Thiết bị bảo quản lạc hậu
Những năm gần đây, ngư dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp, đóng mới tàu thuyền khai thác xa bờ. Toàn tỉnh hiện có hơn 290 tàu đánh bắt xa bờ với công suất từ 90-700 CV (tàu vỏ gỗ). Nhờ chú trọng đầu tư phương tiện đánh bắt, đổi mới nghề khai thác, ngư dân chịu khó bám biển dài ngày nên sản lượng hải sản ngày một tăng. Thế nhưng, công nghệ bảo quản chưa được chú trọng nên giá trị sản phẩm sau khai thác đạt thấp, tỷ lệ hao hụt cao.
Những tàu vỏ gỗ khai thác xa bờ ở Xuân Hội (Nghi Xuân) chủ yếu sử dụng công nghệ bảo quản lạc hậu.
Theo chia sẻ của ngư dân Nguyễn Xuân Long (thôn Long Hải, xã Thạch Kim, Lộc Hà), từ trước đến nay, ngư dân thường bảo quản hải sản theo cách truyền thống là ướp nước đá xay. Với cách này, hầm bảo quản không đảm bảo kỹ thuật, độ lạnh không đạt nên chất lượng sản phẩm giảm sút. Do thiếu kinh phí nên chúng tôi chưa thể trang bị hầm bảo quản tiên tiến. Mỗi chuyến biển kéo dài hơn 10 ngày, nên khi về đến bờ, hơn 60% lượng hải sản bị chê là chất lượng kém, việc tiêu thụ gặp khó khăn, giá thấp”.
Ông Võ Văn Huế - công chức nông nghiệp xã Xuân Hội (Nghi Xuân) cho biết: Xuân Hội có hơn 23 đội tàu xa bờ có công suất lớn nhất tỉnh nhưng thiết bị bảo quản sản phẩm khai thác vẫn còn lạc hậu. Hầu hết các tàu bảo quản theo phương pháp truyền thống (bằng đá lạnh trong khay, hầm gỗ; muối; phơi khô...). Hầm bảo quản bằng vật liệu này có khả năng giữ lạnh kém, mức tiêu hao nước đá lớn nên ảnh hưởng đến chất lượng cũng như chi phí bảo quản với mức tổn thất giá trị sản phẩm sau khai thác khoảng 25%/năm.
Thực tế cho thấy, sản phẩm hải sản tươi sống rất dễ tiêu thụ, bán được giá cao. Do đó, các chủ tàu cần phải “nhìn xa trông rộng”, đầu tư nâng cấp trang thiết bị bảo quản đạt chuẩn để bù đắp những chi phí về ngư cụ, dầu nhớt, nước đá… Bên cạnh đó, việc trang bị những kiến thức cần thiết về chất lượng thủy sản, ATVSTP rất quan trọng, không chỉ nâng cao ý thức cho chủ tàu mà còn góp phần giảm tổn thất sau khai thác cho ngư dân, tạo điều kiện thuận lợi nhằm đảm bảo vấn đề truy xuất nguồn gốc thủy sản.
Hầu hết các tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đang sử dụng bột đá để bảo quản hải sản khai thác.
Áp dụng công nghệ tiên tiến
Để nâng cao chất lượng hải sản, nhằm giảm tổn thất sản phẩm sau khai thác trên tàu cá, năm 2014, Chi cục Thủy sản đã triển khai xây dựng 2 mô hình nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản bằng hầm bảo quản PU (Polyurethane). Theo ông Nguyễn Viết Hùng - Trưởng phòng Quản lý tàu cá Chi cục Thủy sản, đây là công nghệ mới, được nhiều ngư dân các tỉnh Quảng Bình, Đà Nẵng... áp dụng đưa lại hiệu quả cao, bởi khả năng giữ lạnh tốt, chất lượng cá được đảm bảo, hao phí đá lạnh ít. Mặt khác, tuổi thọ của 1 hầm bảo quản bằng chất liệu PU có thể hơn 10 năm trong khi những hầm bảo quản bình thường 1-2 năm phải làm lại.
Chủ tàu 150 CV Lê Văn Sửu ở xã Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên) là một trong 2 ngư dân “may mắn” được tỉnh hỗ trợ gần 80 triệu đồng đầu tư vật liệu, trang thiết bị làm hầm bảo quản PU. “Mỗi năm, tàu của ông ra khơi khoảng 40 ngày, đánh bắt được khoảng 80 tấn các loại cá (xô), mực, cá thu, cá cam, thu về hơn 2,3 tỷ đồng. Trừ chi phí, tính ra mỗi năm, ông chỉ thu về hơn 230 triệu đồng. Nhưng sau khi đưa hầm PU vào sử dụng thì lợi nhuận tăng đã lên hơn 100 triệu đồng” - ông Sửu phấn khởi.
Ông Trần Xuân Hoàng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho rằng: Qua các mô hình trên cho thấy, sử dụng hầm bảo quản PU hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với cách bảo quản truyền thống, tiết kiệm khoảng 40% lượng đá hao hụt và tăng giá trị sản phẩm sau khai thác lên khoảng 5%. Các tàu thuyền còn có thể tăng thời gian bám biển, giảm chi phí nhiên liệu mà vẫn giữ được chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, sản phẩm được bảo quản đạt chuẩn, góp phần cung cấp nhu cầu về thực phẩm cho xã hội, đảm bảo ATVSTP cho người tiêu dùng, tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người lao động.
“Với các ưu điểm trên, việc đầu tư hầm bảo quản PU là một nhu cầu cấp thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc ứng dụng KHKT vào khai thác thủy sản. Những mô hình điểm trên chính là “địa chỉ” để ngư dân học tập và nhân rộng trên toàn tỉnh, nhằm giảm tổn thất sau khai thác, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho ngư dân” - ông Hoàng khẳng định.
Theo Hữu Trung/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã