Nghị quyết 26/NQ-HĐND - bước khởi động
Sắp xếp, kiện toàn bộ máy các cơ quan, đơn vị nhiều năm nay là đòi hỏi từ thực tế. Bởi vậy, ngày 16/12/2011, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-HĐND phê duyệt đề án sắp xếp, kiện toàn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, ban quản lý dự án và tổ chức hội (gọi tắt là Đề án 26). Đây được xem là cơ sở thực hiện Kết luận 05-KL/TU trên diện rộng hơn, sâu sắc hơn.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nói chuyện với các hộ dân xã Vĩnh Lộc trong chuyến kiểm tra xây dựng NTM ở Can Lộc
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng phòng Tổ chức, biên chế và tổ chức phi Chính phủ (Sở Nội vụ Hà Tĩnh) cho hay: Theo tinh thần Nghị quyết 26, tổng số tổ chức, đơn vị được giảm thời gian qua là 186; trong đó, một số mô hình sáp nhập đáng chú ý như: Chi cục Kiểm lâm đã sáp nhập về Chi cục Lâm nghiệp; sáp nhập Thư viện thành phố vào Trung tâm VH-TT&DL; giảm 6 phòng chuyên môn; giảm 144 đơn vị sự nghiệp, trong đó sự nghiệp giáo dục giảm 99 trường; giảm 40 ban quản lý dự án thuộc Sở NN&PTNT (11 ban) và UBND cấp huyện (29 ban). Đề án 26 còn tiến hành chuyển hoạt động 6 đơn vị sự nghiệp thuộc 5 sở, ngành sang tự trang trải kinh phí; 10 đơn vị tự chủ một phần.
“Từ việc sắp xếp, kiện toàn các cơ quan, đơn vị, số biên chế đã giảm 323, trong đó, Sở NN&PTNT giảm nhiều nhất với 76 biên chế; tiết kiệm chi ngân sách để trả lương và phụ cấp hàng năm gần 27,5 tỷ đồng” -ông Hùng cho biết.
Sáp nhập xã - đòi hỏi lộ trình
Đề án 26 mang lại nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chuyên môn và UBND tỉnh, một số nội dung vẫn triển khai chậm; một số nhiệm vụ được giao chưa thực hiện; một số đơn vị sự nghiệp có khả năng tự chủ hoạt động nhưng chưa triển khai. Hiện nay, các sở, ngành, địa phương đang tập trung rà soát để xây dựng đề án thực hiện Kết luận 05-KL/TU của BTV Tỉnh ủy với quyết tâm cao hơn, hướng tới giảm đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát công tác cải cách hành chính ở phường Thạch Linh - TP Hà Tĩnh
Tại Hương Sơn, theo Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hà Thị Huyền: “Thường trực Huyện ủy đang chỉ đạo các xã rà soát, kiện toàn các tổ chức. Đối với xã dưới 3.000 dân, huyện có 14 xã, nhưng đang xây dựng chủ trương sáp nhập 2 xã dưới 2.000 dân; các xã còn lại sẽ thực hiện theo lộ trình chung toàn tỉnh”.
Sáp nhập xã là việc hệ trọng, liên quan đến tư tưởng cán bộ, nhân dân, cơ sở vật chất nên nhiều địa phương đang bỏ ngỏ. Theo thống kê của các địa phương, toàn tỉnh có 52 xã dưới 3.000 dân, trong đó, xã dưới 1.000 dân có 2 xã (Hương Quang, Hương Điền - Vũ Quang); xã từ 1.000 - 2.500 dân có 31 xã. Số huyện có xã dưới 3.000 dân nhiều là Hương Sơn (14 xã), Đức Thọ, Vũ Quang (9 xã), Thạch Hà (4 xã). Tìm hiểu từ Thường trực Huyện ủy các huyện Can Lộc, Vũ Quang, Thạch Hà, Hương Sơn được biết, việc sáp nhập xã đòi hỏi phải có lộ trình, mặc dầu quy mô các xã dưới 3.000 dân là khá nhỏ.
Bí thư Huyện ủy Can Lộc Nguyễn Như Dũng cho biết: “Chủ trương sáp nhập xã dưới 3.000 dân là hoàn toàn đúng đắn vì như huyện Tuy Phước (Bình Định), đơn vị kết nghĩa với huyện Can Lộc, điều kiện địa lí, dân cư tương đồng huyện nhưng rất nhiều xã trên 10.000 dân. Tuy nhiên, việc sáp nhập hiện rất khó khăn, đòi hỏi phải có lộ trình, phải được sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên, người dân”.
Trong tương quan về quy mô đơn vị hành chính, nhiều thôn trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1.000 dân, nhiều xã trên 5.000 dân, thậm chí xã Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh) có 12.200 dân. Đó là cơ sở để các xã dưới 3.000 dân cần hướng tới việc sáp nhập, giảm đầu mối, giảm cán bộ, công chức dù lộ trình phải lâu dài.
Quyết tâm tinh giản đơn vị sự nghiệp
Tại cuộc làm việc với các sở, ngành, lãnh đạo các huyện mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiến hành khảo sát kỹ lưỡng, bàn bạc cụ thể các phương án sáp nhập, kiện toàn các tổ chức, đơn vị, tạo đồng thuận trong cán bộ, công chức, viên chức và người dân. Theo đề xuất ban đầu từ các sở, ngành, trong những năm tiếp theo, dự kiến giảm 20-25 phòng thuộc các sở; mỗi huyện giảm 2-3 phòng và 3-5 đơn vị sự nghiệp.
Khảo sát kỹ lưỡng, bàn bạc cụ thể các phương án sáp nhập, kiện toàn các tổ chức, đơn vị, tạo đồng thuận trong cán bộ, công chức, viên chức và người dân.
Cũng trong cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế, Sở GD&ĐT phải rà soát thực trạng, chất lượng hoạt động các đơn vị sự nghiệp vì đơn vị sự nghiệp đang chiếm số lượng biên chế lớn. Theo định hướng ban đầu, đối với các đơn vị y tế, lộ trình đến 2020 dự kiến kiện toàn các đơn vị Phòng Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng cấp huyện, Trung tâm Da liễu, Phòng chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng, Trung tâm HIV/AIDS, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh… Đối với đơn vị giáo dục, tiếp tục nghiên cứu việc sáp nhập trường theo mô hình liên trường hoặc liên cấp tùy tình hình thực tế; nghiên cứu việc chuyển y tế trường học về các trạm y tế, nhân viên thư viện kiêm thiết bị và văn thư...
Theo dự thảo về phương hướng, thời gian tới, các đơn vị có chức năng tương đồng như: Phòng Văn hóa và Trung tâm VH-TT&DL, đài TT-TH cấp huyện; phòng NN&PTNT và trung tâm ứng dụng KHKT, bảo vệ cây trồng, vật nuôi; trung tâm DS-KHHGĐ và phòng LĐ-TB&XH… sẽ có giải pháp sắp xếp, kiện toàn theo hướng giảm đầu mối.
Khối lượng công việc như trên quả là không hề nhỏ. Tuy nhiên, như Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đã khẳng định, muốn thực hiện được, đòi hỏi đảng bộ, chính quyền các cấp phải có quyết tâm chính trị lớn, phải hướng tới cái chung vì hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy.
Theo Mạnh Hà/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã