Dưới chân núi Tùng Lĩnh, nơi bến Tam Soa người Hà Tĩnh đã chinh phục thiên nhiên, bắt nước phải chảy ngược dòng để tưới mát cho trên 20 ngàn ha lúa nhiều năm khô hạn. 50 năm trôi qua, nơi ấy dòng sông La vẫn trong xanh hiền hòa, những công nhân miệt mài khuya sớm lặng lẽ dâng cho đời những mùa vàng bội thu.
Nhân dịp kỷ niệm 50 ngày thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Cty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh, NNVN có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Hùng (ảnh), Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Cty về chặng đường dài làm người bạn đồng hành, chung thủy với nông dân.
Ông có thể nói đôi nét về vạn sự khởi đầu…?
Được thành lập từ ngày 26/3/1963 với tên gọi Thủy nông Linh Cảm bao gồm hệ thống kênh tưới với trạm bơm Linh Cảm và hệ thống công trình trên kênh, được chính thức khởi công xây dựng trong thời kỳ miền Bắc đang hồ hởi phấn khởi đẩy mạnh phong trào xây dựng HTXNN.
Thời bấy giờ đại thủy nông Linh Cảm là công trình lớn nhất khu vực miền Trung. BCH công trình được thành lập do ông Trần Quang Đạt, Trưởng ty Thủy lợi Hà Tĩnh làm Trưởng ban danh dự. Lễ khởi công bằng nhát cuốc đầu tiên được bổ xuống tại K7 kênh 9 thuộc xã Đức Lập, huyện Đức Thọ.
Sau lễ động thổ có trên 2 vạn lao động trong toàn tỉnh đến với công trình bằng “mo cơm, quả cà với tấm lòng cộng sản” để cùng nhau làm nên kỳ tích công trình thủy nông Linh Cảm hôm nay.
Công trình sinh ra trong thời bao cấp cũng là trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, là mục tiêu bắn phá của máy bay giặc Mỹ, song việc thi công diễn ra thế nào, thưa ông?
Có thể nói công trình thể hiện sức mạnh, ý chí bền gan của con người Hà Tĩnh. Nguồn vốn đầu tư của Trung ương thời bấy giờ chỉ có 8.800 đồng. Đây là một khoản tiền rất lớn mặc dầu trong bối cảnh chiến tranh ác liệt, đất nước đang còn muôn vàn khó khăn nhưng sự quan tâm đặc biệt của Trung ương đối với Hà Tĩnh không gì sánh nổi.
Để thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã không đồng tâm, hợp lực, người người đi làm thủy lợi, nhà nhà đi làm thủy lợi. Có nhiều gia đình tự huy động cả vợ chồng con cái cùng đi, không hề nà mặc cho bom đạn Mỹ đánh phá. Lúc đó có câu hát nổi tiếng "địch phá một thì ta làm mười”. Dưới làn bom rơi đạn nổ ấy có không ít người con đã anh dũng hy sinh nằm lại, nhiều người mang trên mình vết thương vì bom Mỹ để có được công trình thủy nông Linh Cảm hôm nay.
Công trình chính thức cấp nước từ năm nào, thưa ông?
Như tôi đã nói, công trình được khởi công vào ngày 26/3/1963, sau hơn 1 năm thi công, ngày 20/7/1964, hai hệ thống máy bơm đã bơm tưới đúng với công suất lắp đặt. Bước đầu cấp tưới được 900 ha, đến năm 1966 nâng dần lên 4.601 ha cho đến năm 1968 nâng lên tưới được 13.363 ha.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, năm 1982 kênh cấp 1 được nâng cao, kéo dài, kênh cấp dưới được bổ sung mở rộng với 1.600 cống vào các khoảng đã xây dựng để cấp nước tưới cho các vùng nhỏ. Bấy giờ tỉnh Nghệ Tĩnh giao cho thủy nông Linh Cảm phải tưới cho được diện tích của 6 huyện: Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Hương Sơn, Nghi Xuân và Nam Đàn. Diện tích tưới tăng lên tới 23.600 ha.
Nhờ công trình thủy nông Linh Cảm, khu vực Bắc Hà Tĩnh luôn được mùa
Sau khi có nước về đồng, hiệu quả từ công trình thủy nông Linh Cảm cho thấy rõ rệt. Khi chưa có nước Linh Cảm năng suất lúa chỉ đạt 22,5 tạ/ha, nếu vấp phải hạn hạn kéo dài thì chỉ đạt cao nhất 30 kg/sào, chủ yếu là mất trắng. Khi có nước Linh Cảm về mỗi ha gieo cấy luôn đạt từ 4,5 tấn/ha. Có nước nông dân vỡ hoang nhân rộng được nhiều diện tích hoang hóa, đời sông dân sinh ngày một đổi thay.
Công trình đại thủy nông Linh Cảm sau 50 năm quy mô phát triển ra sao, thưa ông?
50 năm trôi qua cả một chặng đường dài có biết bao biến đổi, có những lúc Cty phải tách nhỏ ra giao về các cho các huyện quản lý, Cty chỉ làm nhiệm vụ cấp nước theo yêu cầu. Mãi đến tháng 9/2012 thực hiện quyết định của UBND tỉnh hợp nhất 4 Cty thủy lợi: Linh Cảm, Can Lộc, Hồng Lam, Hương Sơn thành Cty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh. Sau khi sáp nhập Cty quản lý trên địa bàn 7 huyện, thị với tổng diện tích tưới 50.329 ha, trong đó có 28 trạm, 20 hồ chứa, 9 cống ngăn mặn, giữ ngọt và nhiều công trình phụ cận phục vụ khác.
Để ổn định và phát triển Cty đề ra những biện pháp gì, thưa ông?
Muốn tạo nên tiến bộ mới trong công tác quản lý thủy nông phải có sự đổi mới toàn diện về tổ chức, quản lý và xây dựng con người. Trước mắt cần tập trung làm tốt công tác tổ chức cán bộ, đáp ứng với yêu cầu đặt ra. Đồng thời phải tập trung đổi mới trong quản lý tưới, quản lý công trình tiết kiệm chắt chiu nguồn nước.
Phát huy sáng kiến, áp dụng các tiến bộ KHKT vào quản lý cấp nước, giữ nước, mở rộng kinh doanh đa ngành nghề để khai thác tối đa các nguồn lực nhằm nâng cao mức sống cho CBCNV trước mắt cũng như lâu dài, phấn đấu tiếp tục xây dựng Cty trở thành DN vững mạnh toàn diện của ngành NN-PTNT.
Xin cảm ơn ông!
"Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập, Cty vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước, Cờ thi đua xuất sắc của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Cờ thi đua xuất sắc của Đảng bộ tỉnh... Thay mặt lãnh đạo, CBCNV Cty, tôi xin tỏ lòng biết ơn Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp ngành, địa phương trong tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Cty có được thành quả hôm nay", ông Trần Quốc Hùng. |
Anh Bình
Nguồn nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã