Sau khi nghe lãnh đạo Sở Công thương trình bày Dự thảo Đề án về một số chính sách đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo, các đại biểu dự hội nghị cho rằng: Hiện nay, ngoài hạ tầng thiếu đồng bộ thì xử lý nước thải là vấn đề bức bí nhất. Tỉnh cần tính toán nhu cầu vốn đầu tư, phân loại vốn đầu tư đối với các dự án, lựa chọn những chính sách thiết thực để thúc đẩy phát triển CN - TTCN và thu hút các nhà đầu tư; xem xét, bổ sung thêm mục cụ thể hỗ trợ cho cụm CN làng nghề. Các chính sách phải đủ mạnh, có tầm nhìn chiến lược lâu dài và phù hợp với thực tiễn phát triển của Hà Tĩnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng đã nêu lên sự lạc hậu của các chính sách, những bất hợp lý trong công tác quản lý Nhà nước đối với các Khu, cụm công nghiệp; chỉ rõ những vướng mắc trong quản lý đất đai, hạ tầng kỷ thuật trong và ngoài hàng rào. Việc thu hút doanh nghiệp vào Khu, cụm công nghiệp cũng đang tồn tại vướng mắc. Đặc biệt hầu hết 30 các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, không có hệ thống xử lý nước thải.
Từ thực tế này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu lên sự cần thiết phải xây dựng đề án, đảm bảo đột phá, tạo cú hích huy động được nguồn vốn tham gia vào xây dựng hạ tầng Khu, Cụm công nghiệp trên địa bàn. Trong đó tập trung vào xã hội hóa nguồn lực xây dựng hạ tầng kỷ thuật các khu, cụm công nghiệp, hệ thống cấp, thoát nước đồng bộ. Hiện tại, hầu hết các tỉnh trong khu vực đã xây dựng, ban hành cơ chế chính sách, do đó Đề án của Hà Tĩnh lần này phải có điểm mới, đủ mạnh và ổn định lâu dài để tạo động lực, niềm tin cho các nhà đầu tư.
Trên cơ sở đó, Sở Công thương tiếp thu, bổ sung những nội dung trọng tâm mà các sở, ngành, địa phương đã nêu, nhất là về chính sách phát triển khu, cụm công nghiệp; xây dựng bộ chính sách đủ mạnh, để thu hút doanh nghiệp đầu tư, tạo điều kiện cho CN -TTCN Hà Tĩnh phát triển tương xứng với tiềm năng./.
Văn Sơn/hatinhtv.vn