Lễ hội Đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi hàng năm được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 5 âm lịch. Những ngày diễn ra lễ hội nhân dân các xã Thạch Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị (huyện Thạch Hà), các xã Mai Phụ, Thạch Kim (huyện Lộc Hà) và du khách thập phương nô nức đến dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi - vị tướng tài ba đã giúp vua Lê đánh giặc cứu nước. Lễ hội cũng là dịp để nhân dân cầu cho mưa thuận, gió hòa, trời yên biển lặng, mùa màng tốt tươi.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y |
Lễ hội Đền Chiêu Trưng là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời mang đậm nét đẹp văn hóa đặc sắc, thể hiện tâm nguyện, đức tin của cư dân vùng cửa biển. Ngoài nghi thức tế lễ theo phong tục, lễ hội còn diễn ra các hoạt động như: Thi bơi chèo, đi cà kheo, thả diều sáo, đánh cờ thẻ, múa lân.v.v.
Theo dòng chảy của thời gian, các hoạt động của lễ hội luôn được gìn giữ, phát huy trở thành nét đẹp văn hóa, món ăn tinh thần không thể thiếu đối với nhân dân và tạo dấu ấn với du khách thập phương mỗi lần về Đền Chiêu Trưng dâng hương, tế lễ. Với những nét văn hoá độc đáo, lễ hội Đền Chiêu trưng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào của nhiều thế hệ người dân vùng quê cửa biển hai huyện Thạch Hà, Lộc Hà.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng trao Bằng Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Đền Chiêu Trưng” cho chính quyền và nhân dân huyện Thạch Hà, Lộc Hà |
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y chia sẽ niềm vui, niềm tự hào cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương; bày tỏ lòng thành kính, tri ân công lao to lớn của Danh tướng Lê Khôi đối với đất nước
Lễ hội văn hóa truyền thống là một trong những cội nguồn sức mạnh của dân tộc. Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống nói riêng và các di sản văn hóa dân tộc nói chung là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Vì vậy, Cấp ủy, chính quyền và nhân dân 2 huyện Thạch Hà và Lộc Hà cần tiếp tục đoàn kết, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội Đền Chiêu Trưng cũng như di tích lịch sử, văn hóa quốc gia Đền thờ và Lăng mộ Lê Khôi, góp phần phát triển KT-XH gắn với khơi dậy tiềm năng du lịch trong công cuộc đổi mới.
Ngay sau lễ đón Bằng tại Nhà văn hóa huyện Thạch Hà, đông đảo cán bộ và nhân dân 2 huyện Thạch Hà, Lộc Hà cùng các xã có đền thờ vọng Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi đã lên thuyền rồng rước Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ bến sông Cày về Đền thờ Lê Khôi ở núi Nam Giới, xã Thạch Bàn.
Văn Chương/hatinhtv.vn