Cả đại đội hy sinh chỉ còn 13 người
Sau Cách mạng tháng 8/1945, là Đội trưởng Đội du kích Trảo Nha, cụ Bùi Xanh tích cực chỉ đạo du kích xây dựng ụ kháng chiến tại làng Kỳ Lạc (tổ dân phố Nam Sơn ngày nay), vận động nhân dân chặt tre, rào làng kháng chiến. Được kết nạp Đảng tháng 6/1948 tại địa phương, tháng 10, cụ nhập ngũ, vào Sư đoàn 308. “Đến giờ, tôi vẫn không thể quên những ngày tháng mở chiến dịch Biên giới thu – đông 1950, đánh nhau tại các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Tại Cao Bằng, đồi 977 (cao 977m), đồng đội ông chiến đấu với giặc Pháp 3 ngày ròng rã. Ta bắt được 2.000 quân địch nhưng đồng đội ông cũng hy sinh nhiều” - cụ Bùi Xanh kể.
Xong trận quyết chiến đó, cụ Bùi Xanh lại về chiến đấu tại trung du Bắc Bộ, tham gia chiến dịch Hoàng Hoa Thám, một trong những chiến dịch lớn trong đông - xuân 1950 - 1951. Cụ nhớ lại: “Hôm đó, đánh nhau với Pháp ban ngày, ác liệt vô vùng, địch liên tục thả bom, bắn súng về phía ta. Đại đội ông gần 300 người, gồm 4 trung đội, mỗi trung đội có 4 tiểu đội nhưng hy sinh còn 13 người. Trong trận đánh đó, tại thị trấn, đi cùng ông còn có ông Ngô Đức Nhâm cũng hy sinh. Nhờ tinh thần chiến đấu quả cảm của ta, sau đó Pháp rút”.
Đành “quên” vợ để theo làng
Từ khói lửa chiến trường chống Pháp, cụ Bùi Xanh về lại địa phương năm 1952. 5 ngày sau, cụ được chi bộ tin tưởng bầu làm Bí thư chi bộ. Đảng viên Bùi Xanh nhớ lại: “Hồi ấy đang là chi bộ bộ phận. Chiến đấu chống Pháp về nên người ta tin tưởng lắm, bầu làm Bí thư Chi bộ Quang Nghiệp với 37 đảng viên. Cũng thời điểm đó, ông liên tục làm Đội trưởng Đội Sản xuất Quang Nghiệp”.
Mặc dù đã gần 100 tuổi nhưng cụ Bùi Xanh (tổ dân phố 2, thị trấn Nghèn, Can Lộc) vẫn còn mẫn tiệp.
“Giai đoạn chống Mỹ, biết là ở chiến trường rất ác liệt, nhưng ở hậu phương cũng vất vả vô cùng. Lo nhất là lấy người đi hỏa tuyến, bởi chi bộ phải bàn bạc trước. Đúng thời điểm sục sôi thì đế quốc Mỹ ném bom. Làng Nam Sơn hồi đó bị ném bom dữ dội, 27 người chết, nhiều nhà cháy rụi. Ông là Bí thư chi bộ nên phải chủ động liên lạc với xã tìm giải pháp dập lửa, mai táng các thi thể. Nhà ông cũng bị cháy, vợ cũng chết trong đêm đó, nhưng đành quên vợ, bỏ mặc nhà cháy để theo làng. Là đảng viên, không thể chỉ nghĩ đến bản thân, gia đình mà phải hy sinh vì cái chung trước. Khi các thi thể đã được mai táng, tôi về lại nhà, thương vợ vô cùng, cứ mong sao hòa bình, đừng chiến tranh, tang tóc” – cụ Bùi Xanh ngậm ngùi kể.
Chiến tranh đi qua, cụ liên tục đóng góp cho quê hương: Tham gia đội trưởng đội sản xuất, làm bí thư chi bộ và các tổ chức khác đến năm 2002, đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển Đảng và phong trào chung ở địa phương. Cụ và gia đình luôn tự hào khi với những vẻ vang đóng góp cho cách mạng. Con trai của cụ là Bùi Quang Thanh cũng hy sinh vì Tổ quốc năm 1967.
Kể chuyện xưa liên tưởng đến chuyện nay, cụ Bùi Xanh thắc mắc: “Tại làm sao, bây giờ nhiều đảng viên tham ô, tham nhũng hàng nghìn tỷ như vậy! Thời của ông, cứ luôn nêu cao danh dự. Chỉ có danh dự mới quan trọng hơn tất cả. Giờ không ít đảng viên tham ô nhiều như thế mà cũng nói được về đạo đức, gương mẫu. Lạ thật!”.
Theo Mạnh Hà/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã