Lần nghe theo giọng hát và nhịp phách vọng ra từ gian phòng nhỏ tại Trung tâm phát triển Hương Bình, huyện Hương Khê, chúng tôi bắt gặp nghệ nhân Nguyễn Tiến Khởi đang miệt mài để cho ra những tác phẩm mới.
Giữa trưa hè tháng 6, anh chẳng dành chút thời gian nghỉ ngơi cho riêng mình bởi “Đang có đơn vị họ đặt tôi soạn lời tổ khúc dân ca để tham dự liên hoan. Đã hứa rồi phải làm, mà đã làm phải thật nghiêm túc, hơn nữa, cuốn vào âm nhạc tôi tách ra không được, làm xuyên trưa, xuyên đêm" - anh Khởi bộc bạch.
Nghệ nhân Nguyễn Tiến Khởi sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông nhưng có niềm đam mê, ca hát nghệ thuật. Ngay từ nhỏ anh cũng đã là thành viên đội văn nghệ ở làng, xã. Và cứ thế, chẳng biết từ bao giờ niềm đam mê với âm nhạc, đặc biệt là các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh cứ thấm sâu, nuôi dưỡng tâm hồn anh.
Năm 1986, lúc mới 7 tuổi anh đã bắt đầu tham gia hội diễn văn nghệ do huyện Hương Khê tổ chức và đạt giải nhất giọng hát dân ca qua tác phẩm “Thần sấm ngã”. Cũng từ đó, năng khiếu của anh ngày được phát huy, đặc biệt, từ những năm học phổ thông anh đã soạn lời nhiều bài hát dân ca Ví, giặm biểu diễn tại các hội diễn văn nghệ tại địa phương.
“Bởi yêu dân ca nên ngoài sự chỉ dạy của bố mẹ, tôi đã tự mày mò tìm hiểu qua sách, báo và được tham gia những khóa học ngắn hạn về viết lời, học hát dân ca Nghệ Tĩnh. Tốt nghiệp THPT, tôi tiếp tục vào TP Hồ Chí Minh theo học đàn, nhạc lý và học hát. Đặc biệt, được tham gia vào CLB Văn nghệ Nguyễn Du, tại đây tôi may mắn được gặp và gần gũi với cố GS.TS Trần Văn Khê - vị tiến sỹ âm nhạc đầu tiên của Việt Nam cũng như rất nhiều những giáo sư, nhạc sỹ khác. Nếu quê nhà Hương Khê nuôi dưỡng tâm hồn tôi, thì những người thầy đã truyền thêm niềm yêu dân ca trong dòng máu để tôi có được ngày hôm nay” - anh Khởi chia sẻ.
Hoàn tất khóa học, anh Khởi trở về tiếp tục dày công sưu tầm, sáng tác, soạn lời những làn điệu, tổ khúc dân ca. Người nghệ nhân trẻ tuổi Nguyễn Tiến Khởi đã viết và đạo diễn hàng trăm vở kịch ngắn, kịch hát dân ca, kịch thơ phục vụ các hội diễn, hội thi, sự kiện từ địa phương đến trung ương.
Anh còn biên soạn trên 50 tổ khúc dân ca Nghệ Tĩnh; thực hiện 7 tác phẩm sử thi nghệ thuật bằng dân ca; hơn 30 ca khúc dân ca phục vụ quần chúng nhân dân khắp trong và ngoài tỉnh… Không chỉ thế, anh còn dành nhiều tâm huyết biên soạn lời cổ, viết lời mới lồng ghép tuyên truyền pháp luật, chính sách của Đảng, những lời hay ý đẹp giáo dục con người.
Gần đây nhất, anh là tổng đạo diễn và biên soạn màn sử thi nghệ thuật mừng 150 năm ngày thành lập huyện Hương Khê khiến đông đảo người dân trong tỉnh nức lòng, mến mộ. Anh cũng là tác giả của màn chào hỏi đặc sắc góp phần làm nên giải nhất cho đội Hà Tĩnh tại Hội thi Nhà nông đua tài toàn quốc năm 2017.
Với những cống hiến không mệt mỏi, năm 2013, anh Nguyễn Tiến Khởi vinh dự được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian và Huy chương Vì sự nghiệp bảo tồn Văn nghệ dân gian.
Anh cũng là giáo dân đầu tiên trên đất Hà Tĩnh được công nhận nghệ nhân dân gian. Năm 2017, anh được Hội đồng xét duyệt cấp tỉnh đề nghị Chủ tịch nước công nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, đợt II.
Ngoài đam mê nghệ thuật, anh Khởi còn là Phó giám đốc Trung tâm phát triển Hương Bình (Hương Khê), nơi lưu giữ hàng nghìn nông cụ độc đáo từ thời xưa. Anh còn tích cực kết nối các nhà từ thiện góp phần giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài địa bàn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã