Quang cảnh buổi tọa đàm.
Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương lớn của Đảng, nhà nước, đang được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương triển khai thực hiện. Kết quả xây dựng NTM đang từng bước làm thay đổi toàn diện đời sống xã hội trên địa bàn nông thôn, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức sống, chất lượng cuộc sống giữa nhân dân vùng nông thôn với thành thị. Phong trào xây dựng NTM đã được triển khai rộng khắp đến từng cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Sau gần 7 năm thực hiện, phong trào xây dựng NTM đã có những kết quả tích cực. Hiện cả nước có 3.420 xã (38,32%) được công nhận đạt chuẩn NTM. Có 53 đơn vị cấp huyện thuộc 27 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Riêng đối với 10 tỉnh miền Trung, hiện có 810 xã đạt chuẩn NTM; 8 huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Trong những năm qua, công tác giám sát xây dựng NTM được các tỉnh triển khai có hiệu quả. Trên cơ sở QĐ 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, căn cứ các nội dung về giám sát xây dựng NTM, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, MTTQ các cấp đã xây dựng kế hoạch và lựa chọn nội dung giám sát phù hợp yêu cầu của từng địa phương.
Nội dung giám sát tập trung thực hiện các tiêu chí về môi trường, quy hoạch cơ sở hạ tầng, kết quả thực hiện các tiêu chí về nhà ở, phát triển ngành nghề, làng nghề, cơ sở y tế, trường học, an ninh trật tự…Nhiều địa phương tổ chức giám sát các dự án, nguồn vốn xây dựng NTM, nhất là những dự án, công trình phúc lợi do nhà nước đầu tư.
Ở cấp cơ sở, việc giám sát được thực hiện thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, vận động nhân dân giám sát, tham gia đóng góp ý kiến vào việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn, quy hoạch sử dụng đất đai trong xây dựng NTM…
Tuy nhiên, qua việc thực hiện nhiệm vụ, MTTQ và các tổ chức thành viên ở một số nơi chưa thể hiện được hết vai trò, trách nhiệm trong tham gia xây dựng NTM. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM chậm được đổi mới và chưa được làm thường xuyên, tính chủ động, sự sáng tạo trong triển khai thực hiện còn hạn chế.
Vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên trong việc giám sát, phản biện chưa nổi bật nhất là việc giám sát thực hiện các chính sách, pháp luật của nhà nước về xây dựng NTM. Việc tham gia phản biện dự thảo các văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch chương trình, dự án về NTM liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân hiệu quả chưa cao.
Việc triển khai thực hiện đánh giá sự hài lòng của người đối với kết quả xây dựng NTM ở một số địa phương vẫn còn lúng túng, chưa có sự thống nhất trong việc chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện. Kết quả đánh giá ở một số nơi chưa phản ánh chính xác mức độ hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM của địa phương.
Đối với phong trào “Đoàn kết sáng tạo”, 1 năm sau khi Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động đến nay đã có 30/63 tỉnh, thành phố và bộ, ngành đã xây dựng kế hoạch và tổ chức hội nghị phát động, triển khai phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo” với các phong trào thi đua yêu nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn: “Mặt trận và các tổ chức thành viên đóng vai trò rất quan trọng trong phong trào xây dựng NTM”.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn nhấn mạnh: Có được những thành quả trong phong trào xây dựng NTM, có vai trò rất quan trọng của MTTQ và các tổ chức thành viên. Điều đó thể hiện trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia hiến đất, hiến cây, ngày công; triển khai đánh giá sự hài lòng của người dân, thực hiện vai trò giám sát, phản biển, nhất là các dự án và các chính sách của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thông qua kết quả giám sát của MTTQ và các tổ chức thành viên, tỉnh và HĐND tỉnh đã điều chỉnh nhiều chính sách phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tọa đàm nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu. Theo Trưởng ban Phong trào Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam Lê Thị Như Thủy, để đảm bảo khách quan, thực chất lấy ý kiến sự hài lòng của nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp huyện phải chủ trì việc tổ chức lất ý kiến người dân đối với kết quả xây dựng NTM ở cấp xã. MTTQ tỉnh chủ trì tổ chức thực hiện đối với cấp huyện đạt chuẩn NTM và thành phố, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
“Đề nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam quan tâm cho ý kiến bằng văn bản về phạm vi lấy ý kiến nhân dân các xã hay cấp xã để MTTQ cấp tỉnh thuận lợi trong việc triển khai thực hiện đối với cấp huyện đạt chuẩn NTM và thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM”, bà Lê Thị Như Thủy nhấn mạnh.
Chủ tịch MTTQ xã Sơn Thành (Yên Thành, Nghệ An) rút ra kinh nghiệm cốt lõi trong xây dựng NTM là cần chọn bước đi tích cực cho từng thời kỳ. Sở dĩ Sơn Thành đạt chuẩn NTM là do xã đã bám sát thực tiễn, đưa ra các chủ trương sát đúng, hợp lòng dân. Chọn đúng khâu đột phá là 2 Đ – “Đi lên từ đường, vươn ra từ đồng”.
Buổi tọa đàm nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu đến từ 10 tỉnh miền Trung.
Ông Phan Hữu Đức, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Thuận kiến nghị: “Đối với những địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, cơ sở hạ tầng còn rất yếu kém, thu nhập thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, kiến nghị Trung ương xem xét và hướng dẫn lại một số tiêu chú xây dựng NTM đối với từng vùng cho phù hợp, đồng thời ưu tiên tăng cường nguồn vốn đầu tư để các xã khó khăn có điều kiện triển khai xây dựng NTM”.
Kết luận tọa đàm, Trưởng ban phong trào UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Văn Sinh nhấn mạnh: Đối với phong trào “Đoàn kết sáng tạo”, trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Trung ương, đề nghị các tỉnh triển khai phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương để có cách làm, cách vận dụng linh hoạt, hiệu quả. Còn phong trào xây dựng NTM, Mặt trận tham gia thực hiện thông qua thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” và giám sát, phản biện. Những nội dung được bàn thảo tại tọa đàm sẽ là hành trang để cán bộ Mặt trận tiếp tục đảm đương vai trò của mình trong thời kỳ mới.
Theo Hạnh Nguyên/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã