Nép mình bên dòng A Vương, sau lưng là đồi A Đí, thôn Tà Vàng, xã Atiêng, huyện Tây Giang, đẹp hiền hòa như một phố nhỏ giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Mọi người đến đây không khỏi ngạc nhiên khi thấy mỗi nhà đều được đánh số nhà trên một tấm nhựa, có địa chỉ thôn, xã và tên của chủ hộ.
Trưởng thôn Alăng Nheeng, người đàn ông có vóc dáng nhỏ gọn, khuôn mặt sạm đen, tự hào cho biết, thôn Tà Vàng có 74 hộ, với 273 nhân khẩu. Từ đầu năm 2012, thôn đã triển khai đánh số nhà cho từng hộ gia đình. Cụ Bríu Thị Bonh (SN 1944) chiều chiều lại ra đứng trước Gươl, nơi sinh hoạt cộng đồng truyền thống của người Cơ tu, thôn Tà Vàng và không khỏi xúc động khi nói về việc xây dựng NTM.
Cụ Bonh chia sẻ, cuộc đời cụ đã gắn liền với mảnh đất Atiêng nhưng chưa bao giờ bà thấy bản làng khang trang, sạch đẹp như lúc bắt đầu xây dựng NTM đến nay. “Nhiều lần người dân trong thôn đã góp sức làm Gươl, nhưng Gươl lần này được xây dựng nhờ có sự hỗ trợ từ chương trình NTM nên đẹp hơn cả. Cả làng đã cùng nhau góp công sức sau hơn 2 tháng mới xây dựng được Gươl này đó”, với vốn tiếng Việt khiêm tốn, cụ Bonh chậm rãi nói.
Việc xây dựng NTM tại Quảng Nam luôn gắn liền với việc bảo tồn các giá trị truyền thống.
Theo ông Lê Trung Thủy, Chủ tịch UBND xã Atiêng, trên địa bàn xã ngoài thôn Tà Vàng còn có thôn Aching cũng thực hiện việc đánh số thí điểm số nhà. Việc đánh số nhà không chỉ thực hiện chủ trương NTM mà còn giúp dễ dàng trong việc quản lý hộ nghèo, chủ hộ của các gia đình trên địa bàn. Số nhà được lưu vào phần mềm máy tính, mỗi khi có thay đổi về chủ hộ thì chỉ cần chỉnh sửa thông tin chứ số nhà vẫn không đổi.
Điều đáng mừng là từ năm 2011, năm bắt đầu thực hiện chủ trương xây dựng NTM tại địa phương, người dân xã biên giới Atiêng luôn tán đồng, ủng hộ và thực hiện tốt chủ trương này. Đến nay, 6/6 thôn của xã Atiêng đã xây dựng Gươl…
“Nhân dân trong xã đã đóng góp bằng hoa màu, đất đai, vật kiến trúc trên đất để thực hiện việc làm các mặt bằng, sắp xếp bố trí dân cư và xây dựng các công trình khác quy ra tiền khoảng 17 tỷ đồng; đồng thời giúp đỡ nhau hàng ngàn ngày công lao động trong công tác tháo dỡ, di dời nhà cửa để ổn định cuộc sống, làm ăn phát triển kinh tế. Ở miền biên giới xa xôi này, bà con nhận thức rõ mình chính là chủ thể và là người thụ hưởng những thành quả do NTM mang lại”.
Ông Bhling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, nói tiếp rằng, huyện có 10 xã, với khoảng 18.000 dân, đa phần là đồng bào Cơ tu; phấn đấu đến năm 2020 huyện sẽ đạt được danh hiệu là huyện NTM, trong khi tỉnh Quảng Nam đặt ra mục tiêu chỉ cần 5/10 xã của huyện Tây Giang đạt được nông thôn mới vào năm 2020. Với điểm sáng là xã NTM Anông, đạt được 19/19 tiêu chí vào cuối năm 2014, và là 1 trong 10 xã điểm của tỉnh Quảng Nam được công nhận hoàn thành chương trình NTM, Tây Giang tin tưởng sẽ hoàn thành được mục tiêu đã đề ra.
Để đánh giá và rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng NTM mới trên địa bàn, ngày 24-2, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, trong 5 năm qua, toàn tỉnh Quảng Nam đã huy động được gần 16.920 tỷ đồng phục vụ chương trình xây dựng NTM. Đến cuối năm 2015, bình quân chung số tiêu chí đạt chuẩn NTM (theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM: 19 tiêu chí) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là 11,5 tiêu chí/xã (240 xã), tăng 8,89 tiêu chí/xã so với năm 2010.
Để công nhận các xã, huyện, thành phố đạt chuẩn NTM, Quảng Nam đã chỉ đạo và tổ chức thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng NTM các cấp… Trên cơ sở đó xây dựng hồ sơ đề nghị cấp trên kiểm tra, công nhận địa phương đạt chuẩn NTM.
Đặc biệt, ngày 28-10-2015, UBND tỉnh Quảng Nam đã hoàn thành hồ sơ thẩm tra, gửi Bộ NN&PTNT để tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xét công nhận huyện Phú Ninh, thị xã Điện Bàn đạt chuẩn huyện NTM năm 2015. Đoàn thẩm định của Trung ương đã tổ chức thẩm định thực tế tại 2 địa phương này vào ngày 13 và 14-1 vừa qua…
Theo: cand.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã