Cùng dư có đại diện các bộ: KH&CN, TN&MT, Công thương, Tài chính, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) và các chuyên gia trên lĩnh vực mỏ - địa chất – luyện kim. Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Đặng Quốc Vinh, Dương Tất Thắng cùng lãnh đạo một số sở ngành, địa phương liên quan tiếp và làm việc với đoàn.
Tại buổi làm việc, thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng nêu một số nội dung mà tỉnh Hà Tĩnh còn băn khoăn, cần thảo luận, làm rõ như: kỹ thuật, công nghệ, thiết bị khai thác; phương án vận tải, tiêu thụ quặng sắt; năng lực tài chính của các nhà đầu tư, hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, tỉnh Hà Tĩnh quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường (tụt nước ngầm, xâm nhập mặn, xử lý chất thải, đổ thải lấn biển…) và các tác động về mặt xã hội khi dự án triển khai.
Theo lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, nếu dự án tiếp tục triển khai, về lợi ích trước mắt là tăng thu ngân sách từ các nguồn thu thuế, phí; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, tái định cư, tạo việc làm, thu nhập cho lao động địa phương… Tuy nhiên, về lâu dài, dự án sẽ có những tác động, có thể phát sinh các hệ lụy nghiêm trọng.
“Quy mô và phạm vi dự án rất lớn, nên vấn đề ô nhiễm môi trường, sa mạc hóa, bão cát, sụt giảm nguồn nước ngầm, moong mỏ tạo thành hồ lớn sâu -550m nằm ngay bờ biển và thành phố Hà Tĩnh… có thể gây ra những hậu quả khó lường”, - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng quan ngại.
Ngoài ra, dự án đi vào khai thác sẽ mất cả khu du lịch Thạch Hải, tiềm ẩn rủi ro lớn đến cả dải du lịch ven biển Hà Tĩnh. Về mặt xã hội, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, ổn định đời sống nhân dân, phát triển đô thị của khu vực Thạch Hà, Cẩm Xuyên, TP. Hà Tĩnh.
Với quy mô, phạm vi ảnh hưởng rất lớn của mỏ sắt Thạch Khê, tính chất phức tạp khi khai thác (nằm sát biển, trong khu vực khu dân cư), yêu cầu cao về công nghệ luyện quặng, khai thác gắn với chế biến, đòi hỏi phải hết sức thận trọng, kỹ lưỡng khi lựa chọn nhà đầu tư; cần phải có nhà đầu tư mạnh, có đầy đủ năng lực về quản lý, kỹ thuật và tài chính.
Trên cơ sở đánh giá nghiêm túc, cân nhắc về nhiều mặt, xét thấy lợi ích lâu dài là cơ bản, xuyên suốt, còn lợi ích trước mắt chỉ là tạm thời, Hà Tĩnh đề nghị xem xét dừng dự án, khi nào có đủ điều kiện mới thực hiện.
PGS-TS Hồ Sỹ Giao: Với kinh nghiệm trong nghành thiết kế, khai thác mỏ, tôi cho rằng Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê có thể yên tâm về mặt công nghệ.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức: Các giải pháp môi trường đã được xem xét, đánh giá kỹ tại DTM, tuy nhiên cần cập nhật, bổ sung một số nội dung thay đổi phù hợp với quy định mới và cập nhật tình hình hiện nay.
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn TKV Nguyễn Anh Tuấn: Hiện nay, các cổ đông đã góp 1.809 tỷ đồng, còn thiếu 224 tỷ đồng để đạt 2.033 tỷ (bằng 30% vốn đối ứng). TKV đã có văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị được góp vốn thay (số còn thiếu 224 tỷ đồng) cho 3 cổ đông đến nay không đủ vốn theo quy định.
Giả đáp những băn khoăn của lãnh đạo Hà Tĩnh, đại diện các bộ ngành, nhà khoa học và chủ đầu tư (TKV và TIC) cho rằng, việc triển khai dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê có thể đảm bảo tính khả thi. Việc lựa chọn giải pháp kỹ thuật, công nghệ và thiết bị khai thác mỏ đã được Hội đồng thẩm định Bộ Công thương thẩm định kỹ lưỡng, đủ độ tin cậy để tiếp tục triển khai đầu tư dự án.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị, một số nội dung của đánh giá tác động môi trường (DTM), phương án vận chuyển quặng, cam kết về vốn… cần được tính toán, khảo sát, đánh giá kỹ hơn để bổ sung hoàn thiện dự án.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y: Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê là dự án trọng điểm cấp quốc gia, ảnh hưởng lớn đến KT-XH, môi trường của Hà Tĩnh. Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là của Thủ tướng Chính phủ, do đó, khi dự án có đủ điều kiện thực hiện thì cần báo cáo, xin ý kiến thông qua HĐND tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn bày tỏ những trăn trở khi hàng nghìn người dân của 6 xã vùng bị ảnh hưởng từ dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đã phải gánh chịu những hệ lụy khó khăn trong gần 9 năm qua.
“Đây là bài học sâu sắc cần nghiêm túc nhìn nhận. Việc tiếp tục khai thác hay dừng cần cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện, gắn phát triển KT-XH với môi trường bền vững”, – Bí thư Tỉnh ủy nói.
Bí thư Tỉnh ủy cũng bày tỏ một số băn khoăn như: Tại sao TIC không xây dựng nhà máy luyện thép tại Hà Tĩnh? Việc xây dựng nhà máy nước Thạch Trị công suất 2 triệu m3 ngày, đêm có khả thi? Xây dựng cảng (sau khi đổ thải) ở vùng bãi ngang liệu có khả thi?
“Với quy mô, phạm vi ảnh hưởng rất lớn của mỏ sắt Thạch khê, tính chất phức tạp khi khai thác, chủ đầu tư cần trả lời thỏa đáng tính khả thi của dự án từ thiết kế kỹ thuật, công nghệ khai thác, khả năng thu xếp vốn đến hiệu quả kinh tế dự án”, – Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu.
Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & đầu tư Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ, ghi nhận những băn khoăn, ý kiến đề xuất, tổng hợp các ý kiến của địa phương và đại diện các bộ, ngành, chủ đầu tư để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo Thanh Hoài/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã