi thời tiết vụ xuân với tổng tích ôn cao đã xuất hiện nhiều loại sâu bệnh trên loại giống dài ngày này. Điển hình, “cháy rầy” đã làm mất mùa 40% diện tích IR 1820 tại xã Quang Lộc. Là giống gieo cấy sớm nhất trong vụ xuân 2013 nhưng IR 1820 lại là giống kéo dài thời gian thu hoạch, chậm hơn các trà giống khác từ 15-20 ngày. Trong khi đó, năng suất chỉ đạt 48-50 tạ/ha, thấp thua hơn bình quân cả huyện 7-10 tạ/ha. Sự đối sánh từ thực tế này sẽ là bài học để cải tiến những tư duy chậm tiến, từ đó người dân sẽ tự nguyện thực hiện chủ trương lớn của tỉnh. Ông Trần Hữu Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Nam (Cẩm Xuyên): Sản xuất xuân muộn, chúng tôi lãi hơn 1 tỷ đồng Cẩm Xuyên là tụ điểm rầy lớn nhất tỉnh, xã Cẩm Nam cũng không nằm ngoài sự đe dọa đó. Bình thường, mỗi vụ sản xuất, bà con phải bỏ ít nhất khoảng 300 triệu đồng cho tiền mua thuốc bảo vệ thực vật. Vụ xuân 2013, xã chuyển đổi cơ cấu sang xuân muộn, nông dân đã tiết kiệm được phân, giống, nước và thuốc bảo vệ thực vật. Chưa tính công lao động, vụ này, bà con chúng tôi lãi hơn 1 tỷ đồng từ việc giảm chi phí đầu tư. Ông Lê Trọng Ấn - Chủ tịch UBND xã Bình Lộc (Lộc Hà): Tụt giảm năng suất do không tuân thủ quy trình thâm canh Thực hiện chuyển đổi cơ cấu, xóa bỏ giống IR 1820, xã Bình Lộc cơ cấu 20 ha giống lúa TH3-3. Là giống lúa mới, trước vụ sản xuất xã đã khuyến cáo, chỉ đạo bà con xuống giống đúng thời vụ, bón phân theo đúng quy trình. Theo đó, giống TH3-3 yêu cầu phải xuống giống vào ngày 20/1, cấy vào ngày 13/2. Tuy nhiên, do tập quán canh tác cũ, một số hộ dân đã tự ý “xé rào” bắc mạ sớm hơn lịch thời vụ của tỉnh 12-15 ngày (chiếm 50% diện tích). Bên cạnh đó, người dân chưa bỏ được thói quen bón nhiều đạm như trà IR 1820, do vậy, nhiều ruộng xảy ra tình trạng thừa đạm, bón phân không cân đối. Đó là lý do khiến số diện tích này tụt giảm năng suất so với đại trà giống TH3-3 trên địa bàn, chỉ đạt 2 tạ/sào (trong khi diện tích sản xuất đúng quy trình đạt 2,8-3 tạ/sào). |
NGUYỄN OANH (baohatinh.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã