Khu liên hợp gang thép hạt nhân ngành luyện kim
Điều kiện cần, đủ và tiên quyết để công nghiệp luyện kim “đứng chân” vững vàng tại Hà Tĩnh đó là nguồn nguyên liệu đa dạng với trữ lượng tương đối lớn. Trong bối cảnh nhiều mỏ khoáng sản khác đang dần cạn kiệt thì mỏ quặng sắt với trữ lượng “khủng” nhất Đông Nam Á (khoảng 544 triệu tấn) chưa được khai thác là lợi thế nhất định trong phát triển luyện kim. Bên cạnh đó, hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp này từ trung ương đến địa phương đã phần nào tháo gỡ khó khăn, góp phần tìm kiếm, lựa chọn những nhà đầu tư thích hợp để sớm thực hiện việc khai thác và sản xuất theo lộ trình. Và, để hiện thực hóa, “khai thác hóa” những tiềm năng, lợi thế sẵn có đó, thời gian qua, Hà Tĩnh đã thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực hấp dẫn này.
Đại công trường Formosa nhìn từ trên cao |
Dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương do Tập đoàn FORMOSA đầu tư xây dựng là “hạt nhân” của công nghiệp luyện kim Hà Tĩnh. Điều đó đã được khẳng định khi dự án được ứng dụng kỹ thuật và các thiết bị tiên tiến trên thế giới về luyện gang, luyện và cán thép; đồng thời, áp dụng các giải pháp kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường tốt nhất trong quá trình khai thác. Với công suất 22 triệu tấn thép/năm, Hà Tĩnh sẽ có nhà máy thép với dây chuyền sản xuất khép kín lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Ông Thái Chí Pháp - Trưởng Đại diện Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp FORMOSA thông tin: “Đến nay, các hạng mục xây dựng Nhà máy Gang thép FORMOSA cơ bản đảm bảo tiến độ. Đến nay, lò cao số 1 đạt khoảng 93% tiến độ, dự kiến hoàn thành, cho sản phẩm thép đầu tiên vào quý IV/2015; lò cao số 2 đạt 66,5% kế hoạch, dự kiến hoàn thành trong quý IV/2016; các khu phụ trợ khác đạt tiến độ đề ra. Như vậy, công ty bắt đầu sản xuất và tiêu thụ vào đầu năm sau sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành nước có nhà máy sản xuất phôi thép đầu tiên của Đông Nam Á, đóng góp vào sự phát triển của Hà Tĩnh nói riêng và Việt Nam nói chung”. Ngoài ra, dự án Nhà máy Luyện thép Sông Quyền của Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê với công suất giai đoạn 1 là 1 triệu tấn/năm, giai đoạn 2 là 2 triệu tấn/năm đang được gấp rút triển khai.
Hệ thống lò cao của Nhà máy Gang thép Formosa. |
Bên cạnh “hạt nhân” khu liên hợp gang thép, các “vệ tinh” của công nghiệp luyện kim đang được đầu tư khai thác. Các nhà máy chế biến tinh quặng sắt, nhà máy tuyển tinh và luyện thiếc thỏi loại 1, nhà máy sản xuất zircon siêu mịn… đang ngày càng khẳng định vai trò trong sự phát triển chung của công nghiệp luyện kim Hà Tĩnh. Đại diện Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh cho biết: “Nhà máy sản xuất zircon siêu mịn được triển khai với hệ thống thiết bị, dây chuyền đồng bộ từ Tây Ban Nha, công suất 10.000 tấn/năm. Thời gian tới, Tổng Công ty sẽ tiến hành sản xuất, nâng cao giá trị các dòng sản phẩm bột zircon 65% ZrO2; 05 µm, 10 µm, 45 µm, 74 µm. Hiện nay, sản phẩm zircon siêu mịn Mitraco Hà Tĩnh có thương hiệu trên thế giới với chất lượng sánh ngang các nước có nền công nghiệp mỏ tiên tiến như Úc, Nga…”.
Công nghiệp điện thành công hiện hữu
Ở địa bàn tập trung khá nhiều dự án lớn, đặc biệt là các dự án có mức tiêu thụ điện năng cao, đòi hỏi nguồn cấp điện lớn và ổn định thì phương án hợp lý là cấp điện tại chỗ. Ngoài ra, với thế mạnh về hệ thống cảng biển, cảng nước sâu, rất thuận lợi cho việc vận chuyển than phục vụ các dự án nhiệt điện trên địa bàn nên công nghiệp điện năng đang khẳng định ưu thế với hàng loạt nhà máy nhiệt điện đang được tiến hành đầu tư.
Phòng vận hành của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1. |
Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I (diện tích 135,55 ha), tại xã Kỳ Lợi (Kỳ Anh) có tổng mức đầu tư khoảng 1,65 tỷ USD (trong đó, phần xây dựng lên đến trên 1,2 tỷ USD). Sau thời gian nỗ lực thi công, đến nay, đã hoàn thành tổng khối lượng công việc của dự án; 2 tổ máy đã hòa lưới điện quốc gia và tiến hành phát điện thương mại. Với 2 tổ máy có tổng công suất 1.200 MW, Nhiệt điện Vũng Áng 1 phát điện, cung cấp 7,2 tỷ kWh/năm cho thị trường điện năng quốc gia, giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động (trong đó, khoảng 65% là người Hà Tĩnh), góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 với công suất 1.200 MW, gồm 2 tổ máy (660 MWx2) cũng đang được gấp rút triển khai. Theo báo cáo của chủ đầu tư (Công ty CP Nhiệt điện Vũng Áng 2/VAPCO), hiện, VAPCO đang gấp rút hoàn thành những thủ tục cuối cùng để khởi công nhà máy, dự kiến, khoảng tháng 8/2015. Tập đoàn Samsung C&T (Hàn Quốc) sau quá trình thăm dò, xúc tiến đầu tư đã ký kết văn bản ghi nhớ và đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 3.1 và 3.2 với quy mô 4 tổ máy, công suất 2.400 MW.
Tiếp nối chuỗi các dự án sản xuất nhiệt điện hiện nay là 10 tổ máy với công suất hơn 1.500 MW của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp FORMOSA Hà Tĩnh. Ngoài cung cấp điện cho dự án, phần còn lại được hòa vào lưới điện quốc gia. Hiện nay, 1 tổ máy đã vận hành chạy thử, sau đó, cứ 3 tháng, công ty tiếp tục đưa vào hoạt động các tổ máy tiếp theo.
Công nhân thi công các dự án tại KKT Vũng Áng |
“Tương lai không xa, khi tất cả các nhà máy nhiệt điện đi vào hoạt động với công suất 6.300 MW, sản lượng điện hàng năm ước tính 30 tỷ kWh sẽ tạo nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh nhà. Đặc biệt, theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, tổng công suất phát điện tại Trung tâm Nhiệt điện Vũng Áng chiếm khoảng 8,6% công suất phát điện, 13,33% công suất các nhà máy nhiệt điện của cả nước. Đây thực sự là con số đáng tự hào về ngành công nghiệp điện năng của tỉnh nhà” - Giám đốc Sở Công thương Trần Nhật Tân cho biết.
Phát triển nhiệt điện là mũi nhọn của công nghiệp điện năng nhưng thủy điện vẫn đang được đầu tư bởi các dự án nhỏ tại các địa bàn trọng yếu. Các dự án thủy điện Hương Sơn; Hố Hô… đã và đang mang lại kết quả thiết thực: Nhà máy Thủy điện Hương Sơn 1 đầu tư 833,091 tỷ đồng trên diện tích 166,21 ha, tổng công suất lắp máy 33 MW, sau 4 năm vận hành, bình quân hàng năm sản lượng điện đạt 103 triệu kWh, doanh thu bán điện 105,15 tỷ đồng, nộp ngân sách 19,78 tỷ đồng; dự án Nhà máy Thủy điện Hố Hô với công suất 14 MW, sau những thăng trầm do ảnh hưởng của bão lũ (nhất là năm 2010), đến nay đã phát điện và hòa lưới điện quốc gia…
Năm 2014, giá trị CN-TTCN trên địa bàn đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm; tỷ trọng khu vực CN&XD đạt 41,79% trong cơ cấu GDP; 5 năm gần đây, tốc độ phát triển công nghiệp Hà Tĩnh có mức tăng trưởng gấp 6 lần so bình quân giai đoạn 2005-2010. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã