Tham dự liên hoan lần này có 49 tiết mục tiêu biểu đại diện cho hàng trăm câu lạc bộ dân ca ví, giặm của các vùng miền đến từ các trường tiểu học trên toàn tỉnh. Đây là món ăn tinh thần đáng trân trọng, thể hiện trách nhiệm của ngành Giáo dục trong việc bảo tồn, trao truyền và lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần của ông cha. Liên hoan cũng là sự kết tinh của trí tuệ, công sức, tâm huyết của đông đảo thầy, cô giáo, học sinh, thể hiện từ trang phục biểu diễn đến nội dung, sự đầu tư công phu trong việc phục hồi không gian diễn xướng…
![]() |
Tiết mục “Giặm xay lúa” của Phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh tại liên hoan tiếng hát dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh giáo viên và học sinh tiểu học năm 2015. |
Bà Nguyễn Thị Hà - một khán giả ở thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Đã lâu lắm người dân chúng tôi mới được xem một chương trình liên hoan dân ca ví, giặm hoành tráng và công phu đến thế. Dẫu là những tiết mục do các thầy, cô giáo và học sinh biểu diễn nhưng chất lượng chẳng hề thua kém các chương trình chuyên nghiệp. Nhất là sự đầu tư dàn dựng, khôi phục không gian diễn xướng phù hợp với từng lời cổ đã làm tái hiện sống động bức tranh cuộc sống làng quê Xứ Nghệ… Tôi cũng rất ấn tượng với giọng hát cao vút của các học sinh và thực sự mừng vì thế hệ trẻ giờ đây vẫn nuôi dưỡng niềm say mê dân ca ví, giặm - di sản của ông cha”.
Đánh giá về liên hoan, NSND Hồng Lựu cho biết: “Mặc dù còn nhỏ tuổi (như em Bảo Trân, 7 tuổi ở TP Hà Tĩnh) nhưng các em đã thể hiện tốt những đoạn luyến, láy ngọt ngào, chuyển tải được cung bậc tình cảm da diết của câu ví. Ngoài ra, một số đơn vị đã mạnh dạn đưa lối hát không nhạc đệm của cha ông xưa vào sân khấu hiện đại hôm nay một cách tự nhiên. Sự sáng tạo ấy cũng là yếu tố góp phần làm nên thành công của liên hoan”.
Với mong muốn góp phần bồi đắp tâm hồn, hướng cho thế hệ trẻ tình yêu, niềm đam mê, trân trọng, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của ông cha, cô Nguyễn Thị Hải Lý - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT chia sẻ: “Đưa dân ca ví, giặm vào trường học là một việc làm hết sức ý nghĩa để thực hiện một trong những nội dung giáo dục, hình thành nhân cách, hướng các em đến những giá trị chân, thiện, mỹ một cách nhẹ nhàng mà hiệu quả, phù hợp với xu thế đổi mới toàn diện giáo dục, đào tạo hiện nay”.
Liên hoan đã khép lại nhưng âm hưởng của dân ca ví, giặm vẫn còn vang vọng, lay thức tình yêu âm nhạc trong mỗi giáo viên, học sinh nói riêng và cộng đồng dân cư nói chung, góp phần làm dịu nhẹ, cân bằng và lành mạnh hóa nhịp sống của thời kỳ công nghiệp hóa. Nguồn mạch thanh trong từ những câu hò, điệu ví nồng nàn hơi thở cội nguồn không chỉ nuôi dưỡng và nâng cánh tâm hồn mỗi con người Xứ Nghệ mà còn góp phần làm cho văn hóa dân tộc hòa trong dòng chảy văn minh nhân loại.
Theo Anh Thư/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Triển khai Kế hoạch số 323/KH-UBND ngày 10/7/2024 của UBND tỉnh về thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/01/2024 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới
Kết luận của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 15/7/2021 của Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố