Người dân xã Thạch Kênh, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) tổ chức giải phóng mặt bằng, hiến đất mở đường giao thông, làm mương thoát nước.
Từ nhận diện yếu kém
Một thời chưa xa, Thạch Kênh còn là một xã nghèo, kém phát triển của huyện Thạch Hà. Bên cạnh sự khắc nghiệt của thời tiết, thổ nhưỡng thì sự thiếu đoàn kết, thống nhất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên được coi là nguyên nhân chính, dẫn đến yếu kém, trì trệ của địa phương. Theo phản ánh của các đảng viên lão thành, trong khoảng những năm 2005 đến 2007, rồi từ năm 2011 đến 2012, nội bộ lãnh đạo xã thiếu thống nhất, tình trạng đơn thư khiếu kiện vượt cấp liên quan đất đai, quản lý ngân sách, công tác cán bộ xuất hiện khá phổ biến. Tại Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2005-2010, Thạch Kênh bầu thiếu số lượng Ban Chấp hành Đảng bộ. Tiếp đó, bầu cử đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2011-2016, cử tri lại bầu thiếu số lượng đại biểu. Chỉ trong nhiệm kỳ 2010-2015, địa phương này phải thay đến bốn chủ tịch UBND xã.
Đồng chí Lê Quang Cầu - hội viên cựu chiến binh thôn Chi Lưu, xã Thạch Kênh chia sẻ, đó là thời điểm Thạch Kênh phải đối mặt với những khó khăn khác nhau, đội ngũ cán bộ lãnh đạo địa phương vừa yếu về chuyên môn vừa bè phái, không đoàn kết, thống nhất khiến nhân dân mất niềm tin vào cấp ủy, chính quyền. Do vậy, hầu hết các phong trào, nhiệm vụ của địa phương phát động không thu hút được sự tham gia của người dân.
Nhận diện căn nguyên của yếu kém thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, với tinh thần nhìn thẳng sự thật, dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã triển khai kiểm điểm khá bài bản. Đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạch Kênh Từ Dương Quyền cho biết, mỗi tập thể, cá nhân đã tự soi lại chính mình, nhìn thẳng vào sự thật, thấy trách nhiệm của mỗi đảng viên trong việc để Thạch Kênh yếu kém kéo dài. Đặc biệt, Thạch Kênh nhận được sự gợi ý, định hướng của cấp trên về những hạn chế, yếu kém của từng tập thể, cá nhân trong Ban Thường vụ. Việc lấy phiếu thăm dò ở các chi bộ, các đảng viên lão thành cũng đã giúp thấy những khuyết điểm, hạn chế của từng đồng chí, để nhìn thẳng vào sự thật.
Đến phát huy nội lực
Đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy Thạch Hà Nguyễn Văn Thắng cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của nhiệm kỳ này là khắc phục những điểm yếu, sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ phù hợp năng lực, sở trường và tín nhiệm, sớm đưa Thạch Kênh thoát khỏi xã nghèo, kém phát triển.
Là người gắn bó với địa phương, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạch Kênh Từ Dương Quyền hiểu rõ khó khăn khi bản thân không thể trở thành hạt nhân đoàn kết để tập hợp, lãnh đạo anh em. Đồng chí Quyền cho rằng, quá trình thực hiện Nghị quyết T.Ư4, khóa XI không chỉ là việc đồng chí, đồng nghiệp thẳng thắn chỉ rõ yếu kém cho mình và tìm cách để khắc phục, sửa chữa mà còn là việc tạo điều kiện cho mình được “lập công”, và tin tưởng trao nhiệm vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã. Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Thạch Kênh Nguyễn Thiện Chung, khi được bố trí, sắp xếp nhiệm vụ đúng năng lực và nhận được sự đồng thuận cao của người dân, bản thân đồng chí như được tiếp thêm năng lượng, buộc mình luôn trăn trở, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ...
Song song với sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ, xã Thạch Kênh đã triển khai chủ trương sáp nhập thôn, xóm. Việc giảm từ 13 thôn xuống năm thôn không chỉ giúp địa phương giảm được áp lực đầu tư một số hạng mục không cần thiết, xóa được tình trạng xóm không có chi bộ, thiếu các tổ chức đoàn thể, mà quan trọng là sức mạnh tập thể trong xây dựng NTM được phát huy. Đầu tư tuyến đường trục chính của xã dài 2,9 km ước tính số tiền xây dựng hơn chục tỷ đồng, cấp ủy và nhân dân đã cùng bàn bạc phương án. Với tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, Nhà nước cung cấp xi-măng, công việc còn lại, từ giải phóng mặt bằng, chuẩn bị vật liệu xây dựng (đá, cát, sỏi) đến ngày công đều do nhân dân góp sức. Sau một thời gian ngắn thi công, tuyến đường dài 2,9 km, rộng 3,5 m, đã được hoàn thiện.
Theo Bí thư Chi bộ thôn Chi Lưu Nguyễn Sỹ Yến, thành công có được là nhờ cán bộ, đảng viên gương mẫu, và sự đồng thuận trong dân. Nhiều gia đình ở thôn Chi Lưu tự nguyện đóng 10-12 triệu đồng/hộ để xây dựng NTM. Không chỉ tự nguyện hiến đất, đóng góp công sức, mỗi người dân ở Thạch Kênh còn trở thành một “kênh” để kết nối con em xa quê đóng góp xây dựng NTM. Con số 28 tỷ đồng được huy động từ nguồn xã hội hóa để xây dựng các công trình NTM trên địa bàn là minh chứng khi niềm tin được lan tỏa…
Cùng với đó, Thạch Kênh đã biết phát huy lợi thế vùng ngoại ô, với 150 ha mặt nước được tổ chức đấu thầu nuôi cá, 40 ha đất cao cưỡng chuyển qua trồng rau màu các loại cung cấp cho thành phố Hà Tĩnh cho thu nhập cao. Trong năm 2016, xã còn tạo điều kiện cho người dân phát triển mạnh một số dịch vụ cùng 17 mô hình sản xuất cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm…
Với cách làm nêu trên, chỉ trong một năm, xã Thạch Kênh đã hoàn thành thêm 15 tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn NTM vào cuối tháng 12-2016 (trước ba năm so với kế hoạch).
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã