Học tập đạo đức HCM

Nông thôn mới Hà Tĩnh: Giữ vững khí thế

Thứ tư - 01/02/2017 07:01
Năm 2016, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện “cuộc cách mạng” xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trong điều kiện khó khăn chồng chất. Quyết liệt trong chỉ đạo, linh hoạt trong triển khai, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã phát huy được sức mạnh đoàn kết, đồng lòng, dốc sức thực hiện và gặt hái được kết quả khá toàn diện, có chiều sâu, bền vững, làm tiền đề cho những nỗ lực mới trong năm 2017.

 

Vườn mẫu của bà Trần Thị Thanh, thôn Thượng Nguyên, xã Thạch Kênh (Thạch hà).

Nỗ lực vượt khó

Suốt chặng đường hơn 6 năm phát động phong trào XDNTM, mỗi giai đoạn đều có khó khăn riêng nhưng năm 2016 phải nói là năm khó khăn nhất bởi gần như suốt 12 tháng đều xảy ra những biến cố, tác động xấu đến tiến độ thực hiện chương trình XDNTM. Đầu năm rét đậm, rét hại, sự cố môi trường biển; cuối năm lũ lụt hoành hành; nguồn lực ngân sách dành cho NTM tụt giảm nhiều so với năm 2014, 2015... Dẫu vậy, trong hành trình khó khăn, cả hệ thống chính trị vẫn vào cuộc tích cực, người dân nỗ lực, XDNTM ăn sâu vào máu thịt của nhiều cán bộ và người dân, có những vùng quê như “lột xác” thay đổi một cách diệu kỳ.

Nhìn lại một năm nỗ lực có thể ghi nhận một số kết quả nổi bật khi toàn tỉnh đã có thêm 30 xã về đích NTM (đạt 150% kế hoạch), không còn xã dưới 9 tiêu chí, mức độ đạt các tiêu chí nâng lên 1,2 lần.

Hà Tĩnh được Trung ương đánh giá cao trong phương pháp, cách thực hiện chương trình XDNTM. Đặc biệt là phong trào xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu. Đây là tiêu chí riêng của Hà Tĩnh, được nhiều địa phương gọi là “tiêu chí 20” - một tiêu chí kiểm nghiệm rõ nét tinh thần, ý thức của người dân trong việc xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp, tác động tới nếp sống văn hóa tại các vùng quê. Thực tế tại các địa phương trong toàn tỉnh, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu đã trở thành phong trào rộng khắp, thành ý thức tự giác của mỗi người. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.250 thôn có phương án triển khai xây dựng, trong đó, 490 thôn đạt khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Phong trào phát triển kinh tế vườn, xây dựng vườn mẫu lan tỏa mạnh mẽ, đi vào chiều sâu. Đến nay, có 5.556 vườn mẫu được xây dựng, trong đó, 1.300 vườn đạt chuẩn. Cùng với việc xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, Hà Tĩnh đã xây dựng thành công bước đầu mô hình làng xã du lịch gắn với XDNTM. Đây là hướng đi mới, gìn giữ nét văn hóa làng quê, góp phần quan trọng vào mục tiêu XDNTM bền vững mà Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã xác định.

“Khó vạn lần dân liệu cũng xong”

Một ngày cuối năm, hòa trong không khí tất bật ngược xuôi nơi phố thị chuẩn bị đón Tết Đinh Dậu, chúng tôi tìm về những làng quê bình yên và tràn đầy sức sống của Hà Tĩnh. Hiện đại, khang trang hơn là điều thấy rõ nhưng hồn quê vẫn là nét chấm phá đặc biệt của những miền quê nông thôn mới hôm nay.

Dọc theo Quốc lộ 1A chúng tôi ghé xã Thạch Kênh (Thạch Hà). Theo như lời của Chánh văn phòng điều phối XDNTM Hà Tĩnh thì đây là địa phương đã có những bước “lột xác” thật sự để về đích trước 3 năm.

Vượt qua khó khăn, năm 2016 Hà Tĩnh có thêm 30 xã về đích NTM.

Từ  vùng đất nhiễm mặn, đường dọc, lối ngang lầy lội, cuộc sống nhân dân bần hàn, túng thiếu, Thạch Kênh hôm nay đã khoác lên mình tấm áo mới, bê tông phủ kín các đường làng, đường ra đồng rộng rãi, kênh mương bê tông dẫn nước tới chân ruộng, cơ sở vật chất khang trang, người dân hăng say lao động sản xuất…

Bí thư Đảng ủy xã Thạch Kênh, ông Nguyễn Văn Luận khẳng định: “Đúng là Thạch Kênh về đích trước dự định khiến nhiều người bất ngờ bởi so với các địa phương khác ở Thạch Hà, Thạch Kênh có điểm xuất phát thấp. Bước ngoặt của sự thay đổi là từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Khi đó, với tinh thần nhìn thẳng sự thật, dưới sự chỉ đạo của Ban thường vụ Huyện ủy, Ban chấp hành Đảng bộ xã đã quyết tâm chấn chỉnh, không ngần ngại nêu khuyết điểm, tồn tại của tập thể, cá nhân để khắc phục, sửa chữa. Điểm mạnh của chúng tôi là khơi dậy được sức mạnh của chi bộ, các tổ chức trong hệ thống chính trị, phát huy tốt quy chế dân chủ cơ sở, vì thế, người dân đồng tình rất cao. Từ nỗ lực của người dân, con em xa quê và nhiều tổ chức đã cùng chung lưng gánh vác với các công trình tiền tỷ như trạm y tế trị giá 4,5 tỷ đồng, nhà văn hóa xã 320 chỗ ngồi trị giá 3,6 tỷ đồng, đình Thượng Nguyên gần 4 tỷ đồng…”.

Trong câu chuyện XDNTM, ông Trần Nhật Tân, Bí thư Huyện ủy Thạch Hà nhấn mạnh: “Chủ thể trong XDNTM là người dân. XDNTM là dân làm và làm cho dân. Hiểu, thấm nhuần, nhận thức, ý thức về nội dung, mục đích, ý nghĩa của chương trình, tạo sự đồng thuận, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, ủng hộ, vào cuộc của nhân dân là sức mạnh, nguồn lực, yếu tố mang tính tiên quyết. Ngoài ra, phải gắn với “năng lực” và “xúc cảm trước công việc” của cán bộ xã, thôn vào phong trào.

Tôi nói một minh chứng, làm hệ thống đường bê tông, nhà nước chỉ bỏ xi măng, còn tất cả đất, đá, cát, sỏi, ngày công đều do nhân dân góp sức. Nhờ thế mà kinh phí trong làm đường dường như không tốn kém. Tại Thạch Kênh hay các xã khác ở Thạch Hà, đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp đều là do nhân dân chung tay làm. Bài học đường trục chính giao thông xã Thạch Kênh, khi nhân dân đồng thuận cùng làm, chỉ hết 2,4 tỷ đồng cho gần 3km (trung bình 820 triệu đồng/1km) cho thấy, khi dân đã đồng thuận thì khó đến mấy cũng xong”.

Không chỉ Thạch Kênh làm nên kỳ tích đó mà còn rất nhiều miền quê khi chúng tôi đến hết sức ngỡ ngàng bởi sự thay đổi và lột xác thật sự. Lấy văn hóa làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động xây dựng và phát triển quê hương là điều mà chúng tôi được chứng kiến khi về mảnh đất có truyền thống văn hóa như  xã Tiên Điền (Nghi Xuân). Điệu lẩy Kiều, những lời ca tiếng hát được cất lên bởi các thành viên trong câu lạc bộ dân ca của xã như níu giữ bước chân chúng tôi, đặc biệt hơn, các em nhỏ cũng theo bà, theo mẹ mấp máy môi hát những làn điệu quen thuộc.

Ông Nguyễn Văn Thụ, một người dân trong xã, chia sẻ: “Tiên Điền có lợi thế về văn hóa, khí thế của xã anh hùng hừng hực cháy khi thấm nhuần mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình XDNTM. Điều đó làm nên sức mạnh giúp Đảng bộ và nhân dân xã nhà trên bước đường xây dựng quê hương. Xóm làng có được bộ mặt đẹp đẽ như hôm nay chính là kết quả của sự chung sức của tập thể từ lãnh đạo thôn, xã đến người dân. Chúng tôi rất tự hào và sẽ cố gắng gìn giữ, bởi những gì được hưởng hôm nay đều có công sức của mình trong đó”.

Thật vậy, sức sống trên mảnh đất này không chỉ là những câu lẩy Kiều mà còn là sự khởi sắc trong đời sống kinh tế, xã hội của người dân. Bên cạnh việc chú trọng đầu tư xây dựng giao thông nông thôn, chính quyền cơ sở tích cực chỉ đạo, phát động phong trào toàn dân chỉnh trang vườn hộ, sửa chữa, nâng cấp nhà ở khang trang…. Đến nay, Tiên Điền đã đạt chuẩn NTM.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi: “Vì sao các địa phương lại có sự lột xác một cách nhanh chóng này, Hà Tĩnh đã căn cứ vào điều gì để chấm điểm các xã về đích một cách khách quan, chính xác?”, ông Trần Huy Oánh, Chánh văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, người trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, lăn lộn đến từng thôn xóm, hộ dân hướng dẫn bà con hoàn thành các tiêu chí, khẳng định: “Chính quan điểm chỉ đạo làm thật, công nhận phải thật xứng đáng với sự thẩm định khách quan, chính xác của các sở, ngành; sự giám sát, bỏ phiếu công nhận đạt chuẩn chặt chẽ, thận trọng của các thành viên Ban chỉ đạo tỉnh đã giúp phong trào XDNTM ở Hà Tĩnh ngày càng bền vững. Điều quan trọng nhất là, Hà Tĩnh đã “chấm điểm” các địa phương qua sự hài lòng của dân. Đây là thước đo quan trọng, khi sức mạnh của Đảng được chứng minh, lòng dân thực sự được làm chủ thì việc gì cũng có thể làm tốt…”

Năm 2017, Hà Tĩnh phấn đấu có thêm ít nhất 18 xã đạt chuẩn NTM; 1-2 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu; không còn xã dưới 10 tiêu chí, có 30 khu dân cư NTM kiểu mẫu, thêm 200 vườn mẫu đạt chuẩn…
Theo Trà Giang/kinhtenongthon.com.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập378
  • Hôm nay82,755
  • Tháng hiện tại787,868
  • Tổng lượt truy cập90,851,261
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây