Học tập đạo đức HCM

Hưu trí, chí khí ... không hưu

Chủ nhật - 16/09/2012 09:02
“ Ông Phong là một trong những tấm gương sáng của Hà Tĩnh. Trang trại nuôi tôm trên cát của ông là một mô hình kinh tế điển hình cần được lan tỏa, nhân rộng”. Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Thanh Bình – Uỷ viên BCH T.W Đảng – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh về kỹ sư Bùi Tùng Phong và trang trại nuôi tôm của ông ở xã Xuân Đan – Nghi Xuân - Hà Tĩnh trong một lần gặp mặt các cán bộ cao cấp nghỉ hưu trên địa bàn
Một thời trẻ trai

Tháng 5. Đất trời Nghi Xuân chang chang cát, phả nóng hầm hập vào cả bên trong chiếc ô tô 4 chỗ vốn đã mở điều hòa ở mức lạnh nhất. Bỗng anh bạn làm báo ở địa phương đi cùng, nói dật giọng: “Rẽ phải, theo đường Đan- Phổ, nơi nào có trại tôm thì dừng lại, đó là “dinh thự” của ông Phong”.

Quả thật, lâu ngày không gặp nhau, tôi rất háo hức muốn xem ông cựu giám đốc Sở Thủy sản này làm ăn thế nào. Nhất là sau khi được nhiều anh em ở Nghi Xuân báo tin Tùng Phong đang đầu tư vào nuôi tôm ở quê, tôi lại càng muốn ra gặp anh.

Với Bùi Tùng Phong thì không thiếu chuyện để nói. Đời anh là một cuộc hành quân đầy chông gai, lối ngoặt. Dân Tùng Ảnh gốc – làng khoa bảng nổi tiếng cả nước “ Ra đường đụng danh nhân, vào sân vướng tiến sĩ”, gia đình anh thuộc hàng gia giáo, thành đạt. Bố anh giỏi Hán – Nôm, Pháp ngữ, đã từng dịch cuốn  lịch sử Hà Tĩnh bằng tiếng Pháp. Thụ hưởng mạch nguồn thông tuệ của vùng quê, gia tộc, Tùng Phong từ nhỏ đã là một học sinh thông minh. Vào Đại học Nông nghiệp học giỏi, anh được chọn ở lại trường giảng dạy. Mới 7 năm làm giảng viên, tiếng tăm thầy Phong đã vọng về xứ Nghệ. Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh cho cán bộ tổ chức ra tận trường xin anh về góp phần cống hiến cho quê hương. Từ chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện, chẳng mấy năm anh đã được đề bạt lên trưởng phòng rồi phó chủ tịch, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân.  Có trong tay 2 bằng Đại học kinh tế và kỹ thuật, 9 năm chuyên phụ trách mảng nông nghiệp, nhưng Tùng Phong rất lạ, khá am hiểu về văn học – nghệ thuật. Khi làm Chủ tịch huyện, anh  có những ý tưởng quy hoạch về văn hóa rất thuyết phục, như là việc phải có một vườn  hoa, vườn tượng minh họa cho truyện Kiều trong khu lưu niệm Nguyễn Du. Để khi đi trong khu vườn Nguyễn, du khách gặp lại tất cả các loài hoa, các nhân vật đã được Tố Như đưa vào trong truyện Kiều. Anh cũng là một trong những người chủ trương khôi phục lại Ca trù và đưa Ca trù vào trường học, vào các CLB. Nhờ đó cái nôi Ca trù của Nghệ Tĩnh – làng Cổ Đạm, được hồi sinh và Nghi Xuân ngày nay trở thành một địa chỉ Ca trù mạnh, có tiếng của cả nước.  Chính nhà thơ Duy Thảo nói với tôi, những năm 90, anh Phong đã nghĩ được điều lớn lao đó là rất giỏi. Nhưng tội cái là kinh tế chúng ta hồi ấy còn nghèo quá, nên chưa có điều kiện để làm. Thế nhưng, nhờ đó mà tôi có được bài thơ “Cốt cách loài hoa” từ ý tưởng của anh Phong: “…Đọc thơ Nguyễn dọc lối mòn cát ẩm/ Tìm tên hoa trống vắng vườn Người/ Thúy Kiều ơi, nàng hiển linh về đó/ Để sắc màu cứ ám ảnh trong tôi…”.

Tôi biết, Tùng Phong cũng là người ủng hộ mạnh mẽ chủ trương đưa dân Cương Gián đi xuất khẩu lao động và phát huy tác dụng Quỹ Tín dụng xã, giúp bà con có chỗ vay tiền đi xuất khẩu. Những năm làm Chủ tịch huyện, anh đã có con mắt tinh đời khi ủng hộ lãnh đạo xã biến bãi biển Xuân Thành đìu hiu, vắng ngắt sớm trở thành một điểm du lịch hấp đẫn, đầy tiềm năng như hôm nay.

Có lẽ sự “ tài mệnh tương đố” đa đoan của nàng Kiều đã vận vào cuộc đời của Tùng Phong. Đang hăng hái, say sưa với bao dự định làm giàu, làm đẹp cho vùng quê nghèo mà anh hết lòng yêu mến nó, bỗng chốc như nàng Kiều “thoắt gãy cành thiên hương”, anh vấp phải oan trái từ sự đố kị và rẽ sang khúc quanh khác.

Rồi sự cố của “thói sai nha” cũng qua đi, nỗi oan được cởi bỏ, Tùng Phong về tỉnh nhận chức Giám đốc Sở Thủy sản. Người ta bảo không sai, “trong họa có phúc”. Những năm chuyên ngành thủy sản, anh đã tích góp được không ít kinh nghiệm làm ăn từ trong cái nghề đỏng đảnh “được to, lo lớn” này. Bây giờ là lúc anh có điều kiện mang tâm huyết, sự say mê của nghề nghiệp cống hiến cho đời.



Trao đổi kinh nghiệm ngay tại đầm tôm

Dẫu lìa ngó ý…

Cởi áo quan chức về với vợ con được mấy tháng, sau nhiều lần trăn trở, suy nghĩ, Tùng Phong quyết định: Phải bằng kiến thức, sự tích lũy của mình, biến bằng được những bãi cát mênh mông của Nghi Xuân thành tiền, thành bạc. Anh cho rằng, với Nghi Xuân nếu biết đầu tư vào hai mũi chính du lịch và nuôi trồng thủy sản sẽ nhanh chóng cởi bỏ được “cái áo” huyện nghèo.

Tùng Phong chọn Xuân Đan làm bến đỗ để thực hiện ước mơ. Nhờ được Đảng bộ và nhân dân ở đây đồng tình, ủng hộ, bằng công sức và mồ hôi của anh, từ một vùng cồn bãi trống trênh, xưa nay chỉ thấy những mênh mông cát với loi thoi dăm ba cây phi lao còi cọc, nay bỗng “mọc lên” một cánh đồng tôm rộng đến 6 héc ta. Dạo quanh những vuông tôm giữa trưa hè mà thấy no lòng, mát mặt. Gió mơn man ve vuốt mặt hồ. Hàng chục chiếc máy sục ô xi cần mẫn xoay tít, dào nên những đợt sóng xanh trông thật vui mắt. Một mũ cối đội đầu, Tùng Phong bận rộn từ chỗ nọ sang chỗ kia để hướng dẫn 9-10 công nhân kỹ thuật chăm sóc tôm. Anh cho biết, những ngày đầu khá vất vả. Lo chạy vốn, chỉ đạo san lấp, lắp đặt hệ thống máy móc, đường ống dẫn nước, xây trạm điện…Ngày trước muốn làm gì chỉ cần ra lệnh . Nay một mình vừa là lãnh đạo, kiêm kế hoạch, tài vụ, thi công, lái xe…Có những hôm  trở gió trái trời bệnh già thăm hỏi, anh phải chỉ đạo công nhân qua điện thoại. Bởi nuôi tôm là thời vụ. Thả chậm, thả sớm đều mất ăn.

 Được hỏi, ném cả xưởng tiền vào cái bãi cát này mà anh không thấy sợ à?, Tùng Phong cười: Không phải đâu anh!. Chỉ riêng đường dây điện cao thế và trạm biến áp 180 KVA phục vụ cho trại đã hết 1,2 tỷ đồng rồi. Xúc đổ hai núi cát biến nó thành 10 cái hồ cũng mất hơn tỷ bạc. Rồi đầu tư vào 5 héc ta mặt nước, không dưới 2 tỷ nữa. Tất nhiên tiền bạc chẳng phải của riêng mình, mà chủ yếu là của bạn bè, ngân hàng nên không thể không tính toán được. Tôi biết, mấy năm làm thủy sản, bám sát cơ sở, lại chịu khó đi đây đó học hỏi, đúc rút kinh nghiệm thành, bại về nuôi tôm làm cho anh có niềm tin. Năm 2011, sau hơn 3 tháng thi công, thả thử 1 héc ta giống tôm he chân trắng, thu về được trên 30 tấn tôm. Đầu năm nay tình hình dịch bệnh và giá cả khó khăn chung cả nước, trại của anh chỉ thả một phần diện tích, cũng thu được 20 tấn sản phẩm. Song kết quả của hai vụ tôm là chấp nhận được. Những vụ đầu còn nhiều lạ lẫm nhưng năng suất đã đến 10 tấn/ 1 héc ta. Tùng Phong nói thật lòng, anh đầu tư vào đây không vì mộng làm giàu, mà chỉ muốn dùng kiến thức có được để lôi cuốn mọi người làm theo. Anh nghĩ, sao chúng ta chỉ cổ súy cho cánh đồng 50 triệu /1ha mà quên đi thế mạnh của vùng bãi ngang, ven biển. Với đất này, biết đầu tư đúng cách, 1 héc ta có thể kiếm công ăn việc làm cho 4-5 người, thu về 2-3 tỷ bạc mỗi năm, chẳng hơn sao?. Xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới về kinh tế cho Nghi Xuân và các vùng đất tương đồng, theo anh, không gì tốt hơn “anh này” cả. Anh cho biết thêm, muốn tránh rủi ro, người nuôi tôm cần lưu tâm nhất 2 điều. Một là môi trường, hai là các giải pháp phòng dịch bệnh. Anh nào mà ăn xổi ở thì là bị thất bại ngay. Tôi được biết, để “xanh hóa” môi trường sinh thái ở vùng cát trắng này, anh đã phải mua và chở cả một vười xoài ở tận Hồng Lĩnh về trồng. Nhằm giữ sạch sẽ cho môi trường nước, anh mua hàng trăm mét ống nhựa, lắp đặt hệ thống rút nước đáy tống ra khỏi ao; thả hàng tạ cá rô phi khử tạp chất; sử dụng vi sinh để cải tạo môi trường. Vì thế mà hai vụ rồi, nước thải của trại được xử lý sách sẽ, không bị ô nhiễm.

Có lẽ nhờ lao động mà trông Tùng Phong trẻ hơn so với tuổi 63. Bệnh tật vì thế mà cũng giảm dần. Anh tâm sự: Tôi rất vui vì đồng tôm trở thành một điểm hội tụ , gặp gỡ bạn bè khi mình đã nghĩ. Nơi đây tôi còn được đón tiếp, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp cho rất nhiều người muốn nuôi tôm trên cát. Sau khi tôi làm, đã có thêm mấy hộ dân vùng này làm trang trại, nuôi tôm kỹ thuật cao như tôi. Hy vọng chính quyền địa phương, Hội Nông dân động viên nhiều người dân, nhiều hội viên đến học tập, làm theo nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh để làm giàu trên vùng đất đã từ lâu bị rơi vào quên lãng!

Khắc Hiển
congluan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập199
  • Hôm nay32,516
  • Tháng hiện tại900,027
  • Tổng lượt truy cập90,963,420
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây