Vườn mẫu ở Hà Tĩnh vừa là trụ cột kinh tế vừa làm đẹp cho những miền quê.
Từ mệnh lệnh của cuộc sống
“Châm ngòi” cho phong trào xây dựng vườn mẫu là những khu vườn được đầu tư, xây dựng một cách bài bản, khoa học tại các thôn: Nam Trà, xã Hương Trà (Hương Khê); Tân An, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên); Hà Thanh, xã Tượng Sơn (Thạch Hà)... Sau hơn 1 năm triển khai cho thấy có nhiều khu dân cư được chỉnh trang, nhiều vườn hộ được cải tạo, phát triển mang lại hiệu quả kinh tế khá rõ nét, có sức lan tỏa nhanh.
Quá trình triển khai xây dựng vườn mẫu đã làm chuyển biến nhận thức, ý thức của người nông dân tại các địa phương về phát triển kinh tế, chỉnh trang nhà ở, xây dựng hàng rào xanh, bảo vệ môi trường. Từ đó, tăng thêm mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư và huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong xây dựng NTM; làm mẫu cả trong tổ chức thực hiện, phương pháp, cách làm trong xây dựng NTM.
Đồng thời, tạo ra diện mạo mới khá rõ nét trong các khu dân cư về kinh tế, cảnh quan; thay đổi tập quán sản xuất của người dân từ tự cung, tự cấp sang tư duy sản xuất hàng hóa, kết nối với thị trường… Đến nay toàn tỉnh Hà Tĩnh có 6.500 vườn xây dựng vườn mẫu, trong đó 1.300 vườn đạt chuẩn, khoảng trên 300 vườn cơ bản đạt chuẩn theo 5 tiêu chí.
Lan tỏa ra toàn quốc
Từ những kết quả đạt được, Hà Tĩnh quyết định thực hiện bài bản, khoa học, xây dựng hẳn một bộ tiêu chuẩn gồm 5 tiêu chí đối với vườn mẫu. Người dân nhiệt tình hưởng ứng, phong trào xây dựng vườn mẫu thổi luồng gió mới khiến bà con tự nguyện tham gia, giúp họ gặt hái được nhiều thành công trong việc phát triển kinh tế - xã hội và được nhân rộng trên toàn quốc.
Vườn mẫu của gia đình bà Phan Thị Lộc (thôn Hồng Lĩnh, xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc) là một ví dụ điển hình. Sau khi được xã cho đi tham quan học tập mô hình tại các địa phương cùng với sự tiếp sức từ chính sách hỗ trợ của tỉnh, gia đình bà Lộc đã bắt tay vào cải tạo, quy hoạch khu vườn trên 3.500m2, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm cho các loại cây rau, củ quả, tưới nhỏ giọt đối với cây ăn quả, xây dựng mương thoát nước nội vườn, làm giàn che nắng cho các loại cây giống ... để mùa nào cây trái cũng sum sê. Đặc biệt trên diện tích hơn 200m2 bà làm nhà lưới để sản xuất giống rau (xu hào, bắp cải, mướp…), bởi loại rau này dễ trồng, dễ chăm sóc, thời gian quay vòng nhanh, dễ tiêu thụ.
Có những thời điểm, mỗi ngày vườn mẫu mang về cho gia đình bà Lộc nguồn thu nhập 500-600 ngàn đồng. Từ những mô hình như của gia đình bà Lộc đã góp phần quan trọng khiến cho việc xây dựng vườn mẫu lan toả sang hàng chục hộ khác thôn Hồng Lĩnh và các hộ trên địa bàn xã Vượng Lộc.
Chị Nguyễn Thị Thuận (thôn Yên Mỹ, xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Xuyên) cũng chia sẻ: Để xây dựng được vườn mẫu, ngoài quyết tâm của từng hộ, cần sự vào cuộc tích cực của cấp uỷ, chính quyền trong phá bỏ vườn tạp, định hướng các loại cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.
Cùng với sự giúp đỡ của các ngành, gia đình chị Thuận còn được hỗ trợ 20 triệu đồng đầu tư hệ thống mương thoát nước nội vườn, hệ thống tưới, cây giống, đặc biệt là hướng dẫn sử dụng các chế phẩm sinh học đảm bảo sản phẩm khi đưa ra thị trường là sản phẩm sạch, an toàn. Trên khu vườn gần 2.000m2 chị Thuận đã dành 1.500m2 để trồng sản phẩm chủ lực cam Cẩm Yên, diện tích còn chị trồng rau màu các loại. Chỉ trong hơn 2 năm vườn mẫu của gia đình chị Thuận đã cho thu nhập đạt trên 80 triệu đồng/năm.
Hiệu quả kinh tế vườn hộ ngày càng được nâng cao, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người dân. Theo số liệu khảo sát bước đầu tại các khu vườn mẫu, thu nhập bình quân/vườn đạt 51,4 triệu đồng (27,2 triệu đồng/1.000m2, tăng gấp 4 lần so với trồng lúa). Nhiều vườn cho hiệu quả kinh tế cao, đạt trên 300 triệu đồng/vườn, thu nhập trên đơn vị diện tích đất vườn đạt hơn 60 triệu đồng/1.000m2.
Mới đây, trong kết luận tại hội nghị Văn phòng điều phối NTM các cấp năm 2017, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Vườn mẫu là một trong 3 nội dung quan trọng nhất toàn quốc cần tập trung trong thời gian tới (cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu và mỗi làng mỗi sản phẩn OCOP)”.
Theo: Hạnh Nguyên - Ngô Thắng/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã