Với 9.253 hộ kinh doanh (8.302 hộ kinh doanh ổn định và 951 hộ kinh doanh nhỏ lẻ, thời vụ); nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, khách sạn lớn, hàng ngàn doanh nghiệp, cửa hàng trong 10 khu chợ và khắp các tuyến phố... phần nào đã minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thương mại - dịch vụ trên địa bàn TP Hà Tĩnh. Tuy nhiên, để cạnh tranh về giá cả, không ít hộ kinh doanh sẵn sàng nhập về những mặt hàng cùng mẫu mã nhưng chất lượng kém hơn để đánh lừa khách hàng.
Theo kế hoạch, chợ TP Hà Tĩnh sẽ hoàn thành việc chuyển đổi mô hình quản lý vào cuối năm 2014. |
Chị Nhị Hương (phường Nam Hà) chia sẻ: “Tôi muốn mua một chiếc áo hãng Viettien để tặng bố dịp sinh nhật. Ngắm mãi được một kiểu nhưng khi hỏi thì mỗi cửa hàng bán một giá khác nhau, thậm chí, có cửa hàng còn bán gấp đôi, chẳng biết đằng nào mà lần”.
Có thể thấy, thực trạng tương tự vẫn đang diễn ra hằng ngày trên địa bàn thành phố khiến người tiêu dùng không yên tâm. Để chấn chỉnh vấn đề này, TP Hà Tĩnh đang quyết liệt thực hiện đề án “Tăng cường quản lý thị trường, chống buôn lậu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”. Đây là một trong 5 đề án được UBND tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh.
Theo đó, để thực hiện đề án, TP Hà Tĩnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, giải pháp theo lộ trình cụ thể. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh - Lương Quốc Tuấn, “Để đề án này thành công, cần có một chiến lược dài hơi và những giải pháp cụ thể, quyết liệt. Hiện nay, chúng tôi đang nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như chuyển đổi mô hình quản lý chợ, xây dựng xong lò giết mổ gia súc tại xã Thạch Đồng trong năm 2014 với tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ đồng. Đồng thời, thành phố phối hợp với các xã, phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh tự nguyện khai báo với chính quyền để cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đặc biệt là thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Đơn vị nòng cốt trong triển khai thực hiện đề án này là lực lượng quản lý thị trường. Theo đó, đầu năm đến nay, Đội Quản lý thị trường số 1 - Chi cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh phụ trách địa bàn thành phố phối hợp với đoàn liên ngành tiến hành nhiều đợt kiểm tra, kiểm soát đột xuất tại các địa điểm có hoạt động kinh doanh, buôn bán. Trong 559 vụ việc bị lập biên bản thì có 285 hành vi vi phạm về đăng ký kinh doanh, niêm yết giá; 96 hành vi vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; 47 hành vi vi phạm về hàng giả và gian lận thương mại; 32 hành vi vi phạm về kinh doanh vật tư nông nghiệp (42 cơ sở kinh doanh đã kiểm tra). Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 Nguyễn Đình Khoa cho biết: “Từ đầu năm đến nay, tổng số tiền xử phạt trên 1,4 tỷ đồng, bằng 400% cùng kỳ năm trước. Trong đó, phạt hành chính 780 triệu đồng, còn lại là hàng tịch thu và tiêu hủy”.
Cũng theo ông Khoa, đây là thời điểm Đội Quản lý thị trường tập trung cao nhất để nỗ lực khắc phục tình trạng hàng giả, hàng nhái ồ ạt xâm nhập nhằm phục vụ người dân đón tết. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là địa bàn khá rộng, trong khi lực lượng quá mỏng, ý thức các hộ kinh doanh chưa cao; cùng với đó, điều kiện còn khó khăn nên người dân chưa quan tâm nhiều đến việc dùng hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Phó Chủ tịch UBND thành phố Lương Quốc Tuấn thì cho rằng: “Một trong những cái khó trong thực hiện đề án này chính là quá trình chuyển đổi mô hình chợ, đặc biệt là khâu định giá tài sản, kết nối với doanh nghiệp có đủ tiềm năng”.
Thế Công
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã