Học tập đạo đức HCM

Phố ở vùng biên

Thứ hai - 03/09/2018 00:36

Phố ở vùng biên

Nói đến các xã biên giới người ta thường nghĩ đến cảnh hoang vu, heo hút, nghèo nàn, tệ nạn... Nhưng ở Hà Tĩnh, vùng biên lại trở thành “phố”. Cách đây 4 năm, xã Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn)- xã biên giới đầu tiên trên cả nước đã về đích nông thôn mới. 2 năm sau, “hàng xóm” là xã Sơn Kim 2 cũng về đích. Thành quả của các xã vùng biên Hà Tĩnh thực là những câu chuyện bất ngờ.

Phố ở vùng biên

Phố thị đang mọc lên ở vùng biên giới Hà Tĩnh.

Khởi sắc vùng biên viễn

Men theo QL8A gập ghềnh dốc dựng, ngược dòng Ngàn Sâu thơ mộng để đến Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (thuộc địa bàn xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn), chúng tôi lạc vào những đường làng, ngõ xóm của 2 xã vùng biên nhưng lại ngỡ là phố thị. Đó có lẽ là cảm giác của bất cứ ai khi đặt chân đến khu vực biên giới này. 

Chúng tôi thật sự ngỡ ngàng khi đặt chân đến xã Sơn Kim 1. Những con đường lát bê tông nâng bước người đi đến tận từng ngôi nhà, từng con ngõ; nhà tầng, nhà ngói mọc lên san sát; ô tô đậu trước cổng nhà người dân nhiều không đếm xuể... Đó là những gam màu tươi sáng nói lên cuộc sống sung túc, đủ đầy của người dân vùng thâm sơn cùng cốc Sơn Kim 1.

Mặc dù là xã biên giới giáp với nước bạn Lào nhưng Sơn Kim 1 được UBND tỉnh Hà Tĩnh chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (NTM), theo lộ trình phải về đích năm 2015, tuy nhiên xã đã đáp đích trước một năm.

Ông Trần Văn Hải- Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1 cho biết: “Cuối năm 2013 xã mới đạt được 12 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo rất cao (12%) dù thế nhưng Đảng bộ và nhân dân toàn xã vẫn quyết tâm đạt đích NTM vào năm 2014. Đích đến tiếp theo của xã là đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và hiện nay đã cơ bản hoàn thành 20/20 tiêu chí. Hiện, xã có 5/9 thôn đạt khu dân cư kiểu mẫu, đó là: Khe Năm, Trưng, Công Thương, Vũng Tròn, An Sú. Dự kiến, cuối năm nay sẽ có thêm 2 khu dân cư nữa đạt chuẩn NTM kiểu mẫu”.

Với mục tiêu trở thành phên dậu vững chắc để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, Đảng bộ và nhân dân xã Sơn Kim 1 phấn đấu không ngừng nghỉ để cán mốc xã NTM kiểu mẫu. Chỉ tính riêng từ 2014-2017, địa phương đã huy động được trên 92 tỷ đồng để nâng cấp các tiêu chí NTM. 6 tháng đầu năm 2018, xã đã huy động được 12 tỷ đồng và gần 13.000 ngày công từ nhân dân để hoàn thành các tiêu chí NTM kiểu mẫu.

Điều quan trọng nhất Sơn Kim 1 hướng đến đó là chú trọng phát triển kinh tế. Với đặc điểm là đồi núi và có cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, xã đã đẩy mạnh phát triển nông - lâm nghiệp và thương mại dịch vụ. Đến nay, trong toàn xã có gần 500 mô hình cho thu nhập từ 50 triệu đến 2 tỷ đồng. Xã Sơn Kim 1 đã thành lập được 5 HTX, 3 Tổ hợp tác, 32 doanh nghiệp, 105 hộ kinh doanh cá thể hoạt động có hiệu quả. 

Gia đình chị Trần Thị Linh (thôn Công Thương, xã Sơn Kim 1) trước đây là hộ khó khăn, nhưng từ khi mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, đến nay gia đình chị lại trở thành hộ khá với mô hình nuôi 60 con lợn nái tại nhà và một trang trại 200 lợn thịt thương phẩm. “Lợn nái sau khi sinh lợn con thì cung cấp giống cho trại lợn thịt và đầu ra cũng tương đối ổn định. Mô hình còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động, thu nhập hàng tháng khoảng 4-5 triệu đồng” - chị Linh chia sẻ.

Toàn xã vùng biên này có hơn 40km đường thì đến nay đã được bê tông hóa hoàn toàn. Cơ sở vật chất văn hóa tại xã được đảm bảo với trung tâm hành chính khang trang, có trung tâm văn hóa đa chức năng phục vụ nhu cầu của người dân, 9/9 thôn trong xã có nhà văn hóa. Mỗi thôn xóm đều có sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông để người dân vui chơi, giải trí…Đời sống kinh tế nâng cao tạo nền tảng cho đời sống văn hóa tiến bộ, cuộc sống mới thực sự hiện hữu ở vùng biên Hà Tĩnh.  

Tiếp nối Sơn Kim 1, 2 năm sau xã Sơn Kim 2 về đích NTM và hiện đang tốc lực thực hiện các tiêu chí của xã NTM kiểu mẫu. Sơn Kim 2 có diện tích tự nhiên 20.864,2 ha, có 8 thôn với hơn 1.200 hộ, trên 4.300 nhân khẩu. Trong đó có 86 hộ, gần 300 nhân khẩu là người dân tộc thiểu số. Đặc điểm địa hình rộng, chia cắt, các thôn, cụm dân cư nằm biệt lập, có thôn cách xa trung tâm xã hàng chục cây số. Thời tiết khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt là thiên tai, lũ ống, lũ quét thường xuyên xảy ra, gây khó khăn cho việc đầu tư hạ tầng và phát triển sản xuất của người dân địa phương. Cũng chính từ đó mà việc đầu tư các cơ sở hạ tầng đã gặp không ít khó khăn như hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa...

Nhưng với phương châm biến khó khăn thành lợi thế và sự hỗ trợ tích cực của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, xã Sơn Kim 2 từng bước chinh phục các tiêu chí NTM và năm 2016 về đích trong niềm tự hào của toàn huyện Hương Sơn.

Ngoài 2 xã nói trên, huyện Hương Sơn có Sơn Hồng là xã biên giới. Là xã thuộc diện khó khăn nhất của huyện nhưng đến nay Sơn Hồng đã từng bước vượt qua hoàn cảnh. Ở vùng biên đặc biệt khó khăn này đã xuất hiện 18 mô hình kinh tế mỗi năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng và hàng hàng chục mô hình thu nhập trên 100 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 26,2 triệu đồng/năm, phấn đấu đến cuối năm 2018 đạt trên 28,5 triệu đồng/người; hộ nghèo theo tiêu chuẩn NTM chỉ còn 7,35%. Toàn xã có 7/11 thôn văn hóa, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 87%, xã đã đạt 12/20 tiêu chí NTM. 

Biến khó khăn thành lợi thế

Từ chỗ là điểm sáng của Hà Tĩnh ở vùng Tây Bắc nhưng có giai đoạn huyện Hương Sơn dường như lâm vào khủng hoảng. Khu kinh tế duy nhất- Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo từng có trên 200 doanh nghiệp hoạt động nhưng nay chỉ còn trên dưới 100 doanh nghiệp. Tỷ lệ hoạt động hiệu quả trong số đó chỉ đếm được trên đầu ngón tay, thậm chí thị trấn Tây Sơn - nơi vốn được coi là trung tâm khu kinh tế cũng ảm đạm, héo mòn vì hoạt động buôn bán, du khách qua lại trong khu vực giảm mạnh. Nhiều hộ sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ từng “nứt vách” nhưng những năm gần đây cũng chết dần chết mòn vì phía nước Lào thực hiện chính sách đóng cửa rừng…Thế nhưng, bằng việc chọn hướng đi mới - tập trung thực hiện để tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM bền vững, Hương Sơn từng bước bước qua rào cản khó khăn. 

Hương Sơn có tổng diện tích tự nhiên trên 109.679 ha, trong đó rừng và đất rừng 84.617ha (chiếm 77%); đất sản xuất nông nghiệp 16.625 ha (chiếm 15%). Đây là lợi thế để huyện đẩy mạnh phát triển sản xuất, “xóa đói giảm nghèo”, vươn lên khá giả, thậm chí làm giàu trên chính đồng đất quê hương mình. Sau gần 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn ở huyện miền núi biên giới Hương Sơn đã thay đổi đậm nét. Đến thời điểm này, huyện đã có 8 xã đạt chuẩn NTM.

Phố ở vùng biên

 Trường học mới ở xã biên giới Sơn Kim 1.

Theo lộ trình từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 huyện Hương Sơn sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực, tận dụng tối đa lợi thế về đất rừng và nguồn nhân lực để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm và bền vững. Cụ thể, chuyển đổi khoảng 2.000ha đất lúa, 500ha đất màu sang trồng cây thức ăn chăn nuôi để mở rộng quy mô đàn gia súc. Ưu tiên phát triển các cây trồng chủ lực có lợi thế nhất là cây ăn quả có múi (cam chanh, cam bù, quýt, bưởi). Đối với cây lâm nghiệp, khai thác, sử dụng có hiệu quả đất rừng sản xuất là rừng trồng và đất chưa có rừng. Mỗi năm trồng mới 1.000ha, đến năm 2020 ổn định diện tích rừng trồng nguyên liệu 12.000ha, trong đó rừng gỗ lớn 3.000ha; sản lượng khai thác bình quân hàng năm 81.600 m3, giá trị sản xuất 160 tỷ đồng. Khuyến khích phát triển lâm nghiệp đa chức năng, xây dựng các mô hình rừng sinh thái gắn với phát triển du lịch. Điểm nhấn trong tương lai là khu du lịch sinh thái Rào Àn, khu du lịch Nước Sốt (xã Sơn Kim 1); khu du lịch Hải Thượng Lãn Ông (thị trấn Phố Châu)...

Với chăn nuôi, chú trọng phát triển các đối tượng chủ lực, có lợi thế như: huơu sao, bò; tiếp tục phát triển đàn vật nuôi truyền thống như gà, dê, nuôi ong lấy mật nhằm khai thác có hiệu quả nguồn thức ăn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị từ giống, thức ăn đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao năng suất, giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng, gắn với thị trường tiêu thụ.

Là huyện miền núi biên giới, có Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và chằng chịt đường tiểu ngạch, là nơi các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy và tội phạm xuyên quốc gia thường xuyên lui tới nhưng, nhờ có đội quân mang quân hàm xanh tinh nhuệ ngày đêm quên mình canh giữ biên cương nên vùng trời, vùng đất biên cương Hương Sơn luôn bình yên, ổn định. Mặc dù vẫn còn nhiều thử thách nhưng với cách làm và hướng đi mới, vùng biên viễn Hương Sơn sẽ có bước phát triển bền vững, trở thành phên dậu vững chắc góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia. 

Tác giả bài viết: Hạnh Nguyên

Nguồn tin: daidoanket.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập204
  • Hôm nay35,839
  • Tháng hiện tại903,350
  • Tổng lượt truy cập90,966,743
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây