Từ cam chanh, cam bù, quýt tắt, quýt ngọt, bưởi Phúc Trạch cho đến tôm, cá, mực, nấm… khắp các vùng miền trong tỉnh đã được sắp gọn gàng, đẹp mắt lên các kệ hàng; ấy cũng là lúc khách tham quan, mua sắm bắt đầu đổ về với lễ hội lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Tĩnh.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải tham quan các gian hàng
Doanh nghiệp tư nhân Tân Thanh Phong có kinh nghiệm sản xuất giống cam, bưởi cả chục năm nay, nay doanh nghiệp này còn liên kết, bao tiêu sản phẩm cho hơn 300 vườn cam ở Hương Khê, Hà Tĩnh. Những lễ hội như thế này, chính là cơ hội để quảng bá thêm thương hiệu cam của mình, đồng thời kết nối với những đầu mối tiêu thụ trên toàn quốc.
Các gian hàng được trình bày rất bắt mắt
Ông Hà Tiến Dũng, Giám đốc doanh nghiệp Tân Thanh Phong cho biết: “Đã tham gia rất nhiều hội chợ, doanh nghiệp xác định đây là cơ hội đến gần với người tiêu dùng hơn. Hiện nay, các vườn liên kết của công ty đều được hướng dẫn canh tác theo quy trình kỹ thuật đảm bảo để sản lượng cao, đồng đều. Lễ hội cam lần này, tất cả các sản phẩm của chúng tôi đều có dán tem truy xuất nguồn gốc. Đến nay, giá cam của Tân Thanh Phong bán ra cao hơn thị trường nhưng rất được người tiêu dùng ưa chuộng”.
Đặc sản cam Khe Mây
Cũng theo ông Dũng cho biết, hiện nay, doanh nghiệp là một trong số ít còn có sản phẩm bưởi Phúc Trạch bán ra dù đã hết mùa nhờ công nghệ bảo quản tiên tiến, an toàn. Từ chiều qua đến đầu giờ sáng nay, doanh nghiệp đã bán ra hơn 2 tấn cam, bưởi.
Cùng hướng đi sản xuất bền vững, nhằm đưa đến tay người tiêu dùng sản phẩm chất lượng nhất, rõ nguồn gốc xuất xứ, ông chủ trẻ Lê Phương - Giám đốc HTX Tân Phương Đông (Thượng Lộc, Can Lộc) đã mất cả tháng trời để chuẩn bị, lựa chọn sản phẩm của mình mang đến lễ hội cam lớn nhất trong năm nay. Cam chanh, cam mát, bưởi Phúc Trạch…, HTX mới thành lập được 5 năm nhưng sản phẩm cam đã được dán tem truy xuất nguồn gốc từ 2 năm nay.
Anh Lê Phương cho biết: “Khi khách hàng check mã thì sẽ ra các thông tin cần biết về nhà vườn, giá bán, quy cách sẽ giúp người tiêu dùng nhận biết thông qua tem của sản phẩm. Chúng tôi xem lễ hội là một trường học lớn, vừa giao lưu, học hỏi, kết nối. Và, quan trọng nhất là sản phẩm chúng tôi đến gần hơn với người tiêu dùng, đề khách hàng biết đến thương hiệu cam Thượng Lộc nhiều hơn”.
Dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhờ mã vạch
Gian hàng nấm của Sở KH&CN Hà Tĩnh
Dù thời tiết không ủng hộ nhưng không ảnh hưởng đến việc khách tham quan đến với những gian hàng. Bà Lê Thị Tý (đường Phan Đình Phùng, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi rất hào hứng chờ đợi lễ hội nông sản từ mấy hôm nay. Từng biết Hà Tĩnh có rất nhiều đặc sản, thế nhưng chưa có dịp đi hết để thưởng thức hết những sản phẩm trên quê hương mình. Vì thế, đến đây để tham quan, mua sắm nhưng cũng để hiểu thêm về văn hóa của quê hương”.
Thơm ngon mực khô Hà Tĩnh.
Những bạn trẻ tuổi như Nguyễn Hoài Nam (26 tuổi, ở TP Hà Tĩnh) cũng đến lễ hội từ rất sớm. Với Nam, đây thực sự là một trải nghiệm về văn hóa, du lịch thông qua các sản phẩm nông sản ở từng địa phương. “Mỗi vùng, miền lại có những đặc trưng khác nhau về sản phẩm của mình từ chủng loại đến mùi vị. Em rất thích thú điều này”, Nam chia sẻ.
"Ơi quê ta bánh đá bánh đúc. Nơi thảo thơm đồng xanh trái ngọt"
Lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh diễn ra đến hết ngày 4/12. Lễ hội không chỉ để quảng bá, tôn vinh các sản phẩm nông sản đặc trưng của Hà Tĩnh, là dịp xúc tiến cung cầu, đưa sản phẩm của Hà Tĩnh đến gần với người tiêu dùng hơn, mà còn là cơ hội để giới thiệu đến bạn bè trong nước, quốc tế về con người, văn hóa Hà Tĩnh, khẳng định thương hiệu OCOP của Hà Tĩnh ngày càng bền vững hơn.
Tham gia lễ hội có 28 đơn vị, với 86 gian hàng đến từ các địa phương, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và đơn vị. Trong đó, có 33 gian hàng sản phẩm cam và bưởi, 38 gian hàng về sản phẩm nông nghiệp và 15 gian hàng sản phẩm khác. |
Nhóm PV Kinh Tế/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã