Học tập đạo đức HCM

Cửa Nhượng cạn trơ, ngư dân khốn khổ!

Thứ năm - 13/08/2015 03:42
Cửa biển (cũng là cửa sông) đối với ngư dân tựa như ngõ của một ngôi nhà. Vậy nhưng, lâu nay, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều cửa biển ở Hà Tĩnh đang bị bồi lắng nghiêm trọng, cản trở tàu thuyền ra vào. Dầu khó nhọc hơn và chi phí đầu vào đội lên cao nhưng ngư dân vẫn bám lấy cửa sông và hướng ra bể.

Ngư dân nhọc nhằn

Chờ mãi, cuối cùng, tôi cũng được gặp ông Lại Lý Luận - Trưởng thôn Nam Hải (xã Cẩm Nhượng - Cẩm Xuyên). Chỉ tay về Cửa Nhượng trơ đáy, ông than thở: “Thôn có 170 hộ dân, chủ yếu sống bằng nghề biển nhưng khoảng 10 năm nay, cửa lạch bồi lắng dần với chiều dài hàng km, người dân rất khó khăn khi cho tàu thuyền ra vào. Để ra khơi, người dân phải chờ khi nước lên, đồng thời, thăm dò, đi đường vòng theo những con lạch sâu, nếu không sẽ bị mắc cạn. Khi trở về, để bán sản phẩm, ngư dân phải thuê tàu thuyền nhỏ chở cá với khoảng cách hơn 1 km vào chợ Cồn Gò, mỗi lần mất vài trăm nghìn”.

Ông Luận còn cho hay: “Năm 2014, có 2 tàu cá của ngư dân khi vào cửa bể đã bị mắc cạn, sau đó, con nước lên làm chìm tàu, thiệt hại mỗi tàu lên đến hàng trăm triệu. Người dân đã kiến nghị nhiều năm nay nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết. Khổ nhất là vào mùa mưa bão, tàu thuyền không vào âu tránh trú được nên ngư dân rất lo lắng. Có những lúc, vì nước chưa lên, tàu thuyền không vào được, Hội Nông dân xã cho kéo cờ nheo báo hiệu, toàn bộ tàu thuyền phải hướng ra Hòn Bớc tránh trú. Nếu gặp mưa bão lớn, chắc chắn ngư dân sẽ bị thiệt hại”.

Cán bộ phụ trách địa chính xã Cẩm Nhượng - Nguyễn Tông Thanh cho biết: “Cửa Nhượng là nơi ra vào của tàu thuyền ở các xã Cẩm Nhượng, thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Lộc, Cẩm Lĩnh. Mùa mưa bão, Cửa Nhượng có hơn 100 tàu công suất trên 90 mã lực phải vào âu tránh trú, song, cửa lạch quá cạn nên rất khó khăn”. Cũng theo ông Thanh, thực hiện chủ trương hỗ trợ ngư dân bám biển, năm 2014, xã Cẩm Nhượng đã đóng mới 14 tàu có công suất từ 90 - 350 mã lực; trong khi đó, chính cửa biển này đang gây nhiều khó khăn cho các đội tàu có công suất trên 90 mã lực hoạt động.

Tình trạng cửa biển bị bồi lắng, cản trở tàu thuyền ra vào cũng là nỗi lo của ngư dân hoạt động ở Cửa Sót. Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim - Biện Ngọc Cường cho hay: “Tình trạng bồi lắng ở cửa biển này đã xảy ra khoảng 6-7 năm nay, vào cuối năm 2014 đến nay đã hình thành các cồn cát. Vì vậy, tàu thuyền phải đi đường vòng, bám theo lạch và dựa vào con nước, điều này phụ thuộc vào kinh nghiệm sông nước của ngư dân. Tuy nhiên, những tàu lớn khoảng 400 mã lực cũng không thể vào được ngay cả khi thủy triều lên. Nhiều tàu thuyền vào không đúng lạch nên phải đậu bên bờ gần núi Nam Giới, sau đó, thuê tàu nhỏ chở cá vào chợ, rồi phải neo hàng chục tiếng đồng hồ chờ con nước lên mới đưa tàu thuyền ra khỏi khu vực cạn”.

Ông Cường còn cho hay: Việc bồi lắng cửa biển gây nhiều khó khăn cho công tác cứu nạn, cứu hộ trên sông, biển, nhất là việc huy động các đội tàu cứu hộ khẩn cấp những tàu gặp nguy hiểm; hơn nữa, nếu không có kinh nghiệm, các tàu cứu hộ cũng không thể ra khỏi cửa lạch.

Việc cửa biển bị bồi lắng không chỉ cản trở tàu thuyền của ngư dân ra vào mà còn gây thất thu cho các địa phương. Ông Phan Văn Nhàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà cho hay: Cửa biển cạn nên rất nhiều tàu lớn của các tỉnh không thể cập bến, đổ hàng cũng như tiêu thụ sản phẩm phục vụ cho các chuyến ra khơi. Bên cạnh đó, tàu lớn không vào được cũng làm cho cảng cá hoạt động kém sôi động, nhiều kho đông lạnh thiếu hàng. Đây cũng là tình trạng ở Cẩm Nhượng, trong khi nhu cầu hải sản của chợ Cồn Gò, nơi gần trung tâm du lịch bãi tắm Thiên Cầm khá cao.

Cần giải pháp hiệu quả

Đem nỗi lo lắng của ngư dân vùng biển trao đổi với chính quyền huyện Cẩm Xuyên, ông Trần Hữu Duyệt - Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay: “Từ lâu, chính quyền huyện, xã rất trăn trở về vấn đề này. Mùa mưa bão, lãnh đạo huyện, xã phải tập trung cao để chỉ đạo đưa tàu thuyền ngư dân vào tránh trú, chủ động phương án cứu hộ trên sông, biển; tập trung cao cho việc phòng hộ kè ven biển dọc Cửa Nhượng. Cùng với việc ngăn chặn các xà lan hút cát trộm trên sông, UBND huyện đã có nhiều văn bản kiến nghị, đề xuất Sở TN&MT nạo vét hệ thống luồng lạch, đồng thời, đề xuất Sở NN&PTNT lập dự án đầu tư xây dựng cảng cá gắn với cụm công nghiệp làng nghề Cẩm Nhượng và việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, song, vì nhiều lí do nên đến nay, các ngành chức năng chưa trả lời cụ thể”.

Cửa Nhượng cạn trơ, ngư dân khốn khổ!

Cửa Nhượng trơ đáy

Việc cửa biển bồi lắng trong nhiều năm đã dẫn đến tình trạng vi phạm quy định về khai thác cát, thậm chí, xuất hiện HTX khai thác cát như ở Cửa Sót (đã bị đình chỉ). Tuy nhiên, theo người dân và lãnh đạo địa phương các xã giáp cửa biển thì việc nạo vét này phần nào đã làm cho luồng lạch tiện lợi hơn, đồng thời, phục vụ mục đích xây dựng hạ tầng, cải tạo ao nuôi tôm với giá thành rẻ hơn giá thị trường nhiều lần.

Trong khi phải trông chờ vào “cái gậy” là dự án gần trăm tỷ, thì nói như ông Nguyễn Tông Thanh - cán bộ địa chính xã Cẩm Nhượng: cử tri kiến nghị và UBND xã đã làm văn bản gửi cấp trên xin thực hiện phương án xã hội hóa việc nạo vét, một phần để khơi thông luồng lạch, phần khác để sử dụng nguồn cát biển vào mục đích xây dựng hạ tầng như nền đê, kè, nhà văn hóa thôn và một số mục đích xây dựng khác khi tiến hành khử độ mặn; trong khi đó xã vẫn đang phải mua số lượng lớn cát từ xã Cẩm Hòa (cách trên chục km) với giá 180.000 - 200.000 đồng/khối.

Theo Mạnh Hà/baohatinh.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập383
  • Hôm nay46,762
  • Tháng hiện tại843,460
  • Tổng lượt truy cập90,906,853
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây