Học tập đạo đức HCM

Nhiều ý kiến tâm huyết để đưa nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng vào cuộc sống

Thứ sáu - 06/01/2017 10:06
Đến nay, 20/20 Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã tổ chức thảo luận, 16/20 đơn vị đã tổ chức học tập, quán triệt nội dung và dự thảo chương trình hành động thực hiện các nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Tại các hội nghị thảo luận, đại đa số các ý kiến tập trung bàn về Nghị quyết “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" trong nội bộ”.

Với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, dân chủ, tại các buổi thảo luận đã có 229 lượt ý kiến cán bộ cốt cán của tỉnh phát biểu về nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và những mục tiêu, phương hướng, giải pháp được nêu trong Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết. Có nhiều kiến nghị, đề xuất bổ sung về giải pháp thiết thực để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống phù hợp với thực tiễn của tỉnh, địa phương, đơn vị.

Các ý kiến biểu thị sự đồng tình và đánh giá cao việc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII quyết định ban hành Nghị quyết về xây dựng và chỉnh đốn Đảng và thống nhất cho rằng, việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng là đòi hỏi khách quan và nhiệm vụ thường xuyên để củng cố, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền, chống lại tình trạng suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa đang diễn ra nghiêm trọng, đe dọa tới sự tồn vong của Đảng và chế độ. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước ta hết sức khó khăn và nặng nề, đòi hỏi Đảng phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu nhiều hơn nữa; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và đấu tranh có hiệu quả với sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch đối với Đảng trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp.

Đại đa số các đại biểu đã thẳng thắn cho rằng: Soi chiếu vào 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà Nghị quyết đã chỉ rõ, các đảng bộ, chi bộ, cán bộ, đảng viên, tùy từng mức độ đều có biểu hiện nhất định, rõ nhất là: Việc chấp hành các nguyên tắc của Đảng chưa nghiêm, nguyên tắc tập trung dân chủ ở nhiều địa phương đơn vị chưa thực sự được phát huy, vai trò của các tổ chức đoàn thể chưa được phát huy; nhiều cán bộ có biểu hiện bảo thủ, ít học hỏi, không năng động, tư duy kinh tế hạn chế, thiếu sâu sát cơ sở; việc phê bình và tự phê bình trong cán bộ, đảng viên chưa mang tính thực chất, đang còn né tránh; nhiều đảng viên cấp dưới chưa mạnh dạn thể hiện quan điểm, chính kiến của mình; có tình trạng nhiều cán bộ, đảng viên ở các cơ quan, đơn vị “ngại” học lý luận, tư duy và làm việc theo kinh nghiệm chủ nghĩa; một số cán bộ khi nói thì sâu sắc nhưng thực thi nhiệm vụ thì sai phạm, dẫn đến phải xử lý kỷ luật, nói không đi đôi với làm, chạy theo thành tích; vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, người đứng đầu chưa cao, chưa là tấm gương cho cấp dưới, quần chúng nhân dân noi theo; còn vun vén, tư lợi cá nhân… Trong công tác cán bộ còn có hiện tượng bổ nhiệm những người thân thích, thiếu năng lực, làm mất niềm tin của nhân dân; năng lực lãnh đạo, quản lý của một số người đứng đầu địa phương, đơn vị còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả thấp; không ít cán bộ thiếu tâm huyết, thiếu kinh nghiệm, có tư tưởng chọn việc…

Thống nhất nhận thức việc xây dựng Chương trình hành động là khâu quan trọng để góp phần sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, đáp ứng kỳ vọng của Trung ương và đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đa số ý kiến bày tỏ sự đồng tình, nhất trí và đánh giá cao dự thảo Chương trình hành động của tỉnh thực hiện Nghị quyết. Các phần mục đích, yêu cầu, các nhóm nhiệm vụ giải pháp được đề ra thể hiện sự chủ động, quyết tâm chính trị cao của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.   

Đối với nhóm nhiệm vụ, giải pháp về chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình

Đa số ý kiến đề nghị cần nhấn mạnh giải pháp tăng cường quán triệt Nghị quyết về xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Nhiều ý kiến cho rằng, công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng ở cơ sở chưa phát huy hiệu quả. Việc tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt về các lĩnh vực trên phương tiện thông tin đại chúng còn ít.  Do vậy, cần có giải pháp đổi mới công tác tuyên truyền quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là tiếp tục đổi mới các hình thức tuyên truyền; quan tâm, bố trí, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên mà nòng cốt là Ban Tuyên giáo và Trung tâm bồi dưỡng chính trị. Nhiều ý kiến đề nghị cần có phương pháp thu thập, nắm bắt thông tin, dư luận xã hội chính xác, khoa học để giúp các cơ quan lãnh đạo xử lý các vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở. Trong nhiệm vụ chính trị tư tưởng cần nhấn mạnh giải pháp về đổi mới công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị, nhất là tăng cường việc cập nhật kiến thức thực tiễn. Tăng cường hơn công tác quản lý báo chí, an ninh mạng; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân đăng tải những thông tin sai trái, xuyên tạc, chống phá Đảng và chế độ. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định bắt buộc đưa nội dung Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị 05-CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong sinh hoạt chi bộ hàng tháng.

Có nhiều ý kiến còn băn khoăn về nội dung và phương pháp giáo dục chính trị tư tưởng còn hạn chế; việc thực hiện Chỉ thị 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, nhất là việc cưới của nhiều gia đình cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa được thực hiện nghiêm túc, có sự lợi dụng để tư lợi. Do đó, ngoài giáo dục chính trị tư tưởng cần quan tâm giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng: Trung ương, tỉnh ban hành quá nhiều chỉ thị, nghị quyết, nên việc thực hiện thiếu hiệu quả; nghị quyết này học chưa xong, chưa thấm sâu thì nghị quyết khác đã ra đời, trong khi việc kiểm tra, giám sát thực hiện một số nghị quyết thiếu hiệu quả, do đó, trong việc ban hành các nghị quyết, tên gọi cần ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu; nội dung nghị quyết cần trọng tâm, giải pháp rõ nhằm tạo hiệu lực, hiệu quả cao trong thực hiện.

Một số ý kiến cho rằng, sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” việc khắc phục những hạn chế, yếu kém chưa đáng kể nên cần thiết có sự đánh giá sâu hơn về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI để tạo cơ sở, tiền đề và quyết tâm chính trị thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Có ý kiến đề nghị trong nhóm nhiệm vụ này, nên có câu “tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả thực hiện Nghị quyết trung ương 4 khóa XI”.

Nhiều ý kiến nêu lên thực trạng của việc phê bình và tự phê bình: Hiện nay, trong sinh hoạt Đảng, đoàn thể, sinh hoạt  chuyên môn… có hiện tượng thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. Tinh thần trung thực, thẳng thắn trong phê bình và tự phê bình của cán bộ, đảng viên còn nhiều hạn chế. Do đó, cần có chế tài đủ mạnh, nhất là nâng cao vai trò của người đứng đầu trong việc tạo lập và thực thi cơ chế dân chủ ở cơ sở theo quy định.

Đối với nhóm nhiệm vụ, giải pháp về cơ chế, chính sách

Một số ý kiến cho rằng, chỉ có đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của cán bộ mới có cơ sở để tuyển chọn, quy hoạch, bồi dưỡng, luân chuyển… cán bộ một cách chính xác, khách quan. Ngược lại, nếu nhận xét, đánh giá chủ quan, thiên lệch, không đúng phẩm chất, năng lực cán bộ sẽ dẫn đến bố trí, sử dụng không đúng và dẫn đến hậu quả khôn lường, nhất là bố trí sai đối với cán bộ chủ chốt, người đứng đầu. Vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh trách nhiệm, ngại va chạm trong nhận xét, đánh giá cán bộ vẫn còn diễn ra ở các cấp; việc nhận xét, đánh giá đối với cán bộ có nơi, có lúc còn chủ quan, cảm tính cá nhân, dễ người dễ ta, cục bộ. Do đó, trong thời gian tới cần có sự chỉ đạo thực hiện lĩnh vực này quyết liệt và hiệu quả hơn. Trong nhóm nhiệm vụ này, cần bổ sung việc đưa cam kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với đánh giá cán bộ; tiếp tục thực hiện tốt quy định cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương, cấp trưởng giới thiệu bầu cấp phó, bí thư cấp ủy giới thiệu bầu ủy viên ban thường vụ cấp ủy. Theo một số ý kiến, về cơ chế chính sách cần thực hiện công khai, minh bạch, nhất là về bổ nhiệm, đề bạt cán bộ. Đây là cơ sở để thực hiện tốt cơ chế kiểm soát quyền lực và quản lý cán bộ.

Nhiều ý kiến đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy lấy ý kiến trong nhân dân qua phiếu đánh giá về 27 biểu hiện về suy thoái chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đối với cán bộ lãnh đạo địa phương, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở - có như thế mới nhận diện được sự suy thoái ở đâu và những ai.

Đối với nhóm nhiệm vụ, giải pháp về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng

Nhiều ý kiến đề nghị trong quá trình tổ chức thực hiện cần phải quán triệt một cách sâu sắc, quy định rõ các thẩm quyền của cá nhân, tập thể trong thực hiện các nhiệm vụ được giao và tăng thêm thẩm quyền cho ủy ban kiểm tra các cấp và vai trò của người đứng đầu có quyền tạm đình chỉ cán bộ, đảng viên có vi phạm. Cần phát huy hơn nữa vai trò của đảng viên tại cơ sở; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thực hiện nghiêm kỷ luật phát ngôn, phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, của nhân dân và lực lượng báo chí.

Nhiều ý kiến đề nghị cần có văn bản hướng dẫn về các khái niệm và mức độ của một số thuật ngữ của 27 biểu hiện, như biểu hiện“mê tín dị đoan”, thuật ngữ “mục đích vụ lợi”… Vì thực tế ranh giới giữa suy thoái và không suy thoái về các biểu hiện này rất khó phân biệt. Ví dụ: Việc cầu an giải hạn của các gia đình ngày Tết có mời thầy cúng về nhà, có phải là mê tín dị đoạn? Vấn đề đi chúc Tết thủ trưởng với tư cách cá nhân, tình cảm anh em có phải là “vì mục đích vụ lợi”?...

Những ý kiến đóng góp nêu trên đã được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổng hợp trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét để hoàn thiện Chương trình hành động sát với tình hình thực tiễn, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.

Phan Thị Mai Linh - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
http://hatinh.dcs.vn/

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập263
  • Hôm nay81,941
  • Tháng hiện tại787,054
  • Tổng lượt truy cập90,850,447
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây