Cơ hội đổi đời
Không chỉ tạo nguồn thu ngân sách địa phương khổng lồ, dự án FORMOSA còn là trọng điểm thu hút hàng vạn lao động, trong đó tỷ lệ người Hà Tĩnh chiếm khá cao.
Thi công chế tạo sẵn đường ống nước làm mát ngầm của xưởng phân ly khí. Ảnh: Ngọc Hà |
Anh Thung (TP Hà Tĩnh) hiện đang làm việc cho một công ty của SamSung (một trong những nhà thầu của FORMOSA) phấn khởi khoe: “Với tấm bằng đại học mỏ địa chất, lương của tôi hiện trên 20 triệu đồng/tháng. Nếu không có dự án FORMOSA, chắc tôi khó tìm được việc làm tốt như thế”. Không chỉ có đại học mà với tấm bằng trung cấp lắp máy, anh Việt (Thạch Tân – Thạch Hà) làm công nhân ở một nhà thầu của dự án FORMOSA cũng kiếm được xấp xỉ 10 triệu đồng/tháng. Theo một người có trách nhiệm của dự án FORMOSA, lương bình quân hàng tháng của người lao động phổ thông ở các đơn vị thi công cũng từ 5-7 triệu đồng…
Ngoài ra, dự án Formosa còn là tác nhân làm đổi đời biết bao người nông dân quanh năm “đầu tắt mặt tối” mà không đủ ăn, nói gì đến chắt chiu, gom góp để xây lên những ngôi nhà kiên cố, đầu tư những trang thiết bị đắt tiền phục vụ cuộc sống. Theo báo cáo của Ban GPMB – TĐC huyện Kỳ Anh, tính đến thời điểm 1/10/2010, nghĩa là sau hơn 2 năm kể từ ngày khởi động dự án Formosa, công tác đền bù GPMB, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư (Formosa) đã hoàn tất. Kết quả đã thu hồi 1.600 ha đất nông nghiệp, 850 ha đất ở, di dời TĐC 2.563 nhà ở, 13.253 ngôi mộ, 32 nhà thờ, 1 nhà thờ Thiên chúa giáo; tổng giá trị đền bù lên đến 1.943 tỷ đồng. Một khối lượng công việc khổng lồ được hoàn tất chỉ trong vòng hơn 2 năm, công đầu phải kể đến sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ, khẩn trương của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả các ngành chức năng.
Được biết, có những ngày trên địa bàn này đã tổ chức đến dăm ba cuộc họp, cuộc làm việc với người dân do chính lãnh đạo UBND tỉnh, huyện chủ trì để xử lý những vướng mắc liên quan đến “siêu” dự án. Điều quan trọng hơn, nhờ sự tập trung toàn tâm, toàn lực của cả hệ thống chính trị, các ngành hữu quan nên trong quá trình lập phương án, tổ chức đền bù GPMB - TĐC đều cơ bản bảo đảm công minh, công bằng, thỏa đáng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân vùng bị ảnh hưởng, từ đó đã tạo được sự đồng thuận, phấn khởi của đại đa số người dân liên quan.
Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng bồi thường GPMB huyện - Dương Thanh Hòa, khẳng định: “Các chính sách về an sinh xã hội đối với người dân trong khu kinh tế (KKT) và vùng TĐC đã được quan tâm một cách toàn diện, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện lên mức cao hơn nhiều…”. Phó Chủ tịch UBND huyện cũng cho biết thêm, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, thời gian qua, địa phương đã phối hợp với các đơn vị trường học bước đầu tổ chức đào tạo nghề mới cho gần 1.000 lao động. Đây chính là điều kiện để người dân vùng TĐC có cơ hội tìm kiếm việc làm, thay đổi nghề nghiệp ngay trên chính quê hương mình.
Các đơn vị thi công cầu cảng |
Đến với các vùng TĐC thuộc 4 xã nhường đất cho dự án FORMOSA vào những ngày trung tuần tháng 4, gồm: Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Lợi, Kỳ Phương, điều dễ nhận thấy nhất đó là một khu dân cư hiện đại, kiểu mẫu. Cùng với hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây dựng quy mô, hiện đại, là những ngôi nhà kiên cố với nhiều kiểu dáng đa dạng, đẹp mắt. Trên gương mặt những người dân đều ánh lên niềm vui cuộc sống nơi vùng đất mới.
Chủ tịch MTTQ xã Kỳ Liên - Đinh Quang Cảnh cho biết: Hầu hết bà con TĐC đều an tâm, phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Nhiều nhà từ số tiền đền bù hỗ trợ việc làm sau khi xây dựng nhà ở còn có dư để đầu tư sản xuất hoặc gửi vào ngân hàng làm nguồn an sinh. Cũng có gia đình mở hướng làm ăn mới như đầu tư chăn nuôi hay các nghề phụ khác. Hiện tại, những người còn sức lao động làm công cho các công trình, dự án trên địa bàn mỗi ngày thu vài ba trăm ngàn đồng.
Khi hỏi đến mức thu nhập bình quân đầu người hàng năm so với nơi ở cũ, ông Cảnh khẳng định: Thu nhập bình quân hàng năm bây giờ phải cao gấp 3 lần trước đây. Ngày xưa, vùng đất cũ, đồng chua nước mặn, mùa màng bấp bênh, ăn còn chưa đủ nói gì cải thiện đời sống. Nhìn nhiều diện tích đồng ruộng bỏ hoang ở các xã xung quanh KKT Vũng Áng, tôi thắc mắc, mấy người dân đều cho rằng, làm ruộng lời lãi chẳng là bao, hàng ngày đi phụ hồ xây dựng hoặc cứ đi vào KKT, gặp gì làm nấy, mỗi ngày cũng kiếm được vài ba trăm ngàn đồng, đủ tiêu xài. Nhờ đó, cuộc sống người dân trong KKT Vũng Áng nói chung, người dân vùng TĐC ngày càng ổn định và phát triển với mức thu nhập cao hơn trước; nhiều hộ thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, mọi việc không thể đủ đầy, trọn vẹn trên mọi phương diện trong một thời gian ngắn. Theo nhiều cán bộ và người dân ở các vùng TĐC dự án FORMOSA, điều làm người dân băn khoăn nhất hiện nay đó là việc làm ổn định lâu dài cho người dân, công tác đào tạo nghề thời gian qua đã được thực hiện nhưng xem ra chưa đáp ứng được yêu cầu... Tuy vậy chúng tôi vẫn tin rằng, những băn khoăn này của cán bộ và nhân dân vùng TĐC sẽ sớm được giải quyết.
Đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư
Phải khẳng định rằng, ngọn gió lành do FORMOSA nói riêng, các dự án khác trong KKT nói chung mang lại không chỉ làm thay đổi, khởi sắc bộ mặt một vùng quê vốn đói nghèo bao năm mà còn góp phần đưa Hà Tĩnh phát triển một cách bền vững, sớm khẳng định vị thế của mình trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tuy nhiên, lẫn khuất, trà trộn trong đó vẫn không tránh khỏi những “hạt bụi” ảnh hưởng xấu đến tiến trình phát triển. Đó là tình hình ANTT có thời điểm “nóng” lên bởi các hành vi trộm cắp, cướp, gây rối trật tự công cộng và các tệ nạn xã hội…
Khu tái định cư Kỳ Lợi. Ảnh: Sỹ Ngọ |
Nhận định và dự báo được những vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển KKT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn. Theo đó, các cơ quan chức năng (Công an, BĐBP, Bộ CHQS tỉnh) theo chức năng nhiệm vụ của mình, chủ động vào cuộc một cách quyết liệt, hiệu quả. Vào thời điểm tình hình ANTT có dấu hiệu “nóng” lên, các lực lượng đã kịp thời có biện pháp thích hợp. Lực lượng công an thành lập tổ công tác đảm bảo ANTT cho dự án FORMOSA, tăng cường đội phản ứng nhanh, bổ sung quân số, trang thiết bị hỗ trợ cho Đồn Công an Vũng Áng, Công an Kỳ Anh. BĐBP tổ chức nâng cấp Đồn Biên phòng Vũng Áng thành BCH Biên phòng cửa khẩu Vũng Áng, tăng cường đội đặc nhiệm chốt giữ các địa bàn trọng điểm…
Quá trình thực thi nhiệm vụ, các lực lượng không chỉ bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình, mọi di biến động của các đối tượng, làm tốt công tác phối hợp mà còn thiết lập đường dây nóng kịp thời xử lý các vụ việc phát sinh… Đó là cơ sở để các ngành chức năng đưa ra kết luận: tình hình ANTT vẫn hoàn toàn nằm trong vòng kiểm soát.
Nhìn chung, tình hình ANTT trên địa bàn KKT Vũng Áng đến nay chưa có vụ việc lớn nào xẩy ra; các vụ vi phạm pháp luật, phạm pháp hình sự đều được phát hiện, xử lý kịp thời, tạo môi trường đầu tư trong lành.
Rời đại công trường dự án FORMOSA và các vùng TĐC trên địa bàn huyện Kỳ Anh, trong chúng tôi hiện hữu một niềm tin tuyệt đối, đó là trong một tương lai gần, Hà Tĩnh sẽ giàu mạnh, người dân ấm no hơn mà đòn bẫy tạo sức bật to lớn nhất chính là KKT Vũng Áng.
VĂN LÝ - ĐÌNH TRUNG
baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã