Vườn mẫu thôn Hà Thanh (Tượng Sơn - Thạch Hà) được đầu tư xây dựng khoa học, cho hiệu quả kinh tế cao. |
Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt “vườn mẫu, đẹp nhưng phải có hiệu quả kinh tế“, đến nay, toàn tỉnh đã có trên 2.000 vườn mẫu được xây dựng, trong đó, 860 vườn cơ bản đạt chuẩn theo 5 tiêu chí. “Châm ngòi“ cho phong trào xây dựng vườn mẫu là những khu vườn mẫu được đầu tư, xây dựng một cách khoa học, bài bản tại các thôn: Tân An (Cẩm Bình - Cẩm Xuyên), Hà Thanh (Tượng Sơn - Thạch Hà) hay Nam Trà (Hương Trà - Hương Khê)... Hàng trăm khu vườn mẫu ở các địa phương này không chỉ đẹp về cảnh quan, môi trường mà còn mang lại thu nhập từ 100-120 triệu đồng/năm, tạo sức lan tỏa lớn để nhiều người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Sau khi được xã cho đi tham quan mô hình vườn mẫu thôn Tân An (Cẩm Bình), bà Nguyễn Thị Hiền (thôn Yên Thành, xã Cẩm Yên - Cẩm Xuyên) đã bắt tay cải tạo, quy hoạch lại khu vườn gần 1.000 m2 với hệ thống béc (vòi phun) tự động, mương thoát thải, giàn che nắng... để trồng các loại rau màu theo mùa vụ. Đặc biệt, trên diện tích chưa đầy 500 m2, bà Hiền đã trồng ngò gai (ngò tàu) bởi theo bà, loại cây này dễ trồng, dễ chăm sóc, cho năng suất cao và dễ tiêu thụ. Trung bình mỗi ngày, gia đình bà thu 250-300 nghìn đồng từ cây ngò gai. Thành công của mô hình xây dựng vườn mẫu của gia đình bà Hiền đã tạo sức lan tỏa để hàng chục hộ dân thôn Yên Thành cùng học tập.
Chia sẻ kinh nghiệm thành công từ kinh tế vườn, ông Đinh Văn Di ở thôn Hà Thanh (Tượng Sơn) cho biết, để xây dựng được vườn mẫu, ngoài quyết tâm của từng hộ, cần sự hỗ trợ, vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương. Cùng với sự giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể trong phá bỏ vườn tạp, gia đình ông còn được hỗ trợ 20 triệu đồng đầu tư hệ thống tưới tiêu, cải tạo vườn. Đây là nguồn động viên to lớn cả về tinh thần lẫn vật chất. Trên khu vườn 2.300 m2 để trồng các loại cây ăn quả như ổi Đài Loan, nhãn, hồng xiêm, diện tích còn lại trồng các loại rau màu và đào 200 m2 ao nuôi cá chép. Chỉ trong năm đầu, thu nhập từ các loại rau ngắn ngày và cá đã đạt hơn 80 triệu đồng.
Để phát huy hiệu quả kinh tế vườn, từng vườn hộ phải có thiết kế quy hoạch (nhiều vườn hộ đã được thực hiện bằng công nghệ 3D), lập phương án - dự toán triển khai thực hiện (có tư vấn của cán bộ chuyên môn xã, huyện, tỉnh và các chuyên gia), đảm bảo sự phát triển bền vững, phù hợp thực tiễn cả về kinh tế, văn hóa, môi trường. Các vườn chủ yếu tập trung quy hoạch trồng một số sản phẩm chính tạo hàng hóa và đều dành diện tích trồng rau an toàn như ở các thôn: Tân An (Cẩm Bình), Yên Mỹ (Cẩm Yên), Nam Thành (Cẩm Nam - Cẩm Xuyên); Đan Trung (Thạch Long - Thạch Hà); Bình Minh (Thạch Bình - TP Hà Tĩnh); thôn 2 (Phúc Trạch - Hương Khê)... Nhiều thôn đã đưa các loại giống mới, đảm bảo chất lượng như: mít Thái, xoài Thái, xoài Úc, ổi Đài Loan vào sản xuất. Các quy trình sản xuất tiên tiến như VietGAP, sản xuất nông nghiệp hữu cơ... đã được một số thôn áp dụng, tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó, người dân đã biết sử dụng các loại chế phẩm như: Hatimic, Balasa N01... để xử lý chất thải trong chăn nuôi, nước thải sinh hoạt và sản xuất phân bón hữu cơ.
Hiệu quả kinh tế vườn hộ ngày càng được nâng cao, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người dân. Theo số liệu khảo sát bước đầu tại các khu vườn mẫu, thu nhập bình quân/vườn đạt 51,4 triệu đồng (27,2 triệu đồng/1.000 m2, gấp 4 lần trồng lúa); nhiều vườn cho hiệu quả kinh tế cao, đạt trên 300 triệu đồng/vườn, thu nhập trên đơn vị diện tích đất vườn đạt trên 60 triệu đồng/1.000 m2.
Theo ông Trần Huy Oánh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Chánh Văn phòng Nông thôn mới tỉnh, kết quả quan trọng nhất là đã làm chuyển biến nhận thức, ý thức của người dân về phát triển kinh tế trong khu dân cư, chỉnh trang nhà ở, xây dựng hàng rào xanh, bảo vệ môi trường; tăng cường mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, hiệu quả từ phát triển kinh tế vườn hộ được khẳng định; thay đổi được tập quán của người dân từ sản xuất truyền thống tự cung tự cấp sang hàng hóa, kết nối thị trường; khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng đất vườn và tận dụng được lao động nhàn rỗi.
Theo Bá Tân/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã