Thâm canh lúa cải tiến SRI là phương pháp canh tác dựa trên các cơ sở khoa học nhằm giải quyết những hạn chế từ thực tế sản xuất lúa hiện nay. Với biện pháp canh tác truyền thống, nông dân thường tiến hành cấy khi cây mạ có từ 4-5 lá, thậm chí còn già hơn; mỗi khóm thường từ 3 - 5 dảnh và cấy 45 - 50 khóm/m2. Biện pháp này làm cho cây mạ bị đứt rễ, lâu hồi xanh, dẫn đến đẻ nhánh kém, số dảnh hữu hiệu thấp và bông nhỏ, hạt ít.
Cánh đồng sản xuất theo chương trình thâm canh lúa cải tiến SRI tại xã Kim Lộc (Can Lộc) được nhiều địa phương tham quan, nghiên cứu. |
Mặt khác, bà con nông dân thường bón đạm cao hơn so với nhu cầu của cây lúa và không cân đối với kali, hoặc bón không đúng thời điểm… cũng là nguyên nhân gây bùng phát các loại sâu bệnh hại. Hệ lụy của những biện pháp canh tác nêu trên, nếu lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ làm cho đất canh tác ngày càng xấu, ngộ độc đất ngày càng tăng, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng, năng suất lúa ngày càng giảm.
Hệ thống thâm canh lúa cải tiến là thực hiện tổng hợp các biện pháp: quản lý dịch hại tổng hợp; quản lý dinh dưỡng và quản lý nước; dựa trên 5 nguyên tắc: cấy mạ non và mạ đúng tuổi; cấy thưa; mỗi khóm cấy từ 1-2 dảnh; phòng trừ cỏ dại kịp thời; quản lý nước và thông khí cho đất; bổ sung chất hữu cơ; với mục đích làm cho cây lúa khỏe mạnh, có bộ rễ khỏe, phát triển tốt; cây đẻ nhiều nhánh và đẻ tập trung giai đoạn đầu; mỗi khóm lúa có nhiều bông và tỷ lệ hạt chắc trên bông cao… Trong khi đó, hạn chế tối đa việc phun thuốc BVTV và tiết kiệm được đáng kể lượng nước tưới.
Với hiệu quả thiết thực, chương trình thâm canh lúa cải tiến đã được thực hiện khá rộng rãi ở nhiều địa phương trên cả nước. Ở tỉnh ta, chương trình SRI bắt đầu được triển khai từ vụ đông xuân năm 2008 tại 9 xã của các địa phương: Can Lộc, Thạch Hà, TX Hồng Lĩnh, Đức Thọ, Kỳ Anh và Cẩm Xuyên. Vượt qua những khó khăn, trở ngại ban đầu, đến nay, chương trình SRI đã thực sự mở ra một bước ngoặt mới về chất lượng và hiệu quả trong sản xuất thâm canh; đổi mới được cách nghĩ, cách làm của người nông dân, đặc biệt là trong thời kỳ sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu.
Đến nay, các xã tham gia đã có từ 30 - 75% diện tích được thực hiện theo mô hình SRI với tổng diện tích trên 1.000 ha. Tại buổi gặp mặt giữa lãnh đạo Chi cục BVTV tỉnh và đại diện các HTX, câu lạc bộ và hộ nông dân tham gia sản xuất lúa theo chương trình SRI vừa qua, các hộ sản xuất đã trao đổi những kinh nghiệm, những cách làm hay và kết quả đạt được trong quá trình tham gia chương trình thâm canh lúa cải tiến. Hầu hết các hộ sản xuất đều rất phấn khởi và tâm đắc trước những lợi thế so sánh giữa canh tác theo chương trình SRI với sản xuất lúa truyền thống.
Ông Lê Văn Sum - Chủ nhiệm HTX Yên Phúc, xã Yên Hồ (Đức Thọ) cho biết: “Trong cùng một điều kiện canh tác, qua thực tế sản xuất cho thấy, việc sản xuất theo chương trình SRI hạn chế được rất nhiều khâu và nhiều chi phí trong khi đó lại cho năng suất cao hơn hẳn kiểu sản xuất truyền thống, đặc biệt là hạn chế tối đa số lần phun thuốc BVTV”.
Với những hiệu quả thiết thực mà chương trình SRI mang lại, các địa phương được triển khai chương trình đã coi đây là cơ hội lớn để nâng cao hiệu quả và chất lượng sản xuất thâm canh lúa trên địa bàn. Đặc biệt, một số xã đã thành lập được câu lạc bộ nông dân nòng cốt để tuyên truyền, vận động, tập huấn; phát huy hiệu quả sản xuất; hỗ trợ kỹ thuật cho bà con và từng bước nhân rộng mô hình.
Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh - Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh thì mặc dù đã khẳng định được hiệu quả thiết thực, nhưng chương trình SRI chưa có được sức lan tỏa mạnh mẽ, chưa được triển khai một cách rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh. Đây được coi là một trong những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, đồng thời cũng là nhiệm vụ quan trọng trước mắt của ngành chuyên môn để chương trình phát huy được ưu điểm của mình, tạo cơ hội cho nhiều hộ nông dân được tham gia và thụ hưởng; góp phần đổi mới và hướng đến một nền nông nghiệp an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững.
VŨ DŨNG
theo baohatinh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã