Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, nghề này nay đã mai một nhưng sức sống của một dòng tộc, cái hồn của một làng nghề truyền thống vẫn mãi trường tồn. Và dòng họ Nguyễn Hữu ở xã Thạch Lạc chính là nơi lưu giữ sức sống và ghi dấu thời vang bóng của một làng nghề.
Không chỉ đưa lại thu nhập, nghề truyền thống còn góp phần lưu giữ nét văn hóa của dân tộc |
Theo sách Làng cổ Hà Tĩnh thì: “Nghề thợ bạc Nam Trị do một người thuộc dòng họ Phạm Viết, vì đói quá phải bỏ làng tới đất Nam Định. Ngày nọ nối ngày kia, ông phải sống bằng công việc gánh nước thuê và thổi bễ cho một ông chủ kim hoàn người Hoa. Do có chí cao, ông mất trên chục năm mới thông thạo những bí quyết của nghề thợ bạc. Rồi ông mang về quê truyền lại cho con cháu trong họ mình. Nghề thợ bạc ở Nam Trị có từ ngày đó. Từ dòng họ Phạm Viết hành nghề đầu tiên ở đất này, dần dần nghề kim hoàn lan ra các dòng họ Hồ, Trần, Dương, Nguyễn…”.
Tương truyền, thời phong kiến, những người thợ bạc của vùng đất Nam Trị rất tài giỏi, có kỹ năng riêng biệt với đôi tay tài hoa và óc nhận thức sáng tạo, tinh tế nên được các vua Triều Nguyễn triệu vào cung đình để chế tác đồ Ngự dụng, đồ mỹ nghệ và các loại vũ khí. Bàn tay khéo léo, tài hoa và đức tính cần cù với công việc tạo hình, chạm khắc của các ngân tượng (thợ bạc) đã làm ra các loại đồ mỹ nghệ độc đáo, được nhà vua và các bậc vương hầu cảm phục. Tuy tổ sư của làng nghề không phải là người trong họ nhưng những người con của dòng tộc Nguyễn Hữu như: Nguyễn Hữu Nghiên, Nguyễn Hữu Lai... lại là những người thợ tài hoa nhất, đưa nghề chạm bạc của vùng lên tới đỉnh cao của công phu và nghệ thuật. Những người con ưu tú này của dòng họ Nguyễn Hữu đã vinh dự được nhà vua nhiều lần ban tặng sắc, chỉ khen ngợi và ban cấp chức tước.
Hiện nay, 7 bằng cấp, chiếu chỉ và các tuân lục của các vị tiền tổ vẫn được con cháu dòng họ Nguyễn Hữu lưu giữ cẩn thận tại nhà thờ như một minh chứng cho tấm lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân và dấu ấn thời vang bóng của làng nghề. Trong số hiện vật còn lưu giữ có bằng Thí Sai của vua Thành Thái cấp cho Nguyễn Hữu Nghiên với nội dung được dịch: “Quan đại thần hiệp biện Đại học sĩ Khâm mệnh tiết chế quân vụ Nguyễn về việc cấp bằng. Xét thấy ngân tượng Nguyễn Hữu Nghiên, quê quán thôn Nam Trị, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh theo làm việc chế tạo vũ khí cho quân đội, rất có công lao, nên được thưởng cấp bằng Thí sai, Tòng cửu phẩm, Tượng mục để biểu thị sự khuyến khích của triều đình. Trừ việc tư riêng cho tỉnh, căn cứ theo quê quán để sức theo đó mà cấp bằng để tuân theo”.
Đến đời vua Khải Định, ông được thăng chức đội trưởng: “Sắc cho Ngân tượng Tòng bát phẩm Tượng mục Nguyễn Hữu Nghiên chuyên chế tác đồ Ngự dụng, các thứ đều tinh xảo. Nay bộ binh hội bàn xin chuẩn cho ngươi được thưởng thăng lên Tòng thất phẩm, chức đội trưởng, vẫn tiếp tục làm tượng mục để biểu thị sự khuyến khích trong công việc”... Nối nghiệp ông, con trai cả Nguyễn Hữu Lai ngay từ khi còn trẻ tuổi đã tỏ ra thông minh, tài năng, chế tạo được nhiều sản phẩm tinh tế, nhận được sự thán phục của triều đình và rất được thương nhân nước ngoài ưa chuộng. Để tỏ lòng khuyến khích, dưới triều vua Khải Định, ông được ban thưởng 3 hạng là tiền bạc, vẩu chuông, giải mũ để treo và được phong Tuân cấp.
Theo sử liệu ghi chép lại cho thấy, dòng họ Nguyễn Hữu cũng là cái nôi sản sinh ra nhiều bậc danh nhân, dũng tướng cho đất nước, là một dòng họ có sức sống phi thường, có nguồn gốc từ Gia Miêu (Thanh Hóa), sau đó lan tỏa khắp cả nước, có con cháu giữ nhiều chức vụ cao trong các triều đại. Ở đất Nam Trị, dòng họ Nguyễn Hữu là một trong những dòng tộc lớn và phát triển thịnh vượng. Khởi nguyên dòng tộc đến định cư ở vùng đất này khoảng vào thế kỉ XV, thủy tổ là Triệu Tổ làm quan trong triều đến chức Tiền đô chỉ huy sứ, giữ lương hầu. Vị Thần tổ của dòng họ là Nguyễn Hữu Thái, tương truyền ông là người võ nghệ cao cường, làm quan lớn trong thị nội vương phủ dưới triều vua Minh Mệnh.
Ngoài những ngân tượng tài ba được các triều đại phong kiến trọng dụng, dòng họ này còn có những vị lãnh binh, lãnh tướng tài cán như Nguyễn Hữu Hiển, những người tỏ tường việc bút nghiên, tính toán như Nguyễn Hữu Xích... Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, nhiều người con dòng tộc Nguyễn Hữu đã hăng hái lên đường nhập ngũ. Họ đã chiến đấu quên mình vì nền độc lập của dân tộc, đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc và trong khuôn viên nhà thờ có nhà bia rất trang trọng làm nơi tưởng niệm 16 liệt sỹ của dòng họ. Tiếp bước truyền thống của ông cha, ngày nay, con cháu trong dòng họ không ngừng học tập, lao động sản xuất, cống hiến... để đỗ đạt, làm rạng danh cho dòng họ và cùng chung tay xây dựng quê hương, đất nước.
Để lưu giữ những giá trị tinh thần to lớn, những di vật của tổ tiên dòng tộc Nguyễn Hữu và dấu ấn, hồn thiêng của một làng nghề, Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh khảo sát và UBND tỉnh đã công nhận nhà thờ họ Nguyễn Hữu ở xã Thạch Lạc là di tích văn hóa – lịch sử cấp tỉnh. Hàng năm, vào các ngày rằm, lễ tết, con cháu lại đoàn viên, đóng góp mua sắm hương đăng, trà quả, phẩm vật về tại nhà thờ làm lễ tế chung. Và, nơi đây đã trở thành nơi lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dòng họ, nơi sinh hoạt cộng đồng, giữ gìn thuần phong mỹ tục, giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước cho nhân dân trong vùng nói chung và con cháu trong dòng họ nói riêng.
Tiến Phúc
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã