Ông Đặng Ngọc Sơn đi kiểm tra chợ hải sản trên địa bàn.
Ông có thể sơ qua đôi nét về mức thiệt hại do sự cố Formosa gây ra đối với Hà Tĩnh, thưa ông?
Hà Tĩnh là một trong 4 tỉnh miền Trung chịu thiệt hại nặng nề do sự cố môi trường biển vừa qua ở trên tất cả các lĩnh vực, gồm: Khai thác, nuôi trồng, kinh doanh chế biến thuỷ hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá và dịch vụ du lịch, thương mại ven biển. Địa bàn bị ảnh hưởng rộng, bao gồm khu vực ven biển và ven cửa sông từ huyện Nghi Xuân đến thị xã Kỳ Anh.
Hiện, tỉnh đang khẩn trương, tích cực rà soát đối tượng, kê khai và xác định thiệt hại, triển khai quyết liệt tại thôn, xóm và cấp xã. Đến khoảng giữa tháng 9 này, tỉnh mới có số liệu cơ bản về tình hình thiệt hại để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương.
Thế còn cuộc sống của ngư dân, tình hình sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp thủy sản bị ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?
Hà Tĩnh có trên 5.500 tàu cá khai thác thuỷ - hải sản và trên 2.700ha nuôi trồng thủy sản mặn, lợ. Sự cố môi trường làm cho nguồn lợi thủy, hải sản, đặc biệt nguồn lợi vùng lộng và ven bờ, bị ảnh hưởng, hải sản mất giá, khó tiêu thụ; nuôi trồng thuỷ sản dịch bệnh phát sinh so với cùng kỳ các năm trước do hạn chế việc cấp, thay nước hoặc cấp phải nguồn nước không đảm bảo, nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm, thu nhập của gần 20.000 lao động trực tiếp với khoảng 58.000 nhân khẩu phụ thuộc.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tiêu thụ, nhà máy chế biến hải sản phải tạm ngừng sản xuất hoặc sản xuất với công suất thấp để duy trì, giữ chân công nhân. Nếu tình trạng thiếu nguyên liệu kéo dài, nguy cơ phải đóng cửa nhà máy là rất lớn. Đối với khách hàng quốc tế, nhiều khách hàng đã hủy hợp đồng không mua thủy sản với các doanh nghiệp có nhà máy, cơ sở chế biến trong vùng bị ảnh hưởng. Đối với thị trường nội địa, người dân đã hết sức lo lắng về an toàn thực phẩm đối với hải sản khai thác trong vùng bị ảnh hưởng nên không mua sử dụng. Nhiều mặt hàng phải bảo quản lâu ngày ở các kho đông lạnh.
Để hỗ trợ ngư dân và doanh nghiệp bị thiệt hại nói trên, Hà Tĩnh đã có những giải pháp gì, thưa ông?
UBND tỉnh Hà Tĩnh đã khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ của Trung ương, đồng thời chủ động ban hành các chính sách của tỉnh để hỗ trợ ổn định đời sống, khôi phục sản xuất cho bà con ngư dân như các quyết định số 1037, 1038, 1118, 1121, 1441, 1692, 1822 hỗ trợ về lãi suất vay vốn, tiền điện, thành lập các điểm tiêu thụ hải sản an toàn, bảo hiểm y tế, chuyển đổi nghề, chính sách khai thác hải sản, hậu cần nghề cá… Các chính sách bước đầu đã tháo gỡ một phần khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất và kinh doanh thuỷ sản trên địa bàn.
Nhìn chung, đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất chưa hoàn toàn được khôi phục, nhiều người phải chuyển từ nghề truyền thống sang các công việc khác để duy trì sinh kế. Tuy nhiên, chúng tôi đang cố gắng hết sức để khắc phục hậu quả do Formosa để lại.
Về bồi thường của Formosa đối với thiệt hại của ngư dân, đến thời điểm này, Hà Tĩnh đã thực hiện đến đâu, cách làm như thế nào để vừa minh bạch, vừa công bằng, thưa ông?
Nhận thức được ngay từ đầu việc bồi thường thiệt hại nói chung và công tác kê khai, xác định thiệt hại nói riêng là việc làm hết sức khó khăn nên ngay từ đầu, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần hết sức khẩn trương, trách nhiệm cao nhất. Đến nay, trên 300 thôn, xóm thuộc địa bàn của 67 xã/phường/thị trấn bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường đang tiến hành các bước cuối cùng của kê khai, xác nhận cho các đối tượng bị thiệt hại, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
Để công tác bồi thường thiệt hại cho ngư dân được công khai, minh bạch và không có những sai sót, việc tổ chức thực hiện phải được tuyên truyền, hướng dẫn kỹ càng, sâu rộng từ cấp huyện, xã đến thôn/xóm, người dân, các tổ chức, cá nhân thiệt hại; đội ngũ cán bộ tham gia công tác bồi thường và chỉ đạo công tác bồi thường phải có tinh thần trách nhiệm cao nhất với người dân là những người chịu nhiều thiệt hại do sự cố môi trường trong thời gian qua để nỗ lực hoàn thành công việc được giao. Các cấp chính quyền cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kiểm tra, giám sát, thực hiện toàn diện việc kê khai, đánh giá thiệt hại; xác định đối tượng đảm bảo dân chủ, khách quan, chính xác, đúng đối tượng, số lượng thiệt hại, không để tình trạng lợi dụng, lạm dụng, tiêu cực xảy ra.
Theo ông, sau những chủ trương ,chính sách của Đảng, Nhà nước đối với ngư dân và khoản tiền bồi thường của Formosa như thế, ngư dân cũng như các doanh nghiệp cảm nhận ra sao?
Trước khi có kết quả điều tra kết luận thủ phạm gây ra sự cố môi trường, các chính sách của Đảng, Nhà nước đã thể hiện sự quan tâm, sâu sát, kịp thời chia sẻ những khó khăn của người dân thông qua các chính sách hỗ trợ.
Sau nhiều nỗ lực, Chính phủ đã công bố nguyên nhân, trách nhiệm bồi thường của Formosa trong sự cố môi trường ở miền Trung. Đặc biệt, Chính phủ đã có quan điểm nhất quán rõ ràng, đó là phải thật sự coi trọng lợi ích của nhân dân, không thể phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường; đặt yêu cầu về bảo vệ môi trường là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình thẩm định các dự án đầu tư. Người dân cơ bản hài lòng với cách xử lý của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về việc xác định nguyên nhân, thủ phạm gây ra sự cố môi trường vừa qua và yêu cầu bồi thường đối với Formosa cũng như những cam kết của Chính phủ, chính quyền địa phương về việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) trong tương lai đối với tập đoàn này.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Bộ đã hướng dẫn các địa phương kê khai, tính toán thiệt hại để bồi thường, hỗ trợ cho người dân. Bộ cũng tổ chức các đoàn xuống địa phương lắng nghe góp ý từng điều khoản để triển khai xuống cơ sở, hướng dẫn kê khai thiệt hại của từng tổ chức, cá nhân và niêm yết công khai, minh bạch kết quả kê khai. Các tỉnh nhất trí cao với văn bản hướng dẫn của Bộ. Tuy nhiên, do liên quan đến nhiều thủ tục nên các địa phương đã đề nghị lùi thời hạn báo cáo Chính phủ. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Tài chính, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã đồng ý lùi thời hạn báo cáo đến ngày 15/9, giao Bộ Tài chính tổng hợp toàn bộ kiến nghị bồi thường thiệt hại của các địa phương để cuối tháng 9/2016, Thủ tướng sẽ ký quyết định công bố việc bồi thường cho từng địa phương. Việc triển khai bồi thường, hỗ trợ người dân, tổ chức sẽ tiến hành sau đó. Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng cho hay, còn rất nhiều thủ tục liên quan đến việc tính toán đơn giá, thống kê, tính định mức của từng địa phương, tham mưu cho Chính phủ có định mức chung cho 4 tỉnh… Đây là quy trình bắt buộc và nhiều thủ tục phức tạp, không lường hết được nên vấn đề quan trọng không phải nhanh hay chậm mà phải đảm bảo những tổ chức, cá nhân, đặc biệt là những tổ chức, cá nhân bị thiệt hại trực tiếp do môi trường biển phải được kê khai, xác định không sót đối tượng nào, những thiệt hại đều phải được bồi thường, hỗ trợ đúng theo quy định và đảm bảo công khai, minh bạch. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã