Học tập đạo đức HCM

Vươn khơi trúng đậm đầu năm

Thứ ba - 07/02/2017 07:02
Từ mùng 2 Tết đến nay, tranh thủ thời tiết nắng ấm thuận lợi, biển lặng, ngư dân các tỉnh ven biển ra khơi sớm và sau vài ngày đi biển đã khai thác được nhiều tấn hải sản. Mặc dù, giá cả không cao như các năm trước do ảnh hưởng từ sau sự cố môi trường, nhưng ngư dân cũng thấy yên tâm, phấn khởi hơn khi thuyền cập cảng, cánh thương lái túc trực đã thu mua hết tại chỗ.


Lộc từ biển

Rạng sáng mùng 7 Tết, có mặt tại cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, đây là cảng cá lớn nhất ở tỉnh Hà Tĩnh. Trên bến cảng hàng trăm người dân, thương lái đang chen chúc nhau để đón mua hải sản; dưới biển hàng chục tàu thuyền các loại của ngư dân Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận ra vào tấp nập, trên khoang chứa đầy ắp các loại hải sản… tươi rói.

Đang đứng kiểm đếm “xuất” các khay cá từ trên khoang tàu số hiệu HT90093TS lên bến Cửa Sót, ngư dân Trần Trọng Dương (53 tuổi, xã Thạch Kim), phấn khởi: “Tàu này có công suất 160CV, vừa rồi sau sự cố môi trường biển được bồi thường 108 triệu đồng, chúng tôi đã đầu tư lại một số ngư lưới cụ để phục vụ công việc vươn khơi lâu dài. Từ mùng 2 Tết, chúng tôi tranh thủ cho tàu xuất bến ra khơi sớm khoảng 6-7 hải lý và đánh bắt được khoảng 4 tấn cá rọc/chuyến (mỗi chuyến đi kéo dài gần một ngày), thu về khoảng 40-50 triệu đồng, trừ chi phí xăng dầu khoảng 2-3 triệu đồng. Mấy ngày đầu năm, thời tiết thuận lợi, biển lặng, cá nhiều, mặc dù giá cả thấp hơn các năm trước nhưng tàu thuyền nào cũng đánh bắt được nhiều tấn hải sản, khi cập bến được thu mua hết nên ngư dân cũng yên tâm bám biển…”.

Quan sát xung quanh cảng cá Cửa Sót, ngoài các tàu thuyền trúng cá biển, tôm các loại… với số lượng khá lớn, đặc biệt nhiều tàu thuyền khác cũng trúng đậm tép biển, bình quân từ 300-600kg tép biển/tàu, thậm chí có tàu đánh bắt được hàng tấn tép/ngày, thu nhập hàng chục triệu đồng. Ngư dân Nguyễn Văn Thanh, ở huyện Thạch Hà, cho biết: “Tàu của chúng tôi chủ yếu đánh bắt gần bờ, đi và về trong ngày, đầu năm mới đến nay đã đi được nhiều chuyến, đánh bắt được bình quân hơn 400kg tép biển/chuyến. Sau khi cập cảng Cửa Sót được thương lái thu mua tại chỗ với giá 20.000 đồng/kg (tùy từng thời điểm), vì tép tươi rói, ngon…”.

Theo anh Thanh, ngư dân đi biển tập trung nhiều nhất là vào thời điểm ngoài rằm tháng Giêng, nhưng đầu năm nay do thời tiết thuận lợi, biển lặng, hải sản nhiều nên ngư dân đã tranh thủ ra khơi sớm hơn, có tàu đã thu về được hàng trăm triệu đồng mỗi chuyến. Đánh bắt tép biển được mùa không chỉ mang lại thu nhập cao cho ngư dân mà còn giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi của địa phương, trong đó chỉ tính riêng việc mua tép từ các bến thuyền ở cảng rồi vận chuyển về bán lại ở các chợ đầu mối, sau khi trừ chi phí, mỗi ngày cũng lãi khoảng 200.000-300.000 đồng/người. Đặc biệt, ở Hà Tĩnh tép biển phần lớn dùng chế biến ruốc nên nhiều gia đình làm ruốc ở đây cũng thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/mùa tép…

Niềm vui ngư dân

Sau những ngày tết no đủ vui vầy, mùng 4 Tết, ông Đinh Văn Tài, tài công tàu cá BV-9779TS (Bà Rịa - Vũng Tàu) và 12 ngư phủ làm công cho ông xuất kích đi biển. Theo kinh nghiệm của ông Tài, thông thường sau tết bao giờ biển cũng nhiều cá, nhất là những vùng biển nước sâu như Cảnh Dương, Côn Đảo. Theo quy luật dòng chảy, vào những ngày giáp tết, cá dồn về vùng sâu để trú vì nước lạnh, nên chuyến biển đầu năm các chủ tàu bao giờ cũng đi đánh cá ở vùng biển nước sâu. Tuy đánh bắt cá ở đây khó hơn, chịu nhiều áp lực, nhất là đối với các thợ lặn, nhưng ở vùng biển này cá nhiều hơn, to hơn. “Cuối năm, cá dồn vào vùng nước sâu chúng tôi hay gọi là túi cá. Nhìn qua kính lặn từ mặt biển, cá quấn vào nhau như cái túi khổng lồ. Chỉ cần gặp hai túi cá này là đầy tàu”, ông Tài cho biết.

Nhiều tàu của ngư dân tỉnh Hà Tĩnh đầy ắp cá sau chuyến biển đầu năm mới.

Những ngày đầu năm mới Đinh Dậu, hàng ngàn ghe tàu ở khắp các làng chài Phước Hải, Phước Tỉnh, Bến Đình, Đất Đỏ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và nhiều tàu cá vỏ thép đang đậu tại các ụ sửa chữa tàu biển cùng xuất phát ra khơi. Bên cạnh mưu sinh, chuyến mở biển đầu năm này của những người “ăn sóng nói gió”, còn có một lý do khác để họ xuất kích sớm, đó là ra biển để thỏa thích, để làm bạn với biển, vui buồn với biển.

Cùng niềm vui với các chủ tàu cá, ông Nguyễn Văn Bạn, chủ doanh nghiệp sửa chữa tàu thuyền Lứa Bạn (phường 12, TP Vũng Tàu) cho biết: “Mùng 6 Tết, khoảng 60% số tàu trên ụ này xuất phát đi biển, đến ngày 15 tháng Giêng là đi hết”.

Những ngày đầu năm, công ty của ông Bạn hiện có khoảng hơn 100 tàu cá đến sửa chữa, đóng mới và thay thế vật liệu ở cả hai khu vực, song đa phần các ghe đến để bảo dưỡng, cạo hà, chống dột, sơn mới. Để bảo đảm an toàn cho mỗi ghe tàu đánh cá ngoài khơi xa không gặp rủi ro sự cố bị phá nước, hoặc bục tàu do sóng to gió lớn, hoặc gặp bão dông bất ngờ, ngoài bảo dưỡng, bảo quản, thay mới thiết bị, bao giờ cũng vậy, ông Bạn thường xuyên nhắc nhở các chủ tàu về tuổi thọ của vỏ tàu và các thiết bị cần thiết phải bảo quản, bảo dưỡng định kỳ, thay thế khi quá “đát”.

Để cho những tàu cá đi biển đầu năm đúng thời gian, những người thợ sơn tàu, cạo hàu, trét keo ở các ụ tàu phải chạy đua với thời gian. Dẫu khó nhọc, nhưng phía sau những giọt mồ hôi mặn mòi ấy là sự an toàn của những con tàu và chủ nhân của nó. Để những ngày đầu năm mới Đinh Dậu, những con tàu thơm mùi sơn mới rẽ sóng vươn khơi bám biển giữa ngư trường trên các vùng biển đảo của Tổ quốc.

Lộc nhung hươu tiếp tục được mùa

Trong khi đó, tại thủ phủ của nghề chăn nuôi đàn hươu ở huyện miền núi Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, hàng ngàn hộ dân cũng đang phấn khởi vào vụ mùa thu hoạch lộc nhung hươu, thắng lợi cả về sản lượng, chất lượng, giá thành và bán được hươu giống.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Hương Sơn, đến nay, tổng đàn hươu của toàn huyện là gần 31.000 con, trong đó có khoảng 22.000 con hươu đực. Dự kiến, tổng sản lượng lộc nhung hươu thu hoạch cả mùa năm nay sẽ đạt khoảng 12,8 tấn, ước tính thu về trên 120 tỷ đồng. Lộc nhung hươu ở Hương Sơn nổi tiếng khắp cả nước từ hàng chục năm qua, và cứ đến mỗi dịp đầu xuân là người dân ở Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, TPHCM… lại tìm về đây thu mua với giá gốc trên dưới 10 triệu đồng/kg lộc nhung tốt, sau đó mang về sử dụng, làm quà tặng hoặc bán lại. Ngoài bán lộc nhung hươu, năm nay người dân ở huyện Hương Sơn còn bán được khoảng 5.000 con hươu giống đực và cái, với giá trị hươu giống đực bình quân 4-5 triệu đồng/con, thậm chí có con trên 10 triệu đồng; hươu cái 2-3 triệu đồng/con.

 

Theo Dương Quang - Tuấn Mạnh./saigondautu.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập305
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm302
  • Hôm nay80,333
  • Tháng hiện tại785,446
  • Tổng lượt truy cập90,848,839
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây