Xã Bình Lộc hiện có hàng chục mô hình chăn nuôi bò nhốt mang lại hiệu quả kinh tế
Phát triển kinh tế từ nuôi bò nhốt, nuôi lợn đến đại lý buôn bán hàng nông sản, thức ăn gia súc, mỗi năm, chị Phan Thị Phương (thôn 4) thu hàng trăm triệu đồng. Chị Phương cho biết: “Để có được ngày hôm nay tôi trải qua nhiều khó khăn, từ những chuyến xe đi buôn gà đến hàng xáo. Tất bật là thế nhưng cũng không đủ để trang trải. Những ngày đó, nhờ nguồn vốn khởi nghiệp và các cuộc tập huấn khởi nghiệp do hội phụ nữ các cấp tổ chức, tôi đã thay đổi suy nghĩ và quyết tâm đầu tư”.
Chị Phương mạnh dạn phát triển nghề chăn nuôi bò nhốt, chăn nuôi lợn. Để tạo điều kiện phát triển chăn nuôi và tiêu thụ nông sản của người dân, chị đã đầu tư vốn thu mua hàng nông sản, đồng thời mua thêm 10 máy: xay, nghiền, lọc gạo, xay bột, làm nổ, làm bánh… Nhờ đó, không chỉ thay đổi cuộc sống của chính gia đình, đại lý của chị Phương còn là đầu mối tin cậy trong việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản cho bà con trong vùng, góp phần giải quyết việc làm lúc nông nhàn cho nhiều lao động.
Việc kết hợp chăn nuôi và kinh doanh hàng nông sản đã mang về cho gia đình chị Phương mỗi năm hàng trăm triệu đồng
Cùng chung ý tưởng phát triển kinh tế qua các chương trình khởi nghiệp của phụ nữ, những năm qua chị Trần Thị Bình (thôn 6) cùng 5 gia đình trong thôn 6 thành lập tổ hợp tác chăn nuôi lợn. Nghề phụ nhưng mang lại nguồn thu nhập chính đã giúp chị gây dựng kinh tế gia đình, nuôi con ăn học. Vì thế, dù có lúc giá lợn rớt, người chăn nuôi bỏ cuộc, chị vẫn động viên tổ hợp tác kiên trì.
Chị Bình cho biết: “Tổng đàn của tổ hợp tác chúng tôi có hơn 100 con lợn, riêng gia đình tôi có 4 con nái và 16 con thịt. Đợt xuống giá vừa qua, nhiều người bán đàn, bán nái, từ bỏ chăn nuôi nhưng tôi nghĩ rằng làm gì cũng thế, phải có lúc thăng, lúc trầm. Tôi vẫn tiếp tục vay tiền đổ cám cho lợn đồng thời động viên chị em trong tổ hợp tác cố gắng duy trì. Đợt ấy, tôi lỗ khoảng 100 triệu đồng. Năm nay, giá lợn được cải thiện, người chăn nuôi như chúng tôi cũng thở phào nhẹ nhõm. Từ đầu năn đến nay, tôi đã xuất được 3 lứa lợn thịt với nguồn thu 100 triệu đồng”.
Chị Phan Thị Tâm - Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Lộc phấn khởi: “Phụ nữ Bình Lộc chúng tôi bây giờ năng động lắm. Từ ý tưởng, kiến thức và nguồn vốn của các chương trình hỗ trợ, từ những mô hình, điển hình trong phát triển kinh tế đã tạo nên phong trào thi đua trong đông đảo hội viên với nhiều hình thức đa dạng hóa xây dựng mô hình kinh tế. Từ chăn nuôi bò nhốt, chăn nuôi lợn, thu mua nông sản đến các mô hình làm đậu phụ, bún, bánh, thu gom phế liệu đến phát triển tiểu thủ công nghiệp".
Sự hỗ trợ của hội bằng nguồn vốn ưu đãi đã giúp chị Trần Thị Bình ở thôn 6 giữ vững đàn khi lợn xuống giống
Ngoài đồng hành về tinh thần, thời gian qua, Hội LHPN xã còn tín chấp qua các ngân hàng. Tổng nguồn vốn vay đạt 15 tỷ đồng, đã có 422 hội viên tiếp cận. Trong 32 mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ trên toàn xã đã có gần 20 mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, các chị còn duy trì có hiệu quả hoạt động của 3 tổ hợp tác và 3 hợp tác xã.
Từ việc khơi dậy phong trào phát triển kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ ở Bình Lộc ngày càng được cải thiện. Đó cũng là giải pháp của Bình Lộc trong việc thu hút tỷ lệ tập hợp hội viên tham gia sinh hoạt từ 55% lên đến 85%.
Theo Anh Thư/Bao Ha Tinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã