Lê Đình Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng TĐ-KT tỉnh
Phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm qua đã cổ vũ, động viên các cấp, ngành, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh khắc phục mọi khó khăn, thách thức, tạo ra nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, đồng đều trên các lĩnh vực KT-XH, QPAN và công tác xây dựng Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tạo đà đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh và bền vững.
Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm mô hình nuôi tôm trên cát của Công ty Sao Đại Dương (Thạch Trị - Thạch Hà). Ảnh: Bá Tân |
Mục tiêu nhiệm vụ tổng quát của phong trào thi đua yêu nước từ nay đến năm 2020 là: nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, phát huy truyền thống và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; mở rộng hội nhập; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, gắn với nền nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao; đầu tư lĩnh vực văn hóa - xã hội tương xứng với phát triển kinh tế; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo QPAN; chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị; đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững theo hướng văn minh, hiện đại.
Bác Hồ kính yêu đã căn dặn: “Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững. Nghĩa là phải nâng cao lòng nồng nàn yêu nước và giác ngộ chính trị của mọi người. Yêu nước thì phải thi đua, thi đua tức là yêu nước”. Để đạt được mục tiêu trên, đề nghị các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị, chính trị - xã hội, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng. Thi đua phải là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương, đơn vị, cá nhân, tạo thành cao trào hành động cách mạng, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của ngành, địa phương, đơn vị và của tỉnh.
Trên công trường Ngàn Trươi - Cẩm Trang. Ảnh: Đậu Bình |
Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua yêu nước gắn với đẩy mạnh việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cùng với việc đẩy mạnh các phong trào thi đua, phải thường xuyên quan tâm phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo bước chuyển mạnh về chất trong các phong trào thi đua. Phong trào thi đua yêu nước phải bám sát nhiệm vụ chính trị, thực hiện mục tiêu nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm QPAN của tỉnh và từng ngành, địa phương, đơn vị cơ sở, đồng thời, chú trọng hướng vào giải quyết các vấn đề trọng tâm, cấp bách, khó khăn; thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới. Cùng với việc tổ chức phát động, sơ tổng kết phong trào thi đua chung hàng năm, cần phải quan tâm phát động các phong trào thi đua ngắn hạn theo đợt, theo chuyên đề với nội dung, hình thức phù hợp, đảm bảo thiết thực và hiệu quả.
Nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng; thường xuyên quan tâm, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến; coi trọng việc phát hiện, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng và đề nghị khen thưởng; khen thưởng phải bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện các điển hình tiên tiến để khen thưởng và đề nghị khen thưởng; chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh, cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, dân quân, tự vệ, công an xã, bảo vệ tổ dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp. Khen thưởng phải trên cơ sở đánh giá đúng thành tích, được dư luận xã hội đồng tình, tránh tràn lan, làm giảm ý nghĩa của việc khen thưởng và kiên quyết chống bệnh thành tích; làm tốt chức năng quản lý nhà nước về tổ chức tôn vinh các danh hiệu và trao giải thưởng cho các doanh nhân, doanh nghiệp; bảo đảm tính tiêu biểu, nêu gương, giáo dục và tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội.
Niềm vui trên cánh đồng cằn cỗi xã Xuân Thành (Nghi Xuân) |
Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cắt giảm ít nhất 30% thành phần hồ sơ thủ tục, ít nhất 50% thời gian giải quyết, nâng cao chất lượng, đạo đức nghề nghiệp, thái độ phục vụ, ứng xử văn hóa khi giải quyết công việc với nhân dân và doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực và công tác thi đua, khen thưởng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, đôn đốc tổ chức thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang; tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan chính quyền, MTTQ và đoàn thể nhân dân các cấp trong việc tổ chức thực hiện các phong trào thi đua.
Từ Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ VI, yêu cầu các cơ quan, địa phương, đơn vị tiếp tục phát động phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, thiết thực và hiệu quả chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, kỷ niệm 250 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du và các ngày kỷ niệm của đất nước, của tỉnh. Trước mắt, thực hiện cho kỳ được các mục tiêu KT-XH năm 2015, đặc biệt tăng trưởng trên 26%; thu ngân sách đạt trên 15.000 tỷ đồng, có trên 20% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới, hộ nghèo dưới 5%, an ninh trật tự được đảm bảo.
Với tinh thần “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Những người thi đua là những người yêu nước nhất”, thay mặt lãnh đạo tỉnh, UBND tỉnh, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh, tôi kêu gọi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tỉnh nhà phát huy truyền thống yêu nước, chung sức đồng lòng “đoàn kết, đổi mới, thi đua xây dựng Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững theo hướng văn minh hiện đại”.
Công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2015-2020 tập trung vào các chỉ tiêu cụ thể: 1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 22%/năm; đến năm 2020, GDP bình quân đầu người đạt trên 120 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 80 triệu đồng (khu vực nông thôn đạt trên 65 triệu đồng). 2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ: tỷ trọng công nghiệp, xây dựng trên 56%; dịch vụ trên 34,3%; nông, lâm nghiệp, thủy sản dưới 9%. 3. Thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 40.000 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa trên 20.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 5 tỷ USD. 4. Sản lượng lương thực đạt trên 51 vạn tấn; giá trị sản xuất đạt trên 140 triệu đồng/ha; độ che phủ rừng trên 55%; trên 50% số xã và 2-3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; mỗi xã, phường, thị trấn mỗi năm có ít nhất 3-5 doanh nghiệp, 4-6 HTX kiểu mẫu, 10 tổ hợp tác phát triển có hiệu quả, đến năm 2020 có ít nhất 1 vạn doanh nghiệp, 1.000 HTX kiểu mới, 10 vạn hộ kinh doanh cá thể. 5. Tỷ lệ các khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường trên 80%, tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom trên 96%, tỷ lệ xử lý chất thải rắn y tế đạt tiêu chuẩn trên 85%, 100% dân số thành thị được cung cấp nước sạch, dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh. 6. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 85%; tỷ lệ thôn xóm, khối phố, đơn vị văn hóa đạt trên 70%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa đạt trên 90%. 7. Tỷ lệ trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia trên 92%. 8. 90% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; đạt 8,5 bác sĩ/vạn dân; 100% trạm y tế có bác sĩ; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 10,2%; duy trì tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,7%/năm. 9. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%; bình quân mỗi năm, tạo việc làm cho trên 3,3 vạn lượt lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,8-2%/năm theo chuẩn mới, cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%. 10. 100% đơn vị đạt tiêu chuẩn cơ sở an toàn làm chủ - sẵn sàng chiến đấu; 100% xã, phường ổn định chính trị. 11. Hàng năm, có trên 70% tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh; bình quân mỗi năm, kết nạp trên 3.500 đảng viên mới. 12. Xây dựng thành phố Hà Tĩnh đạt đô thị loại II; thị xã Hồng Lĩnh và thị xã Kỳ Anh đạt đô thị loại III. |
LÊ ĐÌNH SƠN
Theo Báo Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã