Bôn ba khắp đất Tây Nguyên làm thuê nhưng thu nhập không đáng là bao, anh Trần Văn Hiệp ở thôn 4, xã Phúc Trạch (Hương Khê) quyết tâm trở về gây dựng mô hình trồng cây ăn quả trên mảnh đất quê hương. Trở ngại lớn nhất mà anh Hiệp gặp phải chính là nguồn vốn.
“Thời điểm xây dựng mô hình trồng cây ăn quả, tôi được vay vốn của Tỉnh đoàn 20 triệu đồng, nguồn vốn từ chương trình xây dựng NTM 50 triệu đồng; trong khi đó, muốn ra mắt mô hình cần đến 800 triệu đồng. Bản thân còn trẻ, không có tài sản để thế chấp nên tôi phải nhờ người thân trong gia đình đứng ra vay vốn, các thủ tục pháp lý hết sức phức tạp” – anh Hiệp chia sẻ.
Đừng chờ “sung rụng", thanh niên có thể tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương để làm nên những trang trại tiền tỷ.
Cho đến bây giờ, khi vườn cam với 2.000 gốc của anh Hiệp và 2 cộng sự đã bắt đầu cho những quả bói đầu tiên thì vấn đề nguồn vốn để đầu tư chăm sóc hay phát triển thêm cây trồng mới vẫn gặp khó. Bởi những nơi có thể vay, anh Hiệp đều đã nhờ hết, trong khi vườn cam hiện tại lại chưa cho thu nhập.
Còn với anh Phan Thế Trung ở xã Đức An (Đức Thọ), nung nấu ý tưởng xây dựng mô hình kinh tế từ lâu nhưng mãi đến giữa năm 2016, anh mới ra mắt mô hình trang trại 24 con bò, 600 con gà, trồng cây keo tràm, thả cá... Hiện tại, mô hình cũng đang dừng lại ở quy mô vừa và chưa thể phát triển thêm cũng bởi thiếu vốn, còn những sản phẩm đang đầu tư chưa thể thu lợi. Anh Trung tiếc nuối: “Nếu có vốn, mô hình được đầu tư sớm hơn thì đến giờ, hướng phát triển đã khác. Cơ hội thị trường, tiếp cận chính sách trước đây có những yếu tố thuận lợi hơn, bởi vậy, triển khai càng sớm, càng thành công”.
Trên thực tế, qua tiếp cận với một số thanh niên là chủ các trang trại kinh tế, họ đều cho rằng, ý tưởng, khát vọng làm giàu luôn cháy bỏng. Tuy nhiên, trước những khó khăn về nguồn vốn, nhiều thanh niên nông thôn có tư tưởng “khả năng tới đâu làm tới đó”, không dám nghĩ đến việc đầu tư các mô hình kinh doanh mới.
Cũng vì ngại khó nên không ít thanh niên đang tìm kiếm công việc tạm bợ, qua ngày mà chưa tính kế lâu dài. Bạn Đ.T.N (24 tuổi, xã Cương Gián, Nghi Xuân) bộc bạch: “Em tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế đã 2 năm, đến nay vẫn chưa có việc làm. Bây giờ, em đang đi làm tạm ở cửa hàng bán quần áo và thấy có việc như thế là được rồi”.
2.000 gốc cam của anh Trần Văn Hiệp (thôn 4, xã Phúc Trạch, Hương Khê) và cộng sự vẫn đang cần thêm nguồn vốn để phát triển.
Ở nhiều địa bàn nông thôn, tình trạng thanh niên rời quê hương đi làm thuê hoặc xuất khẩu lao động khá phổ biến. Đơn cử, xã Khánh Lộc (Can Lộc) có hơn 2.000 ĐVTN nhưng gần 1.000 trong số đó đã lên đường “Nam tiến” trở thành công nhân trong các khu công nghiệp, công ty hoặc bán trái cây, lái taxi ở các thành phố lớn. Số còn lại, trừ ĐVTN khối trường học, đa phần làm ruộng, làm các nghề phụ như đan lát, phụ hồ, giăng câu, chăn nuôi gà nhỏ lẻ... Tổng số mô hình kinh tế thanh niên Khánh Lộc đếm không quá đầu ngón tay; không có mô hình do nữ thanh niên làm chủ.
Ngay ở Đức Thọ, địa phương có phong trào thanh niên khởi nghiệp khá tốt vẫn chưa hết những trăn trở. Anh Hồ Ngọc Hân - Bí thư Huyện đoàn Đức Thọ chia sẻ: “Toàn huyện hiện có 89 mô hình kinh tế hiệu quả, riêng năm 2016, phát triển 23 mô hình. Tuy nhiên, phần lớn các bạn trẻ không thích sự đột phá, không dám mạnh dạn tiên phong, chấp nhận làm công nhân, đi xuất khẩu lao động xứ người nhưng không chịu thương chịu khó phát huy tiềm năng, làm giàu tại quê hương”.
Theo: Thu Hà/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã