Học tập đạo đức HCM

Văn hóa biển trong dòng chảy văn hóa Hà Tĩnh

Thứ bảy - 06/05/2017 08:57
Đối với mỗi người Việt Nam nói chung và người Hà Tĩnh nói riêng, biển là một yếu tố gần gũi, gắn bó, tất cả những tri thức, giá trị hình thành, kết tinh từ biển là một bộ phận của văn hóa dân tộc. Dù chưa có khái niệm hoàn chỉnh hay một công trình nghiên cứu chuyên biệt về lĩnh vực này song xét trên nhiều khía cạnh như truyền thống bám biển, các tri thức về biển, đặc điểm của địa hình biển, các phong tục, tập quán… được ngư dân hình thành, gìn giữ qua nhiều thế hệ để thích ứng với điều kiện tự nhiên cho thấy văn hóa biển của người Hà Tĩnh hình thành sớm và biến đổi qua từng giai đoạn lịch sử. Sự ưu đãi của thiên nhiên đã tạo điều kiện cho ngư dân Hà Tĩnh từ bao đời gắn bó, khai thác biển để phục vụ nhu cầu cuộc sống và tích lũy tri thức, kinh nghiệm, văn hóa, phong tục tập quán, đóng góp và làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh có đường bờ biển dài 137 km từ Cửa Hội đến tận đèo Ngang. Cũng như các địa phương khác trên dải đất miền Trung, Hà Tĩnh là nơi chịu sự phân cắt mạnh bởi địa hình, tạo thành các tiểu vùng, giới hạn bởi các dải núi vươn ra biển. Các dòng sông trong vùng thường ngắn và dốc, chảy theo hướng Đông - Tây ra biển, lưu vực nhỏ, cửa sông thường bị chế ngự bởi các cồn cát chạy dài dọc bờ biển. Sự cắt xẻ của nhiều dòng chảy đã tạo ra nhiều dải đồng bằng nhỏ hẹp, vừa mang tính chất cận duyên lại vừa mang tính thung lũng rừng núi. Địa hình dốc của núi tạo nên nhiều bãi bồi từ các dòng chảy và dải đất mà người ta gọi là đồng bằng, thực chất chỉ là sự trải rộng của chân núi. Những đoạn núi lấn sát tận mặt nước biển thì khoảng đồng bằng ấy bị thu nhỏ lại hoặc biến mất. Sự kiến tạo của tự nhiên đã đem đến cho bờ biển mỗi vùng những dáng dấp riêng. Yếu tố địa hình đã tạo nên phong cảnh núi, sông, biển vấn vít, hữu tình. Cửa Sót có núi Nam giới, cửa Nhượng có núi Tượng Sơn, cửa Khẩu có núi Cao Vọng…

Biển Hà Tĩnh là ngư trường có nhiều hải sản quý trữ lượng lớn với 267 loài thuộc 90 họ: cá, tôm, mực…, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao; hàm lượng muối trong biển tương đối cao thuận lợi cho việc sản xuất muối. Từ xa xưa đã hình thành những làng ngư nổi tiếng như Hội Thống (Nghi Xuân), Kim Đôi (Thạch Kim - Lộc Hà), Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên)… hay những làng muối lâu đời như Hộ Độ (Lộc Hà), Thạch Bàn (Thạch Hà), Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh)… Vùng biển có một số đảo, tuy không lớn song chỉ cách bờ từ 2 - 4 km rất thuận tiện cho tàu, thuyền ghé ngụ cũng như khách tham quan như hòn Bớc, hòn Én, đảo Sơn Dương. Cùng với truyền thống khai thác, đánh bắt, cư dân vùng biển cũng thành thạo nhiều cách thức chế biến, cất trữ, từ đó đã hình thành nhiều làng nghề chế biến hải sản, các dịch vụ nghề biển cũng phát triển.

Văn hóa của cư dân biển Hà Tĩnh được hình thành sớm gắn với truyền thống bám biển, đánh bắt, chế biến các thủy, hải sản, nguồn lợi từ biển. Cư dân ven biển có thể dựa vào sự thay đổi của thời tiết, sắc mây, âm thanh sóng, gió, dòng chảy, màu nước, luồng hải lưu… để đưa ra được phán đoán chính xác nhằm đối phó với rủi ro do thiên tai hoặc có thể phát hiện được thời điểm luồng cá di cư để đánh bắt. Quan sát thiên nhiên để xác định phương hướng ra vào cửa lạch: “Đi ra trông sao/ Đi vào trông rú” hay “coi trời” để chủ động ra biển của ngư dân Nhượng Bạn : “Ai về Nhượng Bạn mà coi/ Mù sương lắm cá hồng trời lắm tôm”. Những tri thức dân gian được tồn tại dưới dạng dân ca, vè dễ nhớ dễ thuộc, lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, chi phối tình cảm, ứng xử của con người đối với tự nhiên, làm nên nét văn hóa đặc sắc của cư dân ven biển Hà Tĩnh.

Thích nghi với biển cả, con người trở nên cần cù, nhẫn nại, dạn dày về kinh nghiệm, vững vàng về ý chí, vươn lên không ngừng. Cùng với những chính sách của Đảng và Nhà nước, sự hăng say, miệt mài lao động, ngư dân đã nỗ lực cải tiến công cụ đánh bắt từ thô sơ sang đóng mới những tàu thuyền có công suất lớn, chuyển từ kinh nghiệm đánh bắt phụ thuộc vào thiên nhiên sang kỹ thuật hiện đại để làm chủ ngư trường, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động.

Văn hóa bao gồm nhiều yếu tố, không chỉ những tri thức, phong tục, tính cách của người dân biển mà chính quá trình giao lưu tiếp biến, thu nhận, sáng tạo, cư dân ven biển đã lưu giữ, hình thành được những giá trị văn hóa đa dạng. Sự tương tác của các điều kiện lịch sử - xã hội, nhiều công trình tâm linh ven biển có giá trị, ý nghĩa được xây dựng như Đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi (đền thờ chính ở xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, đền thờ vọng ở các xã Thạch Kim, Mai Phụ, huyện Lộc Hà), chùa Yên Lạc (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên), đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh)… và các tín ngưỡng dân gian, phổ biến nhất là việc thờ cúng cá ông, các vị tiền hiền, những người có công trong việc tìm đất, định cư khai phá đất đai, mở mang nghề nghiệp và các nhân vật lịch sử; các câu chuyện truyền thuyết huyền bí, hấp dẫn như sự tích Chữ Đồng Tử tu tiên đắc đạo (biển Thạch Hải), sự tích núi Thiên Cầm và vua Hồ Quý Ly ẩn trốn ở núi này (biển Thiên Cầm - Cẩm Xuyên), huyền thoại bà Bích Châu cưỡi mâm vàng bơi ra biển khơi tự nguyện làm vật tế thủy thần để sóng yên biển lặng cho đoàn thuyền vượt bão (Kỳ Ninh, Kỳ Anh)… càng gợi thêm sự hấp dẫn, niềm say mê khám phá của du khách thập phương, là yếu tố quan trọng để ngành du lịch khai thác.

Sau những biến động do sự cố môi trường, giờ đây biển Hà Tĩnh lại hồi sinh, tàu lại ra khơi, trên từng cảng cá lại tấp nập cảnh bán, mua… Để văn hóa biển thấm mãi trong dòng chảy văn hóa rất cần những chính sách phát triển kinh tế biển, đầu tư hạ tầng, khai thác tiềm năng du lịch trên cơ sở giữ gìn giá trị truyền thống cũng như môi trường tự nhiên của biển.

                                             Phan Hương (Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thạch Hà)

 
Hatinh.dcs.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập115
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm113
  • Hôm nay31,524
  • Tháng hiện tại649,365
  • Tổng lượt truy cập91,823,094
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây