Cách đây một tuần, ông Trần Bách Quyền - chủ đầm tôm ở xóm 7 xã Xuân Phổ (Nghi Xuân) tiến thành thả hơn 3 triệu con tôm giống vụ đông. Ông Quyền cho biết: "Nuôi tôm vụ đông như "đánh bạc" với trời do vào mùa mưa bão, thời tiết lạnh, tôm nuôi dễ phát sinh dịch bệnh. Nhưng bù lại, tôm vụ đông được giá nên tôi vẫn bỏ ra gần 250 trăm triệu đồng mua con giống về thả với nhiều hy vọng thành công".
Tại vùng nuôi tôm Rạng Đông xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên), nhiều hộ dân cũng "mạo hiểm" đầu tư nuôi tôm vụ đông.
Chủ đầm tôm Nguyễn Văn Đồng ở thôn Đông Đoài (Cẩm Dương) chia sẻ: "Vụ nuôi chính vừa mới thu hoạch nhưng không ăn thua vì gặp thời điểm tôm rớt giá. Để "kiếm" thêm lợi nhuận, tôi cải tạo ao đầm và thả 3 triệu con tôm giống cho vụ đông."
"Hai vụ chính trong năm bình thường tôi nuôi từ 8 - 10 ao nhưng vụ này rủi ro cao nên chỉ tiến hành thả nuôi 5 ao. Cả vùng nuôi tôm ở Cẩm Dương có diện tích gần 20 ha thì hiện có khoảng 10 ha người dân đã và đang tiến hành xuống giống" - Anh Đồng cho biết thêm.
Tại một số vùng nuôi tôm khác trên địa bàn tỉnh ở các huyện Thạch Hà, Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh ... người nuôi tôm chấp nhận rủi ro "đánh bạc với trời" trong vụ đông này.
Kỹ sư Trịnh Quang Luật - Phó trưởng phòng NN- PTNT huyện Nghi Xuân cho rằng: Nuôi tôm vụ đông phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi, tính rủi ro cao do biến đổi phức tạp của thời tiết, mưa lũ bất thường. Từ nay đến cuối năm, biên độ, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm rất lớn, không thích hợp với điều kiện phát triển của tôm, nhưng lại là điều kiện thích hợp cho mầm bệnh phát triển, đặc biệt là bệnh đốm trắng.
Theo ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, thực tiễn cho thấy nuôi tôm vụ đông rất khó thành công, bởi thời gian nuôi kéo dài từ 4 - 5 tháng do thời tiết lạnh, tôm "ngủ đông" nhưng mang lại giá trị cao gấp 2-3 lần nuôi chính vụ.
Tuy nhiên, nuôi tôm vụ thu đông chỉ phù hợp với vùng tránh được mưa lũ, phải được đầu tư bài bản theo hình thức thâm canh, công nghệ cao trên cát mới hy vọng đem lại hiệu quả về kinh tế. Riêng những diện tích ao nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến chỉ nên nuôi xen ghép, luân canh các đối tượng tôm, cua, cá... ở các vùng nuôi trung triều có ao đầm đảm bảo độ sâu hơn 1m, mang tính tận dụng cải thiện thu nhập là chủ yếu.
"Nuôi tôm vụ đông còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó về mặt kỹ thuật phải đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình nuôi để xử lý kịp thời khi thời tiết xấu ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của tôm. Thêm vào đó, các hộ dân phải chú trọng đến chất lượng con giống, lấy giống tôm tại các cơ sở uy tín trong và ngoài tỉnh, thả giống phù hợp, cỡ giống lớn... Đặc biệt, thả giống với mật độ thưa, từ 50-60 con/m2 trên ao đất, 80 - 100 con/m2 đối với những diện tích nuôi trên cát. Ngoài ra, chủ động các biện pháp quản lý môi trường và bảo vệ sản phẩm, công trình trong mùa mưa lũ an toàn và hiệu quả" - Ông Hoàng khuyến cáo.
Theo Hữu Trung/Bao Ha Tinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã