Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh không chỉ chiếm vị trí quan trong trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh mà còn là phương tiện nghệ thuật đặc trưng xứ Nghệ để biểu đạt tư tưởng, tình cảm, tăng cường giao lưu, gắn kết cộng đồng. Theo đó, thời gian qua, nhiều đội văn nghệ, câu lạc bộ đàn và hát dân ca được thành lập ở nhiều thôn xóm.
Dù hoạt động thường xuyên hay không thường xuyên, các CLB này đều là hạt nhân, là nòng cốt để lưu giữ và phát huy Dân ca ví, giặm. Việc UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là sự kiện có ý nghĩa trọng đại, không những là niềm tự hào của riêng nhân dân Nghệ Tĩnh mà còn là niềm tự hào của nhân dân cả nước.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện đánh giá cao công lao đóng góp của các nghệ nhân, anh chị em văn nghệ sỹ, các nhà nghiên cứu, cán bộ ngành văn hóa trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của dân ca ví, giặm, đồng thời yêu cầu ngành VHTT&DL Hà Tĩnh tập trung làm tốt các công tác tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân nhận thức sâu sắc các giá trị của di sản dân ca ví, giặm, qua đó khơi dậy lòng tự hào, ý thức trách nhiệm của mọi người tham gia bảo vệ và phát huy di sản bằng những việc làm thiết thực;
Tăng cường công tác quảng bá để nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về dân ca ví, giặm; tiếp tục sưu tầm nghiên cứu các làn điệu còn được lưu giữ trong các tầng lớp nhân dân, các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu để từ đó bổ sung, làm giàu thêm kho tàng dân ca ví, giặm; có cơ chế chính sách để duy trì tốt các câu lạc bộ đã có, đồng thời phát triển, mở rộng các câu lạc bộ dân ca ví, giặm ở các địa phương, cơ quan, đơn vị; có chính sách đối với nghệ nhân và những người có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, phát huy di sản; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện để làm tốt công tác bảo tồn và phát huy di sản cho muôn đời sau.
Quang Sáng
Theo baohatinh.vn