Từ khi luồng lạch được khơi thông, cảng cá Cửa Sót trở nên nhộn nhịp khác thường. Những con tàu công suất lớn trong và ngoài tỉnh ra vào cảng trong niềm hân hoan của bà con ngư dân. Cũng từ đây, những sản phẩm có giá trị từ biển bắt đầu đến được nhiều với cảng, người dân Thạch Kim lại có cơ hội làm giàu từ nghề thu mua, chế biến hải sản.
Ông Trần Văn Bình - chủ cặp tàu trên 500 CV ở Bình Định vừa cập cảng cho biết: “Sau hơn 1 tuần khai thác hải sản ở vùng khơi, chúng tôi đã thu được nhiều loại hải sản có giá trị, đang định xuất hàng ở cảng cá Cửa Hội (Nghệ An) nhưng nghe tin cảng cá Cửa Sót đã khơi thông nên quyết định vào đây. Thật phấn khởi, tàu cập bến khá dễ dàng, đặc biệt là hải sản nhanh chóng bán hết trong ngày...”.
Luồng lạch được nạo vét, Cảng cá Cửa Sót "tiếp đón" những con tàu công suất lớn cập bến. |
Hình ảnh nhộn nhịp, sôi động này không dễ gì bắt gặp ở cảng cá Cửa Sót, bởi từ lâu luồng lạch bị bồi lắng, tàu thuyền cỡ lớn không thể cập cảng, dịch vụ hậu cần nghề cá ở đây hoạt động cầm chừng, đời sống bà con trở nên khó khăn.
Ông Bùi Tuấn Sơn - Giám đốc BQL các cảng cá Hà Tĩnh cho biết: Cảng cá Cửa Sót đi vào hoạt động khá lâu nhưng do bồi lắng nên tàu thuyền vào ra phải phụ thuộc hoàn toàn vào triều cường. Luồng lạch bị bồi lắng gây thiệt hại lớn về kinh tế cho bà con ngư dân. Để đưa được sản phẩm vào bán thì tàu thuyền phải đậu ngoài xa rồi mới “tăng bo” hàng vào cảng, mất thêm chi phí vận chuyển, đồng thời, giảm giá trị sản phẩm... Cùng với đó, dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển èo uột, dường như bị tê liệt. Đã có những cơ sở làm ăn thua lỗ phải giải thể...
BQL Cảng cá Cửa Sót hết sức trăn trở, làm thế nào để tàu thuyền cập cảng thuận lợi, an toàn, góp phần phát triển KT-XH địa phương. Trước hết là phải nạo vét khơi thông luồng lạch, nhưng muốn làm được phải có vốn. Trong “cái khó, ló cái khôn”, BQL Cảng cá Cửa Sót đã nghĩ đến giải pháp “xã hội hóa đầu tư”. Ngay sau đó, BQL phối hợp với HTX Hải Hà mua sắm phương tiện để nạo vét, khơi thông luồng lạch.
Giám đốc HTX Lê Tiến Hải cho hay: “Sau khi BQL đề xuất, chúng tôi thấy đây là vấn đề hết sức cần thiết, giải quyết những bức xúc bấy lâu của bà con ngư dân. Bởi vậy, HTX đã họp bàn, đi đến thống nhất và bỏ ra gần 4 tỷ đồng, đầu tư 3 tàu nạo vét. Ngoài hỗ trợ một phần tiền xăng dầu, BQL còn kêu gọi một số doanh nghiệp chế biến, dịch vụ hậu cần trên địa bàn cùng góp sức để triển khai thực hiện”. Bắt đầu từ năm 2014 đến nay, bình quân mỗi ngày, HTX Hải Hà hút khoảng 400 m3 cát từ trạm Hải Đăng cho đến cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão. Để có kinh phí hoạt động, số cát này được HTX cung cấp cho các địa phương trong huyện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thực hiện chương trình nông thôn mới.
Các tàu lớn cập Cảng Cửa Sót "đổ hàng". |
Sau khi luồng lạch được nạo vét, tàu thuyền vào ra cập cảng dễ dàng, bà con ngư dân Thạch Kim phấn khởi ra khơi, bám biển dài ngày, đời sống dần đổi thay. Những ngày này, hàng trăm tàu thuyền khắp các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Bình, Bình Định... cập Cảng cá Cửa Sót, kéo theo đó là các loại hình dịch vụ ở đây trở nên sôi động. Từ nhà hàng, nhà nghỉ cho đến các dịch vụ hậu cần, cơ sở chế biến đang là nghề mang lại thu nhập cao của người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Công Bảo - Giám đốc Công ty CP Bảo Sơn cho hay: Đơn vị chuyên sản xuất đá lạnh phục vụ bảo quản hải sản trên biển nhưng chưa bao giờ chạy hết công suất do nhu cầu hạn chế. Nhưng từ khi luồng lạch được khơi thông, tàu thuyền khắp nơi đổ về thì nhu cầu về đá lạnh tăng đáng kể. Nhiều lúc chạy hết công suất, tăng ca, tăng kíp nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu. Sắp tới, công ty dự kiến mở rộng sản xuất, mua thêm máy sản xuất đá nhằm đáp ứng thị trường tiêu thụ.
Theo ông Biện Ngọc Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim, luồng lạch được khơi thông, Cảng cá Cửa Sót trở nên sầm uất không chỉ tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế mà để bà con ngư dân yên tâm mạnh dạn vay vốn đầu tư tàu cá công suất lớn theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ... hiện thực hóa giấc mơ vươn khơi.
Chiều muộn, tại bến cảng, những con tàu công suất lớn trong và ngoài tỉnh vẫn đang hối hả tiếp nhiên liệu, chuẩn bị ngư cụ, lương thực, thực phẩm... sẵn sàng cho một chuyến vươn khơi với niềm vui và hy vọng.
Hữu Trung
theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã